Đình Mỹ Lộc thuộc thôn Mỹ Lộc, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc Mỹ Lộc xã, huyện Phước Điền, tỉnh Khánh Hòa).
Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử tại đình cho biết, đình được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, do các vị tiền nhân đến đây khai làng, lập ấp dựng lên để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Cao Các, Thiên Y A Na, Tiền hiền, Hậu hiền…
Đình Mỹ Lộc nằm trên một khuôn viên bằng phẳng có tổng diện tích 2.005m2, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, trụ cờ, Án phong, sân, Đại đình, nhà Đông và miếu Tiền hiền.
Công trình thờ tự chính của đình được bố cục theo kiểu chữ (=) nhị gồm Tiền tế và Chính điện. Tiền tế được thiết kế ba gian bằng nhau. Nền được láng xi măng. Mái được lợp bằng ngói Tây, bờ nóc trang trí đắp nổi “Cá chép chầu vũ môn”. Chạy dọc tàu mái trước là một bức tường, chính giữa là hình cuốn thư trong có đề chữ Hán “Đình Mỹ Lộc”, trên đắp nổi linh vật “Chim Phượng chầu mặt nguyệt”; hai bên gắn các linh vật rồng, nghê.
Sau Tiền tế là Chính điện, được ngăn cách bởi một bức tường gồm ba cửa vào, cánh làm bằng gỗ kiểu ván bưng. Mái lợp ngói Tây, gồm mái trước và mái sau, bờ nóc trang trí đắp nổi “Cá chép chầu vũ môn”.
Kết cấu kiến trúc của công trình là bộ khung chịu lực hoàn toàn bằng gỗ, gồm: bốn trụ cột cái, dưới mỗi chân cột đặt tảng kê chân cột hình quả bầu cách điệu, thân cột trang trí hình vẽ rồng cuốn, được ghép mộng với hai bộ vì kèo cùng với các thanh xuyên, hoành, rui… tạo thành hệ thống chịu lực vững chắc nâng đỡ mái.
Nội thất của Chính điện: phía ngoài là ban thờ Hội đồng; phía sau là ban thờ Thành Hoàng, có một khám thờ bằng gỗ được chạm khắc tinh tế; hai bên là Tả ban và Hữu ban. Phía trên ban thờ Thần treo tấm hoành phi chữ Hán “Thiện Tục Khả Phong”; hai bên treo cặp liễn đối có nội dung ca ngợi công đức của vị thần được thờ phụng nơi đây.
Đình Mỹ Lộc còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị, các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 13 một sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng (sắc phong sớm nhất có niên đại Tự đức năm thứ 5 năm 1852, sắc phong muộn nhất niên hiệu Khải Định năm thứ 9 năm 1924), hoành phi, câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, thanh la, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục tế lễ… Đặc biệt, hàng năm vào ngày tốt tháng Hai Âm Lịch nhân dân lại tổ chức lễ hội đình làng mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, ngoài phần lễ còn có phần diễn xướng dân gian (Hát Bội).
Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu của di tích, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2867/QĐ-UBND, ngày 11/11/2009 xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: