Đình Nghiệp Thành tọa lạc tại thôn Nghiệp Thành, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời truyền khẩu của các hào lão, đình Nghiệp Thành được xây dựng trước năm Bính Dần (1806), tọa lạc tại ruộng công điền, cách ngôi đình hiện nay 350m về hướng Tây Bắc. Lúc bấy giờ, trong làng có một vị học sỹ tên là Lê Thị học rất giỏi nhưng ba lần ứng thí đều không đỗ, ông sực nghĩ đến các vị thần linh ở đình làng nên đến đình lên hương đèn khấn vái cầu xin Thành Hoàng cho ông thi đỗ thì ông sẽ dời ngôi đình vào gần khu dân cư để tiện việc hương khói và tế lễ hàng năm. Đúng theo lời khấn, năm ấy ông đỗ cao được triều đình bổ làm quan. Sau lễ cúng Xuân, ông cho dân làng tổ chức nghi lễ tạ thần linh và dời đình đến địa điểm mới theo sở nguyện của ông và ngôi đình được tọa lạc nơi đây từ ngày 2/2/1806 (Âm lịch) đến nay và dân làng chọn ngày đó hàng năm tổ chức cúng đình.
Trải qua thời gian tồn tại, ngôi đình đã được tu bổ vào những năm:
- Năm 1945, đình bị giặc Pháp đốt, nhân dân dựng lại ngôi đình bằng vật liệu đơn sơ;
- Năm 1973, dân làng xây dựng lại ngôi đình;
- Năm 1997, tu bổ đại đình và miếu Tiền hiền;
- Năm 2007, tu bổ cổ lầu.
Đình Nghiệp Thành thờ Thành Hoàng, Hà Bá Thủy Quan, Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Tiền hiền, Hậu hiền …
Hiện nay, đình Nghiệp Thành lưu giữ được 01 sắc phong do vua Tự Đức ban năm 1852 cho Hà Bá Thủy Quan. Bên cạnh đó, đình còn nhiều sắc phong và hiện vật quý khác nhưng đã bị thực dân Pháp đốt ngôi đình làm nhiều hiện vật quý bị cháy không còn.
Đình Nghiệp Thành quay theo hướng Nam, tọa lạc trên một khu đất tương đối bằng phẳng, với tổng diện tích 1.748m2.
Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “Nhất”, gồm hai mái, mái trước và sau, không có mái hồi, mái lợp ngói xi măng. Bốn cột trước phía trên xây theo kiểu vòm cuốn, chính giữa viết chữ Hán Nôm : (亭 業 成 - Đình Nghiệp Thành), phía trên trang trí hoa văn đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, hai đầu gắn hình con nghê.
Chính điện có cổ lầu, gồm hai tầng mái, mỗi tầng có bốn mái. Các góc mái của cổ lầu gắn hoa văn trang trí hình vân mây, bờ nóc hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, mái lợp bằng ngói xi măng.Tường được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hai bên tường hồi chạy thẳng lên trên đỡ lấy bộ phận rui mè và ngói. Về kết cấu kiến trúc, bốn đại trụ phần chính điện tạo thành hai bộ vì nóc kết cấu kiểu vì kèo. Bên trong chính điện gồm ba gian thờ, gian giữa có hai câu đối bằng chữ Hán Nôm:
Phiên âm:
Bối hậu sơn triều chu phấn thiên thành trang miếu mạo,
Nghiệp thành phong cương long lân quy phụng chấn long hưng.
Dịch nghĩa:
Núi chầu lưng dựa đá đỏ điểm tô trang nghiêm miếu mạo,
Bờ cõi Nghiệp Thành long lân quy phụng chấn phát hưng long.
Đình Nghiệp Thành là ngôi đình có giá trị lịch sử lâu đời, mang đậm nét cổ kính và kiến trúc, các họa tiết hoa văn trang trí, chạm khắc còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn; các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc hình tứ quý, tứ linh và cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động.
Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình là nơi cán bộ cách mạng ở địa phương hội họp, bàn bạc kế hoạch tổ chức tham gia chiến dịch Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968 của lực lượng cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở địa phương.
Căn cứ vào những giá trị lịch sử - văn hóa của đình Nghiệp Thành, năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng là Di tích cấp tỉnh, tại Quyết định số: 3424/QĐ-UBND.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: