Đình Phú Cấp tọa lạc tại thôn Phú Cấp, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Căn cứ theo sắc phong sớm nhất mà đình còn lưu giữ được do vua Tự Đức ban tặng, có thể đoán định đình được xây dựng khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Trước kia, đình Phú Cấp là một ngôi miếu được hình thành tại Gò Bà Đức, làng Phú Cấp, huyện Phước Điền, về sau dân làng tìm được khu đất bằng phẳng với địa thế thuận lợi nên đình được dời về vị trí hiện nay.
Hiện tại đình Phú Cấp còn lưu giữ 11 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho thần Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị;
- Sắc phong vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho Quan Thánh Đế Quân;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1879) ban cho Quan Thánh Đế Quân và Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1879) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ban cho Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ban cho Quan Thánh Đế Quân;
- Sắc phong vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Quan Thánh Đế Quân và Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Quan Thánh Đế Quân và Bổn cảnh Thành Hoàng.
Từ khi xây dựng cho đến nay, đình Phú Cấp đã được trùng tu, tôn tạo, sửa chữa nhiều lần vào những năm: 1877, 1901, 1906:
- Năm 1968, trùng tu, tôn tạo chính điện;
- Năm 2004, trùng tu, tôn tạo nhà tây;
- Năm 2008, trùng tu, tôn tạo nhà nhà đông;
Đình Phú Cấp thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền…
Mặt bằng tổng thể đình Phú Cấp gồm: Nghi môn, trụ cờ, án phong, đại đình, nhà đông, nhà tây.
Đình Phú Cấp quay theo hướng Đông, với tổng diện tích 2.070m2, được xây dựng theo kiến trúc kiểu tam sơn.
Tiền tế là thềm của đại đình, nối liền với chính điện, có kết cấu kiến trúc gồm hai mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí hoa văn đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”, mặt trước hệ mái viết chữ Hán Nôm: (亭 富 給 - Đình Phú Cấp).
Chính điện có kết cấu kiến trúc xây dựng theo kiểu cổ lầu, gồm hai tầng mái lợp ngói xi măng, trên bờ nóc trang trí hoa văn đắp nổi hoa văn “Lưỡng long chầu nhật”. Bên trong chính điện có cặp câu đối viết bằng chữ Hán Nôm:
Phiên âm:
Ký phú hà dĩ gia, tục mỹ phong thuần chiêm thánh hóa,
Tự Đức Mậu Dần xuân
Hạ cấp tư khả lạc gia huyền hộ quản tụng thần công.
Trứu sa Nguyễn Văn Thi bái cúng
Dịch nghĩa:
Đã giàu rồi, còn lấy gì thêm, tục mỹ phong thuần ơn thánh hóa,
Xuân Mậu Dần, đời Tự Đức (1878)
Nhàn hạ, sung túc vui lắm vậy, nhà nhà ca hát tụng công thần.
Thợ dệt vải Nguyễn Văn Thi bái cúng.
Hàng năm, đình Phú Cấp tổ chức lễ hội vào ngày 25 - 26/02 âm lịch theo nghi lễ truyền thống của địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại ngôi đình đã diễn ra sự kiện lịch sử ở địa phương: Sau cách mạng tháng 8/1945, chính quyền cách mạng địa phương lấy ngôi đình để làm nơi hội họp, mít tinh, tổ chức các buổi bình dân học vụ cho nhân dân. Đình cũng là nơi chứa lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho Mặt trận 23/10 Nha Trang – Khánh Hòa. Năm 1946, cán bộ hoạt động cách mạng đã sử dụng ngôi đình làm nơi cất giấu vũ khí để tiếp tế đạn dược. Từ năm 1951- 1954, thực dân Pháp chiếm đình làm đồn bốt để khống chế tinh thần hoạt động cách mạng của nhân dân ta.
Đình Phú Cấp có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XIX, điểm nổi bật của ngôi đình là hệ thống kết cấu khung gỗ cổ truyền còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn, các kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, thể hiện cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động.
Năm 2005, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Phú Cấp là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 21/11/2005.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: