Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH THỦY XƯƠNG

16/04/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Thủy Xương thuộc xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Xưa kia, đình thuộc An Thủy xã, Vĩnh Xương huyện, Khánh Hòa tỉnh. Căn cứ và các tài liệu của đình còn lưu giữ thì đình được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX; di tích đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng lần đại trùng tu gần đây nhất vào năm 1995.

Căn cứ vào 05 sắc phong Thần mà triều đình nhà Nguyễn đã ban tặng cho làng An Thủy thì đình làng Thủy Xương được vua triều Nguyễn cho phép thờ cúng các vị Thần: Thành Hoàng, Thiên Y A Na, ngoài ra đình còn thờ Sơn lâm, Thổ công, âm cô và Tiền hiền, Hậu hiền.

Hiện nay, đình còn lưu giữ 05 sắc phong đều ban cho thần Bản Cảnh Thành Hoàng, gồm: Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852), Tự Đức năm thứ 33 (1880), Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924)

Đình tọa lạc trên một khu đất tương đối bằng phẳng, xung quanh là ruộng lúa với vị thế phía trước có sông Suối Dầu chạy qua, bên hông gối núi Hòn Dữ. Đình Thủy Xương quay hướng Nam, có 4 công trình chính: Đại đình, miếu Tiền hiền, miếu Thiên Y A Na và nhà đông.

Bộ cửa gỗ của đình được thiết kế theo kiểu ván bưng và Đại Đình thiết kế kiểu một gian hai chái. Phần Tiền tế chính giữa đặt ban thờ Hội đồng, phía trên ban thờ Hội đồng treo 03 tấm chấn vải. Hai bên là hai cột tròn đắp nổi hình rồng cuộn. Đỉnh mái trang trí hình ảnh hồi văn, bờ dải không trang trí.

Chánh điện thiết kế theo kiểu cổ lầu tám mái; sau ban thờ Hội đồng là cặp lỗ bộ và ban thờ Thần bằng gỗ, đặt ở chính giữa. Trên ban thờ đặt 01 cỗ tam sơn khảm xà cừ, phía sau đặt 01 án thờ bằng gỗ, xung quanh khảm xà cừ; ngay sau ban thờ Thần là khám đựng sắc thần được làm bằng gỗ, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xung quanh được chạm trổ hình hoa văn tinh xảo các hình tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai); hai bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban.

Ngày 6/1/1946, đình làng Thủy Xương là địa điểm đặt hòm phiếu để nhân dân đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Cán bộ cách mạng đã sử dụng đình làng Thủy Xương làm nơi hội họp, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chỉ thị cấp trên.

Đình làng mở hội 2 ngày vào mùa Xuân, cúng lệ hàng năm vào ngày tốt trong tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Từ 3 năm trở lên do sự hưởng ứng của bà con nhân dân đóng góp để tổ chức hát bội.

Năm 2009, đình Thủy Xương được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2999 QĐ/ UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.                                          

 Nguyễn Thị Thúy Hằng

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.
ĐÌNH PHƯỚC THẠNH
Theo khẩu truyền đình Phước Thạnh có từ trước khi khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1795) , khoảng niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Ngày đó, đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá để thờ bà Mẹ xứ sở -Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng. Xưa kia, khu vực này thuộc thôn Dinh Thành, nay thuộc tổ 13, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH HỘI PHƯỚC
Đình Hội Phước tọa lạc tại thôn Hội Phước, xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Kiến trúc đình làng mang dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của người Việt ở Khánh Hòa. Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “nhất” (一), gồm hai mái, mái trước và mái sau, lợp ngói xi măng. Trên bờ nóc trang trí đắp nổi hoa văn “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ngăn cách tiền tế và chính điện là bộ cánh cửa được thiết kế theo kiểu cửa kéo, tạo một gian hai chái khá rộng rãi.
ĐÌNH THANH MINH
Đình Thanh Minh tọa lạc tại thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Thanh Minh là nơi góp phần cho công cuộc giải phóng dân tộc của địa phương nói riêng và Khánh Hòa nói chung, đình còn là nơi cất giữ lương thực, thuốc men để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu bảo vệ ở phòng tuyến phía Đông (khu vực Thành Diên Khánh).
ĐÌNH PHÚ CẤP
Đình Phú Cấp tọa lạc tại thôn Phú Cấp, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Căn cứ theo sắc phong sớm nhất mà đình còn lưu giữ được do vua Tự Đức ban tặng, có thể đoán định đình được xây dựng khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Trước kia, đình Phú Cấp là một ngôi miếu được hình thành tại Gò Bà Đức, làng Phú Cấp, huyện Phước Điền, về sau dân làng tìm được khu đất bằng phẳng với địa thế thuận lợi nên đình được dời về vị trí hiện nay.
ĐÌNH TRƯỜNG LẠC
Đình Trường Lạc tọa lạc tại thôn Trường Lạc, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Trường Lạc quay theo hướng Nam, tọa lạc trên khuôn viên đất với tổng diện tích 5.125 m2. Mặt bằng tổng thể gồm: Nghi môn, trụ cờ, án phong, đại đình, miếu Tiền hiền, Miếu Thiên Y, miếu ông Hổ và miếu Ngũ Hành.
MIẾU ẤP BẠCH QUA
Miếu Thiên Y A Na (miếu Ấp Bạch Qua) được nhân dân địa phương xây dựng vào thế kỷ XIX để thờ thiên Y Thánh mẫu; theo truyền thuyết Bà là người dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, là người che chở nhân dân khỏi thiên tai, dịch bệnh…
ĐÌNH MỸ LỘC
Đình Mỹ Lộc còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị, các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 13 một sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng (sắc phong sớm nhất có niên đại Tự đức năm thứ 5 năm 1852, sắc phong muộn nhất niên hiệu Khải Định năm thứ 9 năm 1924), hoành phi, câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, thanh la, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục tế lễ…
CHÙA ĐẠI PHƯỚC
Chùa Đại Phước là một công trình kiến trúc tôn giáo không chỉ thờ Phật mà còn thờ Thánh. Ngôi chùa còn bảo lưu được các cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học. Đặc biệt, chùa còn là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử tiêu biểu của nhân dân Diên Điền nói riêng, Khánh Hòa nói chung trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.
ĐÌNH QUANG THẠNH
Đình Quang Thạnh là một ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa, có giá trị lịch sử lâu đời, mang đậm nét cổ kính, các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động. Chính vì vậy, hoa văn trang trí còn có giá trị trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.