Đình An Ninh tọa lạc thôn An Ninh, Xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo cuốn Địa bạ điền thổ của làng lập vào năm Gia Long thứ 10 (1802): Làng An Ninh trước kia có tên gọi là làng Phú An. Lúc đầu đình được dựng tại phía Tây của làng, sau đó khu vực này thấp lại gần dãy núi Hoàng Ngưu, đến mùa mưa hay bị lụt lội nên nhân dân trong làng quyết định dời đình về vị trí hiện nay. Khi di chuyển về vị trí mới, đình quay hướng Tây Bắc, trải qua thời gian dài chiến tranh liên miên nên ngôi đình đã bị hư hỏng nặng, năm 1971 khi xây dựng lại đình đã chuyển hướng về phía Đông Bắc.
Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) làng được đổi tên là Tây An, sau một thời gian đổi tên lại là Thanh Ninh, đến thời Bố chánh Tôn Thất Lãm tên làng được đổi là An Ninh và tên đình cũng gọi theo tên làng đến ngày nay.
Theo khẩu truyền đình An Ninh có niên đại xây dựng khoảng cuối thế kỷ 18 để thờ Bản cảnh Thành Hoàng, Cao Các, Ngũ Hành, Tiền hiền, Hậu hiền. Tiền hiền của làng là cụ Võ Văn Điền.
Hiện đình còn lưu giữ 7 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho các thần: Bản cảnh Thành Hoàng, Cao Các, Ngũ Hành.
Đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng đại trùng tu vào các năm: 1924 và 1971.
Đình An Ninh tọa lạc trên khuôn viên tương đối bằng phẳng, mặt tiền quay hướng Đông Bắc, có 3 công trình chính: Đại đình, miếu Tiền hiền và nhà đông.
Đại đình thiết kế kiểu chữ nhị, tiền tế và chánh điện không ngăn cách nhau mà nối liền. Cũng giống như các công trình kiến trúc thờ phụng đình, miếu tại Khánh Hòa, chánh điện có ban thờ Hội Đồng, phía trong là ban thờ Thần, hai bên có ban thờ Tả ban và Hữu ban. Tiền tế treo bức hoành gỗ, được tạo lập vào mùa Xuân năm 1924. Trong chánh điện có các cặp liễn đối, hoành phi tạo sự trang trọng, ấm cúng cho di tích.
Miếu Tiền hiền tọa lạc bên hữu đình, chính giữa là ban thờ Ngũ hành; hai bên là ban thờ Tiền hiền và Hậu hiền.
Bài trí trong chính điện
Nhà đông tọa lạc phía sau miếu Tiền hiền, gồm nhiều hàng chân cột, cột cái và cột quân. Các hàng cột tạo thành các bộ vì nóc kiểu vì kèo. Đây là công trình kiến trúc còn lưu giữ được kết cấu kiến trúc gỗ trong tổng thể di tích đình An Ninh. Là nơi đón tiếp quan khách và nhân dân trong dịp đình tổ chức lễ hội hàng năm.
Đình mở hội thời gian 02 ngày, lễ hội được tổ chức vào ngày đẹp trong tháng 2 âm lịch hàng năm; ngày, giờ tổ chức được chọn theo từng năm chứ không có lệ. Ngoài ra đình còn tổ chức cúng Tiền hiền vào tháng 8 âm lịch.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngày 19/8/1945, đình An Ninh là địa điểm tập hợp quần chúng nhân dân về huyện đường cướp chính quyền. Ngay sau ngày giành chính quyền, đình làng là nơi tổ chức học tập chính trị, tổ chức các lớp bình dân học vụ xóa nạn mù chữ.
Hòa chung trong không khí cả nước tổ chức bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 6/1/1946, đình An Ninh là địa điểm đặt hòm phiếu để nhân dân địa phương tập trung đến bỏ phiếu.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, năm 2008 đình An Ninh được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 707QĐ/ UBND xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: