Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TRUNG

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Đại Điền Trung thuộc thôn Đại Điền Trung 2 (Trung 2), xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.Dưới triều Nguyễn, Diên Điền ngày nay là một phần của xã Đại An, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đến đời vua Tự Đức (1848 – 1883) dân số xã Đại An tăng lên nên đã được chính quyền địa phương chia thành bốn làng (thôn) thuộc xã Đại Điền: Đại Điền Đông, Đại Điền Tây, Đại Điền Nam và Đại Điền Trung, mà ngày nay mọi người vẫn quen gọi là “Tứ thôn Đại Điền”. Đình làng cũng được chia thành bốn phần cho bốn làng: Đại Điền Đông lãnh chính điện, Đại Điền Nam lãnh phần miếu Tiền hiền, Đại Điền Trung lãnh phần bái đường, Đại Điền Tây lãnh phần nhà đông và từ đó đình Đại Điền Trung ra đời, tồn tại cho đến ngày nay.

Đình Đại Điền Trung quay hướng Đông Nam, được xây dựng trong khuôn viên rộng  1.747m2 . Tuy đã được trùng tu tôn tạo, nhưng đình vẫn được giữ lại bộ kết cấu khung gỗ, những mảng chạm khắc, hoa văn trang trí và sân đình có nhiều cây bàng cổ thụ tỏa bóng mát tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ và trở thành nơi sinh hoạt, hội họp của các cụ già và các cháu thiếu nhi trong thôn nói riêng và xã Diên Điền nói chung.

Đình Đại Điền Trung

Đình Đại Điền Trung được xây dựng trên khu đất cao ráo giữa làng, lưng dựa núi Đại An. Dân làng Đại Điền Trung đã xây hồ bán nguyệt phía trước theo quan niệm “Tiền thủy hậu sơn” là thế đất tốt cho đình làng. Hồ bán nguyệt nằm ngay sát hương lộ 5, với chiều dài 19m, rộng 10m trên một trục thẳng với nghi môn và đại đình.

Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Hồ bán nguyệt và cột cờ, nghi môn và tường bao, án phong, đại đình, Miếu Tiền hiền, Miếu Sơn lâm, nhà đông, nhà bếp.

Mặt bằng tổng thể đình Đại Điền Trung

Trải qua thời gian, đình Đại Điền Trung cũng không tránh khỏi nạn thiên tai, địch họa, năm 1912 một cơn bão đi qua đã làm sập đình và từ đó đến nay đã được tu bổ nhiều lần vào các năm:
- Năm 1912: bão làm sập đình, miếu Tiền hiền, nhà bếp nên ông Nguyễn Thập chức sắc trong làng đã vận động dân làng dựng lại đình bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương.
- Năm 1956: xây lại đình, thay ngói âm dương bằng ngói móc và làm hồ bán nguyệt, xây miếu ông Hổ, nhà bếp, hội trường, tường rào, nghi môn, án phong.
- Năm 1966: xây lại miếu Tiền hiền, nghi môn…
- Năm 1990: thay hệ mái, rui mè, trát lại vách tường, thay máng nước giữa tiền tế và chính điện, lắp hệ thống điện chiếu sáng …
- Năm 1995: trùng tu đình.
- Năm 2007: thay ngói ở đình, xây lại bếp…

Ngày nay, đình Đại Điền Trung thờ Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Sơn lâm chúa tướng.

Hiện nay, đình còn lưu giữ các hoành phi, câu đối, chuông, lư hương, chân đèn, mõ… nhưng không còn sắc phong nào do bị cháy (mất) trong chiến tranh. Theo các cụ hào lão kể lại: đình có ba sắc phong, nhưng trong những năm chống thực dân Pháp (1945 – 1954) đình bị thiêu hủy nên đến nay đình không còn lưu giữ được sắc phong nào.

Theo truyền thống hàng năm lễ hội đình Đại Điền Trung diễn ra hai ngày từ mồng 9/3 đến 10/3 âm lịch. Đây là lễ cúng Xuân cầu an. Nếu có hát bội thì lễ hội kéo dài từ ba đến bốn ngày.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Đại Điền Trung trở thành nơi triệu tập dân làng tham gia mít tinh, biểu tình, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Trong phong trào cách mạng tháng 8/1945 dân làng đã tập hợp tại đình và kéo đến dinh Tuần vũ ở Thành Diên Khánh hỗ trợ Việt Minh các Tổng giành chính quyền về tay nhân dân. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra trên cả nước (6/1/1946), đình Đại Điền Trung được vinh dự chọn làm một cụm bầu cử của địa phương và đây trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Năm 1965, qua gần một năm đồng khởi, Ta đã giải phóng được bảy xã: Diên Sơn, Diên Điền, Diên Lâm, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lộc, Diên Phú. Vùng giải phóng nằm sát các cơ quan đầu não của địch. “Tại xã Diên Điền đã xây dựng Đài liệt sỹ cao 10mét uy nghi, sừng sững đứng tại sân đình Đại Điền Trung. Mặc dù kẻ thù dùng bom đạn đánh phá, nhưng biểu tượng đài liệt sỹ ra đời trong khói lửa chiến tranh vẫn sống mãi và là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho cán bộ và nhân dân trong cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù. Những việc làm đó mang ý nghĩa chính trị hết sức to lớn, cổ vũ mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của nhân dân và tác động đến tâm lý của binh lính Nguỵ, từ đó Ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận.”(1)

Ghi nhận những thành tích đáng trân trọng trên của xã Diên Điền, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng III.

Ngày 18/11/2008, đình Đại Điền Trung được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số 2852/QĐ-UBND.

                                                                    

         Nguyễn Thị Hồng Tâm

(1) Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Diên Khánh (1930 – 1975).Huyện ủy Diên Khánh. 1995, tr 150,151.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH TRƯỜNG THẠNH
Đình Trường Thạnh không chỉ mang nét đẹp thẩm mỹ, nó còn ẩn chứa bên trong nhiều giá trị to lớn khác, là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể của làng: 05 sắc phong do vua triều Nguyễn ban, khám thờ thần, long đình, đôi lọng, bộ lỗ bộ, chiêng, trống, thanh la, nghi thức cúng, các bài văn cúng, nhạc cúng…
ĐÌNH ĐẢNH THẠNH
Đình Đảnh Thạnh tọa lạc trên một gò đất thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc Trường Lộc Trung xã, tổng Trung, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh), nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 21km về phía Tây. Đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
MIẾU QUAN THÁNH
Miếu Quan Thánh do những người Việt gốc Hoa vùng Quảng Đông (Trung Quốc) sang sinh sống và làm ăn tại Diên Khánh xây dựng lên. Nơi định cư của người Hoa sớm nhất ở Diên Khánh là Thanh Minh (xã Diên Lạc), sau họ chuyển xuống khu vực Thành.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TÂY
Đình Đại Điền Tây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực thực phẩm và là nơi tổ chức các cuộc họp của phong trào Việt Minh bàn kế hoạch chống Pháp, thành lập đội quân du kích đánh Pháp. Đồng thời, di tích còn là nơi học tập chủ trương chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.
MIẾU BÀ THÁNH MẪU
Miếu Bà Thánh Mẫu thuộc thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu có nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có tên gọi gắn với truyền thuyết: xung quanh ngôi miếu có nhiều cây cổ thụ, thỉnh thoảng dân làng thấy khu vực miếu sáng rực, nhất là những đêm diễn ra lễ hội, tại miếu bà con trong vùng thấy những ánh sáng ngũ sắc từ hướng Am Chúa (Diên Điền) bay qua rồi giáng xuống chỗ miếu, sau đó bay qua Suối Đổ hoặc ngược lại, nên dân làng gọi đây là miếu Giáng, có nghĩa Thánh Mẫu Thiên Y giáng lâm vãn cảnh nơi đây.
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH PHƯỚC THẠNH
Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH HỘI PHƯỚC
Đình Hội Phước tọa lạc tại thôn Hội Phước, xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Kiến trúc đình làng mang dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của người Việt ở Khánh Hòa. Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “nhất” (一), gồm hai mái, mái trước và mái sau, lợp ngói xi măng. Trên bờ nóc trang trí đắp nổi hoa văn “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ngăn cách tiền tế và chính điện là bộ cánh cửa được thiết kế theo kiểu cửa kéo, tạo một gian hai chái khá rộng rãi.
ĐÌNH THANH MINH
Đình Thanh Minh tọa lạc tại thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Thanh Minh là nơi góp phần cho công cuộc giải phóng dân tộc của địa phương nói riêng và Khánh Hòa nói chung, đình còn là nơi cất giữ lương thực, thuốc men để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu bảo vệ ở phòng tuyến phía Đông (khu vực Thành Diên Khánh).
ĐÌNH PHÚ CẤP
Đình Phú Cấp tọa lạc tại thôn Phú Cấp, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Căn cứ theo sắc phong sớm nhất mà đình còn lưu giữ được do vua Tự Đức ban tặng, có thể đoán định đình được xây dựng khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Trước kia, đình Phú Cấp là một ngôi miếu được hình thành tại Gò Bà Đức, làng Phú Cấp, huyện Phước Điền, về sau dân làng tìm được khu đất bằng phẳng với địa thế thuận lợi nên đình được dời về vị trí hiện nay.