Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA ĐẠI PHƯỚC

09/03/2018 00:00        
Đọc tin

Chùa Đại Phước toạ lạc thôn Đại Điền Trung 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Từ nửa cuối thế kỷ XVII , người Việt từ các tỉnh miền Trung (Quảng Trị đến Bình Định) di cư vào vùng đất mới ở Diên Khánh ngày càng đông. Ở vùng đất Bắc sông Cái và các làng ven Thành Diên Khánh là những nơi sớm hình thành những làng xóm trù phú của người Việt. Biểu hiện của cuộc sống ổn định trên vùng đất mới của cư dân nông nghiệp là sau khi khẩn hoang lập làng, an cư lạc nghiệp, nhân dân lập chùa, xây dựng đình làng làm nơi thờ phụng.

Căn cứ vào bức hoành phi được treo tại Phật điện chùa Đại Phước “成 泰 玖 年 五 月 初 六 吉 日 改 造” (phiên âm: Thành Thái cửu niên ngũ nguyệt sơ lục cát nhật cải tạo; dịch nghĩa: Cải tạo (vào) ngày lành mồng 6 tháng 5 năm Thành Thái thứ 9 (1897); ta có thể đoán định Chùa Đại Phước có niên đại khởi dựng trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XIX trở về trước.

Từ khi khởi dựng tới nay, chùa Đại Phước đã trải qua những lần tu bổ gần đây vào các năm 1990 và 2001.

Chùa Đại Phước  thờ Phật Thích Ca, Quan Âm Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát, Hộ pháp, Tiêu Diện và Quan Thánh Đế Quân...

Chùa Đại Phước quay theo hướng Nam, với tổng diện tích: 1.910,8 m2. Từ ngoài vào trong, chùa bao gồm các hạng mục công trình kiến trúc như sau: Tam quan, miếu Hộ Pháp, miếu Tiêu Diện Đại Sỹ, đài Quan Âm, Tiền đường - Phật điện, nhà tổ, nhà tăng, nhà trù, mộ tháp.

 

 

Tiền đường có kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, tám mái lợp ngói tây, trên hệ mái trang trí đắp nổi hai con rồng chầu bánh xe pháp luân; phía dưới có các hàng chữ Quốc ngữ: Chính giữa là “Đại Phước tự”; bên trái là “Pháp luân thường chuyển” và “Hỷ xả”; bên phải là “Phật nhật tăng huy” và “Từ bi”. Hiên tòa Tiền đường có cặp câu đối viết bằng chữ Hán Nôm với hai chữ đầu ghép thành tên chùa;

Phiên âm:

Đại địa quy mô trùng tu quang cổ tự,
Phước môn bát nhã quảng đại địa chúng sinh.

Dịch nghĩa:

Đất lớn (Đại) quy mô, trùng tu ngời cổ tự,
Cửa phước (Phước) bát nhã, quảng đại độ chúng sinh.

Nối liền với tiền đường là Phật điện, trên vị trí cao nhất là tượng Thích Ca, phía dưới là tượng Quan Âm Bồ Tát và Phật Di Lặc; bên trái ban thờ Quan Âm Bồ Tát đứng trên đài sen, phía dưới tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương; bên phải ban thờ  Địa Tạng vương Bồ Tát đứng trên đài sen. Phía sau Phật điện là nhà Tổ, nơi thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và các vị trụ trì đã viên tịch.  

Hàng năm tại chùa Đại Phước có những ngày lễ chính như sau:
- Vía Phật Di Lặc (01/01 âm lịch);
- Lễ Cầu an (15/01 âm lịch);
- Lễ Phật đản (15/4 âm lịch);
- Lễ Vu lan (15/7 Âm lịch);
- Vía Quan Âm Bồ tát (16/01, 16/6, 16/9 âm lịch);
- Vía A Di Đà (17/11 âm lịch)

Ngoài ra, vào các ngày mùng 01 và 15 (Âm lịch) hàng tháng, chùa cũng tổ chức cúng. Vào những ngày này, đông đảo các phật tử cũng như bà con nhân dân trong thôn tới chùa để thắp nhang, niệm Phật.

Hiện nay, chùa còn bảo lưu được 01 Sắc phong vua Khải Định thứ 9 (1924) ban cho Quan Thánh Đế Quân. Đây là điều rất hiếm gặp trong các ngôi chùa ở Khánh Hòa.

Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích: Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, theo kế hoạch, huyện Diên Khánh tập hợp trên 1.000 quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang ở các đội công tác xã Diên Thủy, Diên Sơn, Diên Điền, Diên Phú mở một mũi tiến quân vào thị xã Nha Trang. Cuộc tiến công và nổi dậy của cán bộ và nhân dân huyện Diên Khánh mà tiêu biểu là đoàn biểu tình xã Diên Điền và vai trò bàn đạp của Diên An, Diên Toàn đã góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh và của toàn miền Nam trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968[1].

Chùa Đại Phước là một công trình kiến trúc tôn giáo không chỉ thờ Phật mà còn thờ Thánh. Ngôi chùa còn bảo lưu được các cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học. Đặc biệt, chùa còn là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử tiêu biểu của nhân dân Diên Điền nói riêng, Khánh Hòa nói chung trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Xuất phát từ những giá trị tiêu biểu, nổi bật của di tích, năm 2008 UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng chùa Đại Phước là Di tích lịch sử - văn hóa  cấp tỉnh, tại quyết định số 2849/QĐ-UBND.

                                                                         Bá Trung Toản

[1] Huyện ủy Diên Khánh 1995: Sđd, tr. 176-179.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH HỘI PHƯỚC
Đình Hội Phước tọa lạc tại thôn Hội Phước, xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Kiến trúc đình làng mang dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của người Việt ở Khánh Hòa. Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “nhất” (一), gồm hai mái, mái trước và mái sau, lợp ngói xi măng. Trên bờ nóc trang trí đắp nổi hoa văn “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ngăn cách tiền tế và chính điện là bộ cánh cửa được thiết kế theo kiểu cửa kéo, tạo một gian hai chái khá rộng rãi.
ĐÌNH THỦY XƯƠNG
Đình Thủy Xương thuộc xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình tọa lạc trên một khu đất tương đối bằng phẳng, xung quanh là ruộng lúa với vị thế phía trước có sông Suối Dầu chạy qua, bên hông gối núi Hòn Dữ. Đình Thủy Xương quay hướng Nam, có 4 công trình chính: Đại đình, miếu Tiền hiền, miếu Thiên Y A Na và nhà đông.
ĐÌNH TRƯỜNG LẠC
Đình Trường Lạc tọa lạc tại thôn Trường Lạc, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Trường Lạc quay theo hướng Nam, tọa lạc trên khuôn viên đất với tổng diện tích 5.125 m2. Mặt bằng tổng thể gồm: Nghi môn, trụ cờ, án phong, đại đình, miếu Tiền hiền, Miếu Thiên Y, miếu ông Hổ và miếu Ngũ Hành.
MIẾU ẤP BẠCH QUA
Miếu Thiên Y A Na (miếu Ấp Bạch Qua) được nhân dân địa phương xây dựng vào thế kỷ XIX để thờ thiên Y Thánh mẫu; theo truyền thuyết Bà là người dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, là người che chở nhân dân khỏi thiên tai, dịch bệnh…
ĐÌNH MỸ LỘC
Đình Mỹ Lộc còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị, các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 13 một sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng (sắc phong sớm nhất có niên đại Tự đức năm thứ 5 năm 1852, sắc phong muộn nhất niên hiệu Khải Định năm thứ 9 năm 1924), hoành phi, câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, thanh la, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục tế lễ…
ĐÌNH QUANG THẠNH
Đình Quang Thạnh là một ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa, có giá trị lịch sử lâu đời, mang đậm nét cổ kính, các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động. Chính vì vậy, hoa văn trang trí còn có giá trị trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
ĐÌNH NGHIỆP THÀNH
Đình Nghiệp Thành là ngôi đình có giá trị lịch sử lâu đời, mang đậm nét cổ kính và kiến trúc, các họa tiết hoa văn trang trí, chạm khắc còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn; các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc hình tứ quý, tứ linh và cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động.
ĐÌNH PHƯỚC TUY
Đình Phước Tuy tọa lạc tại khu đất với tổng diện tích 2.844m2, bên cạnh cánh đồng lúa của thôn Phước Tuy II. Đình quay về hướng tây nam, lấy núi Hòn Bà làm tiền án, dãy núi Hòn Ngang làm hậu chẩm. Tiền tế xây dựng trước chính điện, theo kiểu tường hồi bít đốc. Chính điện xây dựng kiểu cổ lầu, bờ nóc cổ lầu được trang trí “Lưỡng long tranh châu”, bờ dải trang trí vân mây cách điệu, bốn mặt trang trí các tranh vẽ hình tứ linh.
ĐÌNH BÌNH KHÁNH
Đình ở phía Nam của thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Bình Khánh xưa theo sắc phong Tự Đức năm thứ năm thuộc xã An Lộc, huyện Phước Điền, đến đời Tự Đức thứ ba mươi ba là xã Bình Lộc, huyện Phước Điền và đến đời vua Duy Tân năm thứ ba thuộc xã Bình Khánh, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Theo các cụ hào lão ngày trước thôn còn có tên là làng Bình Khê.
ĐÌNH XUÂN PHÚ 2
Đình Xuân Phú 2 được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Theo sắc phong lưu giữ tại đình, dưới đời vua Khải Định 9 (1924) đình Xuân Phú thuộc xã Xuân Phú, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hoà. Ban đầu, đình được xây dựng ở đồng Cam, chếch về phía Đông Nam của đình bây giờ. Đến năm 1941, đình được dời về địa điểm hiện nay.