Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA PHƯỚC LÂM

14/08/2018 00:00        
Đọc tin

Chùa Phước Lâm thuộc thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Chùa Phước Lâm do cố Hòa thượng Thích Từ Thiện, thế danh Trần Khánh quê ở Bình Định sáng lập năm 1942.

Năm 1989, Hòa thượng Thích Từ Thiện được tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì “Đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”[1]. Khởi đầu khu vực này rất rộng lớn, rừng núi rậm rạp, cây cối tốt tươi nên có tên gọi “Phước Lâm” để nói về không gian cảnh quan và vị trí địa lý của di tích. Xưa kia, chùa có tục danh là “chùa Bảy mẫu” bởi diện tích chùa rộng lớn.

Năm 1993 chùa Phước Lâm trực thuộc tổ đình Nghĩa Phương. Trải qua thời gian tồn tại, năm 1998 chùa Phước Lâm được trùng tu và kiến trúc hiện tại do lần trùng tu này.

Chùa Phước Lâm là công trình kiến trúc được dựng lên để thờ Phật, phối thờ Quan Thánh và Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Chùa Phước Lâm quay hướng Nam, gồm các công trình kiến trúc sau: Tam quan, tháp Tổ, đài Quan âm, chùa. Chùa được bài trí thờ tự theo kết cấu chữ Tam (三): Bái đường, chính điện, nhà tổ.

Bái đường cao hơn sân khoảng 50cm, xây theo kiểu giật cấp; hai cột bằng xi măng hình tròn, sơn màu gỗ. Các cột để trơn không trang trí. Bái đường có hai mái, lợp ngói xi măng (mái trước và mái sau, không có mái hồi). Đỉnh mái trang trí hình ảnh “Lưỡng long tranh châu”. Đầu đao gác trống và gác chuông đắp hình rồng cuộn, đỉnh gắn hình tháp.

Chính giữa bái đường đặt ban thờ Phật Chuẩn đề; bên tả đặt ban thờ Quan Thánh Đế Quân cùng Châu Xương và Quan Bình; phía hữu đặt ban thờ Mẫu. Hai cột tròn ngăn giữa bái đường và chính điện tạo thành 3 cửa võng, được trang trí đắp hoa văn dây leo. Hai bên tả, hữu xây hai cổ lầu đặt gác trống và gác chuông.

Chính điện chùa Phước Lâm

 

Chính điện làm theo kiểu cổ lầu tám mái. Chính giữa chính điện là ban thờ Phật A Di Đà; hai bên có hai lối cửa thông ra phía sau là nhà tổ.

Nhà tổ: Chính giữa đặt tượng thờ Đạt Ma Sư Tổ, hai bên thờ tượng Địa Tạng Bồ tát và Quan Âm Bồ tát. Trên bệ thờ đặt cỗ tam sơn khảm xà cừ, chính giữa đặt lư hương quai rồng cùng bộ ngũ sự. Gian thờ tổ có kết cấu kiến trúc vì nóc kiểu vì kèo, các cột gỗ được đưa từ gian Phật điện xuống để tận dụng trong lần đại trùng tu chùa năm 1998. Các góc mái cổ lầu trang trí đắp nổi hình vân mây, bờ nóc đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, mái cổ lầu lợp ngói xi măng.      

Di tích chùa Phước Lâm có giá trị lịch sử cách mạng tiêu biểu của huyện Diên Khánh, đồng thời chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Hàng năm, chùa tổ chức cúng lớn vào các ngày: Lễ Phật Đản (15/4) và lễ Vu Lan (15/7) âm lịch; ngày 13 tháng 6 là ngày giỗ Tổ khai sơn chùa; ngày 25 hoặc 26 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) cúng Tất niên, cúng tiễn đưa các Chư tiên Hộ pháp về trời. Ngoài ra, vào các tối 14, 30 âm lịch hàng tháng tại chùa tụng Kinh Sám hối và hàng tuần, vào tối thứ năm, tối Chủ nhật, tụng kinh Pháp Hoa.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa mang đậm dấu ấn cách mạng, năm 2012, di tích chùa Phước Lâm được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2893/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

                                                                   Nguyễn Thị Thúy Hằng

[1] Quyết định số 209KT/HĐNN ngày 15 tháng 3 năm 1989.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH VĨNH CÁT
Đình Vĩnh Cát là một di tích có nhiều yếu tố kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc thời Nguyễn, thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc giá trị về các mặt văn hóa, khoa học, lịch sử, nghệ thuật. Ngoài ra, đình còn bảo lưu được lễ hội văn hóa truyền thống, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của người dân Khánh Hòa.
ĐÌNH PHÚ CỐC
Đình Phú Cốc tọa lạc tại giữa thôn Trung, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Phú Cốc là một công trình kiến trúc nghệ thuật được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Bạch Mã, Tứ vị Nam Hải; Tiền hiền, Hậu hiền. Di tích nằm trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng, rộng rãi, trên trục đường quốc lộ 39B, có diện tích là 7.065m2.
MIẾU THANH TỰ ĐÔNG
Miếu Thanh Tự Đông thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu Thanh Tự Đông do Tri phủ huyện Tân Định tên là Lê Kim Cảnh cùng các nhân hào thân sĩ đồng tâm xây dựng, ông cúng 6 sào đất và tiền quan để dựng đình.
CHÙA VẠN THIỆN
Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).
ĐÌNH PHÚ ÂN NAM
Đình Phú Ân là ngôi đình còn lưu giữ được những kết cấu kiến trúc ban đầu của ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa. Tiền tế và chánh điện liên kết với nhau, chánh điện lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, thiết bản, sắc phong. Chính giữa đặt ban thờ Hội đồng, sau có Ban thờ Thần, khám thờ được sơn son thiếp vàng, mái khám trạm trổ hình lưỡng long tranh châu, hai bên thờ Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị.
MIẾU TAM TÒA
Theo dòng lịch sử, miếu Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng cổ Phú Lộc. Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ các tỉnh miền Trung đến định cư ở vùng đất dọc hai bờ sông Cái (thuộc thị trấn Diên Khánh), sớm hình thành nên những làng xóm trù phú của người Việt.
ĐÌNH TRƯỜNG THẠNH
Đình Trường Thạnh không chỉ mang nét đẹp thẩm mỹ, nó còn ẩn chứa bên trong nhiều giá trị to lớn khác, là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể của làng: 05 sắc phong do vua triều Nguyễn ban, khám thờ thần, long đình, đôi lọng, bộ lỗ bộ, chiêng, trống, thanh la, nghi thức cúng, các bài văn cúng, nhạc cúng…
ĐÌNH ĐẢNH THẠNH
Đình Đảnh Thạnh tọa lạc trên một gò đất thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc Trường Lộc Trung xã, tổng Trung, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh), nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 21km về phía Tây. Đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
MIẾU QUAN THÁNH
Miếu Quan Thánh do những người Việt gốc Hoa vùng Quảng Đông (Trung Quốc) sang sinh sống và làm ăn tại Diên Khánh xây dựng lên. Nơi định cư của người Hoa sớm nhất ở Diên Khánh là Thanh Minh (xã Diên Lạc), sau họ chuyển xuống khu vực Thành.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TÂY
Đình Đại Điền Tây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực thực phẩm và là nơi tổ chức các cuộc họp của phong trào Việt Minh bàn kế hoạch chống Pháp, thành lập đội quân du kích đánh Pháp. Đồng thời, di tích còn là nơi học tập chủ trương chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.