Đình Đại Điền Tây tọa lạc tại thôn Tây 1, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Dưới triều vua Gia Long năm thứ 12 (năm 1813), các bậc tiền nhân sau khi quy dân lập ấp, xã Đại An gồm có 4 thôn là Đại Điền Đông, Đại Điền Tây, Đại Điền Nam và Đại Điền Trung (gọi chung là Tứ thôn Đại Điền) thuộc tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Do người đông, đất rộng nên công cuộc khai hoang dần dần đã tiến tới tận chân núi Đại An, Hòn Tháp, Hòn Ngang, Trảng Găng, Trảng Ké, Dòng Sặt, Dòng Tra. Để thuận tiện cho việc quản lý, xã Đại An được phân ra thành 04 làng để dễ bề quản lý là: Làng Đại Điền Đông, làng Đại Điền Tây, làng Đại Điền Nam và làng Đại Điền Trung. Hiện nay, bốn làng đã sát nhập lại với nhau thành 02 xã là Diên Điền và Diên Sơn. Trong đó, xã Diên Sơn bao gồm 02 làng là: Làng Đại Điền Nam và làng Đại Điền Tây. Sau khi phân chia làng thì Đình Đại An cũng được phân chia như sau: Làng Đại Điền Tây nhận nhà đông, làng Đại Điền Nam nhận miếu Tiền Hiền, làng Đại Điền Đông nhận chính điện và làng Đại Điền Trung nhận tiền tế. Nhân dân làng Đại Điền Tây đã dựng ngôi đình của làng mình trên vùng đất của ông Cửu Năm Hớn (Xã trưởng) vào khoảng năm 1884. Đến năm 1902, do các cụ hào lão trong làng thấy ngôi đình xây cất không ở trung tâm của làng nên chuyển đến xây dựng tại khu đất sau nhà thờ Hoa Vông.
Năm 1945 - 1946, giặc Pháp tấn công vùng Tứ thôn Đại Điền. Cũng trong khoảng thời gian này, đình Đại Điền Tây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực thực phẩm và là nơi tổ chức các cuộc họp của phong trào Việt Minh bàn kế hoạch chống Pháp, thành lập đội quân du kích đánh Pháp. Đồng thời, di tích còn là nơi học tập chủ trương chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Sau khi bị Việt gian chỉ điểm, giặc Pháp đã đốt cháy toàn bộ đình Đại Điền Tây vào năm 1946, các sắc phong cũng đều bị cháy hết. Năm 1958, nhân dân chọn địa điểm xây dựng lại ngôi đình tại khu mộ của vị Tiền hiền, đó là vị trí ngôi đình hiện nay.
Đình Đại Điền Tây
Đình quay hướng Đông, có tổng diện tích đất 2.650m2. Di tích gồm có các hạng mục: nghi môn, hồ bán nguyệt, miếu Sơn lâm Chúa tướng, miếu Âm cô liệt sĩ, án phong, tiền tế, chính điện, miếu Tiền hiền, miếu Bà Thiên Y A Na, nhà đông và nhà trù.
Đình Đại Điền Tây đã trải qua những lần tu bổ như sau:
- Năm 1970, đình Đại Điền Tây bị bom đạn làm hư hỏng nên được tu bổ lại.
- Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, do cơ sở vật chất của chính quyền cách mạng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên đã sử dụng ngôi đình Đại Điền Tây làm nhà kho chứa lúa và trường học; miếu Đại Điền Tây được sử dụng làm Văn phòng Ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp; nhà đông được sử dụng làm Hợp tác xã mua bán; miếu Tiền hiền được sử dụng làm kho lúa.
- Năm 1994, đình Đại Điền Tây đã được tu bổ.
- Năm 1997, xây cất lại nhà bếp và nhà đông, xây hồ bán nguyệt.
- Năm 2000, lát toàn bộ nền sân đình, miếu Tiền hiền và nhà đông.
- Năm 2005, xây dựng nghi môn.
Đình Đại Điền Tây thờ Thần Hoàng, Thiên Y A Na, Sơn lâm, Tiền hiền, am cô, liệt sĩ, Tiền bối, Hậu bối. Lễ hội tổ chức ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, năm 2006 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 516/QĐ-UBND xếp hạng đình Đại Điền Tây là Di tích cấp tỉnh.
Hoàng Quý
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: