Đình Hội Phước tọa lạc tại thôn Hội Phước, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời kể của hào lão ở địa phương, đình Hội Phước trước kia được làm bằng tranh, tre, nứa, lá và ngôi đình được hình thành từ đời nào không rõ, nay không có tài liệu nào để lại.
Căn cứ trên sắc phong sớm nhất mà đình Hội Phước còn lưu giữ được, vua Tự Đức ban tặng vào năm 1852, có thể đình có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ XIX.
Đình Hội Phước còn bảo lưu được 06 đạo sắc phong do các Vua triều Nguyễn ban tặng, trong đó 01 sắc phong ban cho Thành Hoàng và 05 sắc phong ban cho Thiên Y A Na:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng;
* Trải qua thời gian đình đã nhiều lần tu bổ vào những năm:
- Năm 1972, do bị xuống cấp nên được tu bổ, gia cố kết cấu kiến trúc;
- Năm 1993, tu bổ miếu Tiền hiền;
- Năm 1995, đại tu bổ;
- Năm 1999, tu bổ miếu Ngũ Hành;
- Năm 2002, đình được sơn vẽ, quét vôi;
- Năm 2007, tu bổ miếu Sơn Lâm;
- Năm 1992 và 2011, tu bổ miếu Thiên Y A Na;
Đình Hội Phước thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y A Na, Ngũ hành, Sơn lâm…
Miếu Thiên Y A Na
Đình Hội Phước gồm các công trình hạng mục kiến trúc như sau: Nghi môn, đại đình, miếu Tiền hiền, miếu Thiên Y, miếu Ngũ hành, miếu Ông Hai, miếu Sơn lâm.
Đình Hội Phước tọa lạc trên một quả đồi tương đối bằng phẳng, quay theo hướng Nam, với tổng diện tích 3.836,0 m2.
Kiến trúc đình làng mang dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của người Việt ở Khánh Hòa. Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “nhất” (一), gồm hai mái, mái trước và mái sau, lợp ngói xi măng. Trên bờ nóc trang trí đắp nổi hoa văn “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ngăn cách tiền tế và chính điện là bộ cánh cửa được thiết kế theo kiểu cửa kéo, tạo một gian hai chái khá rộng rãi.
Hệ mái chính điện thiết kế theo kiểu cổ lầu gồm tám mái, trên bờ nóc trang trí “Lưỡng long chầu nhật”. Bên trong chính điện là hệ thống hàng cột tạo thành ba gian, ở giữa là gian thờ Hội đồng và ban thờ Thần hai bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban.
Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào hai ngày 9,10/03 âm lịch. Ngoài ra, đình còn tổ chức lễ cúng Thượng điền vào ngày 20 tháng 10 âm lịch.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ ở địa phương.
Năm 2008, đình Hội Phước được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số 2849/QĐ-UBND, ngày 18/11/2008.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: