Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHÚ ÂN NAM

14/08/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Phú Ân Nam (còn có tên gọi là đình Phú Ân), hiện nay thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Khi mới thành lập, làng Phú Ân gồm có 4 thôn: Miên Hoa, Bạch Qua, Phật Tỉnh và Thanh Tự. Khởi đầu, đình Phú Ân được dựng bên tả ngạn sông Cái thuộc hai thôn: Miên Hoa, Bạch Qua. Về sau do hai thôn phía hữu ngạn sông Cái (Thanh Tự và Phật Tỉnh) làm ăn phát đạt, kinh tế mạnh hơn, đường giao thông đi lại thuận lợi, lại có Phủ lỵ Diên Khánh nên chính quyền địa phương và nhân dân trong làng đã quyết định dời ngôi đình về xây cất ở phía Nam với vị trí như hiện nay. Căn cứ vào tư liệu hiện còn tại đình thì năm dời chuyển ngôi đình sang vị trí hiện nay là năm 1885.

Đình làng đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng các lần đại trùng tu gần đây là các năm: 1956; năm 1996; năm 2007.

Căn cứ vào các sắc phong Thần mà triều đình nhà Nguyễn đã ban tặng cho làng Phú Ân thì đình làng Phú Ân được vua triều Nguyễn cho phép thờ cúng các vị Thần: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thánh nương Thượng đẳng thần, Cao Các tôn thần, ngoài ra đình còn thờ Thổ công, Chiến sỹ, Âm cô, Tiền hiền, Hậu hiền:
- Sắc thứ nhất: Tự Đức ngũ niên (1852) phong cho Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần;
- Sắc thứ hai: Tự Đức ngũ niên (1852) phong cho Cao Các tôn thần;
- Sắc thứ ba: Tự Đức tam thập tam niên (1880) phong cho Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần;
- Sắc thứ tư: Đồng Khánh nhị niên (1887) phong cho Cao Các thượng đẳng thần;
- Sắc thứ năm: Đồng Khánh nhị niên (1887) phong cho Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần;
- Sắc thứ sáu: Duy Tân tam niên (1909) phong cho Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần;
- Sắc thứ bảy: Khải Định 9 (1924) phong cho Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần;
- Sắc thứ tám: Khải Định 9 (1924) Cao Các thượng đẳng thần;

Đình tọa lạc trên một khu đất tương đối bằng phẳng, quay hướng Đông, tổng thể đình có các công trình: Nghi môn, đại đình, miếu Tiền hiền, miếu Thổ công, nhà đông.

Đình Phú Ân là ngôi đình còn lưu giữ được những kết cấu kiến trúc ban đầu của ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa. Tiền tế và chánh điện liên kết với nhau, chánh điện lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, thiết bản, sắc phong. Chính giữa đặt ban thờ Hội đồng, sau có ban thờ Thần, khám thờ được sơn son thiếp vàng, mái khám trạm trổ hình lưỡng long tranh châu, hai bên thờ Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị.

Phía đông chính điện là nhà đông, được thiết kế 3 gian 2 chái, kết cấu kiến trúc gồm 4 hàng chân cột, 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân.

(Chính điện đình Phú Ân Nam)

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đình Phú Ân là một cơ sở cách mạng lớn của huyện Diên Khánh. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, bộ máy chính quyền cách mạng được thiết lập, uy tín của Mặt trận Việt Minh rất lớn. Để củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, Việt Minh đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân về đình Phú Ân để học tập chương trình điều lệ Việt Minh. Để có vũ khí trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ trong làng, Mặt trận Việt Minh xã còn tập trung một số thợ rèn tại địa phương về đình Phú Ân rèn các loại giáo mác, gươm. Đình Phú Ân cũng là địa điểm tổ chức lớp bình dân học vụ xóa nạn mù chữ, nhiều bà con sau khi học lớp này đã biết đọc chữ Quốc ngữ; bên cạnh đó, đình Phú Ân trở thành vị trí quan trọng cho các chiến sĩ cách mạng hoạt động trú ẩn vì địa hình giáp sông Cái, thuận lợi cho việc thoát hiểm.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược, tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ cha anh, các anh như: Nguyễn Tống, Nguyễn Hữu Bích, Phạm Thị Chuông … vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, ngày ở chiến khu, đêm về làng trú ẩn ở đình để vận động bà con đấu tranh biểu tình chống lại sự đàn áp của đế quốc Mỹ.

Đình làng mở hội vào mùa Xuân và mùa Thu, cúng lệ hàng năm vào ngày tốt trong tháng 3 âm lịch. Từ 3 năm trở lên do sự hưởng ứng của bà con nhân dân đóng góp để tổ chức hát bộ.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, năm 2008 đình Phú Ân được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 708/QĐ- UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                    Nguyễn Thị Thúy Hằng

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH VĨNH CÁT
Đình Vĩnh Cát là một di tích có nhiều yếu tố kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc thời Nguyễn, thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc giá trị về các mặt văn hóa, khoa học, lịch sử, nghệ thuật. Ngoài ra, đình còn bảo lưu được lễ hội văn hóa truyền thống, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của người dân Khánh Hòa.
ĐÌNH PHÚ CỐC
Đình Phú Cốc tọa lạc tại giữa thôn Trung, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Phú Cốc là một công trình kiến trúc nghệ thuật được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Bạch Mã, Tứ vị Nam Hải; Tiền hiền, Hậu hiền. Di tích nằm trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng, rộng rãi, trên trục đường quốc lộ 39B, có diện tích là 7.065m2.
MIẾU THANH TỰ ĐÔNG
Miếu Thanh Tự Đông thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu Thanh Tự Đông do Tri phủ huyện Tân Định tên là Lê Kim Cảnh cùng các nhân hào thân sĩ đồng tâm xây dựng, ông cúng 6 sào đất và tiền quan để dựng đình.
CHÙA VẠN THIỆN
Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).
CHÙA PHƯỚC LÂM
Chùa Phước Lâm thuộc thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Di tích chùa Phước Lâm có giá trị lịch sử cách mạng tiêu biểu của huyện Diên Khánh, đồng thời chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Hàng năm, chùa tổ chức cúng lớn vào các ngày: Lễ Phật Đản (15/4) và lễ Vu Lan (15/7) âm lịch
MIẾU TAM TÒA
Theo dòng lịch sử, miếu Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng cổ Phú Lộc. Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ các tỉnh miền Trung đến định cư ở vùng đất dọc hai bờ sông Cái (thuộc thị trấn Diên Khánh), sớm hình thành nên những làng xóm trù phú của người Việt.
ĐÌNH TRƯỜNG THẠNH
Đình Trường Thạnh không chỉ mang nét đẹp thẩm mỹ, nó còn ẩn chứa bên trong nhiều giá trị to lớn khác, là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể của làng: 05 sắc phong do vua triều Nguyễn ban, khám thờ thần, long đình, đôi lọng, bộ lỗ bộ, chiêng, trống, thanh la, nghi thức cúng, các bài văn cúng, nhạc cúng…
ĐÌNH ĐẢNH THẠNH
Đình Đảnh Thạnh tọa lạc trên một gò đất thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc Trường Lộc Trung xã, tổng Trung, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh), nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 21km về phía Tây. Đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
MIẾU QUAN THÁNH
Miếu Quan Thánh do những người Việt gốc Hoa vùng Quảng Đông (Trung Quốc) sang sinh sống và làm ăn tại Diên Khánh xây dựng lên. Nơi định cư của người Hoa sớm nhất ở Diên Khánh là Thanh Minh (xã Diên Lạc), sau họ chuyển xuống khu vực Thành.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TÂY
Đình Đại Điền Tây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực thực phẩm và là nơi tổ chức các cuộc họp của phong trào Việt Minh bàn kế hoạch chống Pháp, thành lập đội quân du kích đánh Pháp. Đồng thời, di tích còn là nơi học tập chủ trương chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.