Đình làng Trường Thạnh là một trong những ngôi đình nằm ở phía ngoài thành Diên Khánh, cách thành phố Nha Trang khoảng 15km về phía Tây, thuộc xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ( xưa thuộc Trường Lộc Trung xã, tổng Trung, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh).
Di tích tọa lạc trên vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời của huyện Diên Khánh, được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, do toàn thể bà con nhân dân khi đến đây khai làng, lập ấp dựng lên để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền... Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo: Năm 1968, thay mái ngói âm dương bằng ngói xi măng, gia cố thêm xi măng và các lỗ thông gió cho tường vách ở hậu điện, xây thêm nhà Tiền hiền trên nền móng cũ; năm 1974, xây tường rào xung quang khu vực I của đình; năm 1993, làm lại nền nhà tiền tế.
Đình Trường Thạnh có khuôn viên rộng với tổng diện tích 2.030m2, các công trình kiến trúc được bố trí hài hòa, khoa học, phía ngoài là nghi môn được thiết kế độc đáo mà hầu như không thấy một công trình nghi môn đình nào ở Khánh Hòa giống tương tự ngôi đình nơi đây, sau là án phong và khoảng sân rộng, hai bên là miếu Tiền Hiền và nhà đông, chính giữa là tiền tế và chính điện.
Cũng như mọi ngôi đình khác, công trình quan trọng nhất của di tích là tiền Tế, chính điện. Tiền tế được làm theo kiểu nhà một gian hai chái có diện tích rộng 60,04m2. Nền được làm bằng xi măng. Mái được lợp bằng ngói tây. Tiền tế gồm có ba cửa chính và bốn cửa nách thông sang miếu Tiền hiền và nhà đông. Kết cấu chịu lực của tiền tế chủ yếu là bộ khung gỗ gồm: ba hàng chân cột, một hàng cột cái và hai hàng cột quân liên kết với hai bộ vì kèo. Hoa văn trang trí của ngôi nhà tiền tế được sử dụng rất sinh động, các họa tiết mang đậm phong cách truyền thống như đề tài tứ linh, phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, chim muông gần gũi với cuộc sống sinh hoạt dân dã. Tiền tế là nơi để nhân dân hội họp và sắp sửa các lễ vật để dâng lên thần, mỗi khi có ngày lễ diễn ra.
Chính điện được thiết kế một gian hai chái, có ba cửa, cánh cửa được làm bằng gỗ thiết kế theo kiểu “Thượng song hạ bản” truyền thống.
Trong chính điện có sáu án thờ, phía ngoài là ba án ngoại, chính giữa là hương án thờ Hội đồng được làm bằng gỗ, hai bên là Đông hiến, Tây hiến, phía trong là ba án nội gồm chính giữa thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, hai bên thờ các bậc phụ thần; xen giữa hai án thờ là bộ bát bửu.
Chính điện có kiểu kiến trúc đặc trưng của các ngôi đình nơi đây thiết kế theo kiểu chồng diêm gồm bốn cột liên kết với hai bộ vì kèo bằng các lỗ mộng. Phía trên là cổ lầu, bốn mặt tường của cổ lầu trang trí hình vẽ tứ linh “Long, ly, quy, phụng”, ở hai bên tường hồi phía Đông Bắc và Tây Nam đắp hình hai mặt “Hổ phù”, trên bờ nóc trang trí đắp nổi “Lưỡng long tranh châu” cùng với hoa văn rồng uốn lượn ở các góc mái với các mảng đề tài bài trí đăng đối cộng thêm những đường nét cong lượn, tinh tế, sắc sảo tuyệt mỹ, tạo cho hệ mái mềm mại, nhẹ nhàng, thanh thoát.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Trường Thạnh không chỉ mang nét đẹp thẩm mỹ, nó còn ẩn chứa bên trong nhiều giá trị to lớn khác, là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể của làng: 05 sắc phong do vua triều Nguyễn ban, khám thờ thần, long đình, đôi lọng, bộ lỗ bộ, chiêng, trống, thanh la, nghi thức cúng, các bài văn cúng, nhạc cúng…
Hàng năm, vào ngày 17 và 18 tháng 3 âm lịch nhân dân lại tụ hội về đây tổ chức lễ cúng đình mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.
Suốt gần hai thế kỷ tồn tại, đình Trường Thạnh đã đi vào tiềm thức của nhân dân nơi đây. Với vẻ đẹp về kiến trúc, nghệ thuật được chạm khắc, đắp nổi tinh tế trên các cấu kiện kiến trúc của các nghệ nhân xưa đã cho thế hệ hậu bối chúng ta một cái nhìn trọn vẹn về kiến trúc đình làng ở Khánh Hòa đầu thế kỷ XIX. Với những giá trị tiêu biểu, trên di tích đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2851/QĐ-UBND, ngày 18/11/2008 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: