Đình Thanh Minh tọa lạc tại thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Căn cứ trên sắc phong sớm nhất mà đình Thanh Minh còn lưu giữ được do vua Tự Đức ban tặng vào năm 1852, ta có thể đoán định niên đại xây dựng đình khoảng nửa đầu thế kỷ XIX.
Đình còn lưu giữ 13 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng trong đó có 05 sắc phong của vua Tự Đức, 02 sắc phong vua Đồng Khánh, 02 sắc phong vua Duy Tân, 04 sắc phong vua Khải Định.:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải;
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho Cao Các tôn thần;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) ban Đại Càn Quốc Gia Nam Hải;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Quan Thánh Đế Quân;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Cao Các tôn thần.
Trải qua thời gian, đình đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo, sửa chữa vào năm Tự Đức thứ 22 (1869), Bảo Đại thứ 4 (1929) những năm trùng tu lớn nhất còn để lại dấu ấn vào những năm 1951, 1963, 1991 và gần đây nhất là năm 2001.
Đình thờ Thành Hoàng làng, tứ vị tôn thần Nam Hải, Cao Các, Quan Thánh Đế Quân, Tiền hiền, Hậu hiền...
Bố cục của ngôi đình gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, trụ cờ, đại đình, miếu Âm cô, nhà đông.
Đình Thanh Minh quay theo hướng Nam, nằm trong khuôn viên đất với tổng diện tích: 307,0m2.
Tiền tế là thềm của đại đình, nối liền với chính điện, phía trên trang trí hoa văn “Lưỡng long chầu nhật”, hai bên góc trang trí đắp nổi hình con nghê, trên cột viết câu đối bằng chữ Hán Nôm có hai chữ đầu ghép thành tên đình:
Phiên âm
Thanh hy phúc tái càn khôn đại,
Minh chiếu vô cùng nhật nguyệt trường.
Dịch nghĩa
Chở điềm lành về tràn trời đất,
Chiếu sáng vô cùng nhật nguyệt dài lâu.
Chính điện có kiến trúc theo kiểu cổ lầu, gồm hai tầng mái lợp ngói tây, trên đỉnh nóc trang trí hoa văn đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”. Chính điện xây dựng trên nền móng bằng đá chẻ, tường xây bằng gạch, xi măng.
Bên trong chính điện có bốn ban thờ: chính giữa là ban thờ Hội đồng, sau là ban thờ Thần, hai bên ban thờ Thần là ban thờ Tả ban, Hữu ban.
Hàng năm, đình Thanh Minh tổ chức lễ hội theo nghi lễ truyền thống của địa phương, lễ hội được diễn ra trong hai ngày từ ngày 19 đến ngày 20/02 âm lịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đình Thanh Minh là nơi góp phần cho công cuộc giải phóng dân tộc của địa phương nói riêng và Khánh Hòa nói chung, đình là nơi cất giữ lương thực, thuốc men để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu bảo vệ ở phòng tuyến phía Đông (khu vực Thành Diên Khánh). Đình còn là nơi để tập hợp của những người yêu nước sẵn sàng nhập ngũ lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Thanh Minh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 22/8/2007.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: