Đình được xây dựng ở thôn Phú Khánh Thượng, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo sắc phong còn lưu giữ ở miếu Thiên Y thuộc làng Phú Khánh, dưới đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) đây là xã Phú Mỹ, huyện Phước Điền và đến đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) đây là xã Phú Khánh, phủ Diên Khánh. Theo sắc phong còn lưu tại đình, làng Phú Khánh dưới thời vua Khải Định là xã Phú Khánh thuộc tổng Ninh Phước, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.
Đình Phú Khánh được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, để thờ Thành Hoàng, Cao Các, Thái Giám Bạch Mã, Tiền hiền, Hậu hiền, Quan Thánh Đế Quân, ông Hổ, âm hồn.
Trải qua thời gian, đến nay đình Phú Khánh đã được di dời ba lần: đầu tiên đình được dựng ở khu khẩn điền (phía Tây Nam của đình hiện nay), sau đó dời đình về vùng Cầu Xe (phía Đông Bắc của đình hiện nay) và tiếp tục dời về khu Cây Thị (cách đình hiện nay khoảng 200m); đến năm 1904 ông Nguyễn Cò hiến đất xây đình và là địa điểm của đình hiện nay. Lúc đó, đình được xây bằng gạch thẻ, bộ khung gỗ và mái lợp ngói âm dương. Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp chiếm đóng đình; đến năm 1956 dân làng xây dựng lại đình. Ngày nay, đình Phú Khánh thuộc thôn Phú Khánh Thượng, nhưng là nơi tế lễ, sinh hoạt chung của nhân dân ba thôn Phú Khánh Thượng, Phú Khánh Trung và Phú Khánh Hạ.
Di tích có các công trình kiến trúc sau: Nghi môn, án phong và cột cờ, sân đình, đại đình, nhà đông, miếu Sơn lâm, nhà bếp.
Ngày nay, đình Phú Khánh còn gìn giữ được các hoành phi, câu đối, lư hương, chân đèn, mõ, chiêng, chuông gia trì, bát bửu (lữ bộ) và 7 sắc phong của vua Khải Định triều Nguyễn ban, gồm:
- Bốn sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 2 (1917) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng, Cao Các, Thái Giám, Quan Thánh Đế Quân.
- Ba sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Cao Các, Thái Giám, Quan Thánh Đế Quân.
Theo lời kể của các cụ hào lão: đình Phú Khánh có các sắc phong vua ban từ đời Tự Đức giống như các lần miếu Thiên Y được phong sắc, nhưng do sắc cất ở nhà ông thủ sắc và nhà ông bị cháy nên cháy luôn sắc phong của đình, đến nay dân làng quen gọi khu vực nhà ông thủ sắc xưa là gò Cháy. Theo sắc phong Khải Định năm thứ 2 (1917) phong cho Cao Các Đại vương tôn thần: “…nay trẫm tuân mệnh lớn xa nghĩ đến công ơn che chở của thần, đáng phong thêm (mỹ tự) là Trác Vĩ Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần (liệt vào hàng thần thượng đẳng), chuẩn cho thờ tự như cũ…”. Như vậy, trước đời vua Khải Định năm thứ 2 đình đã được cấp sắc phong.
Theo truyền thống hàng năm lễ hội đình Phú Khánh diễn ra trong hai ngày từ ngày 9/3 âm lịch đến 10/3 âm lịch hàng năm và cứ ba năm tổ chức hát bội một lần. Miếu Bà nằm về phía Đông của đình, cách đình khoảng 300m. Ban quản lý đình cũng quản lý ngôi miếu và mỗi dịp lễ hội dân làng tế lễ ở miếu Bà trước, sau đó tổ chức lễ rước sắc về tế ở đình.
Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của đình Phú Khánh, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2643/ QĐ-UBND ngày 14/10/2010, xếp hạng Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: