Miếu Tam Tòa thuộc tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa là làng Phú Lộc thuộc tổng Trung, huyện Hoa Châu, phủ Diên Ninh).
Sở dĩ di tích có tên gọi là miếu Tam Tòa vì từ lúc mới lập miếu, người dân nơi đây đã cất ba am thủ gỗ; am giữa thờ Bà Thiên Y A Na; am phải thờ Bạch Mã Thái Giám và am trái thờ Hoả Tinh Thần Nữ, Thủy Tinh Thần Nữ.
Theo dòng lịch sử, miếu Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng cổ Phú Lộc. Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ các tỉnh miền Trung đến định cư ở vùng đất dọc hai bờ sông Cái (thuộc thị trấn Diên Khánh), sớm hình thành nên những làng xóm trù phú của người Việt. Một biểu hiện của cuộc sống ổn định trên vùng đất mới của cư dân nông nghiệp là sau khi hình thành các cộng đồng làng xã thì những thiết chế văn hóa truyền thống cũng được dựng lên như: đình, chùa, miếu… Miếu Tam Tòa ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đó. Khởi đầu, di tích chỉ xây dựng ba am. Về sau, nhân dân đã đóng góp xây dựng nên ngôi miếu ba gian bề thế, bao bọc ba am thủ kỳ để thờ phụng rất trang trọng. Do vậy, ngày nay ta vẫn còn thấy điểm khác biệt của miếu Tam Tòa với các am, miếu khác trong toàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo Truyền thuyết, thần tích, chuyện kể rằng: “Vào một đêm Rằm tháng Ba âm lịch, bầu trời đang trăng sáng, bỗng dưng bên phía núi Đồng Bò (núi Hoàng Ngưu) trời chuyển động, sấm chớp liên hồi, kéo theo tiếng nổ rền vang dữ dội. Tiếp theo, người ta thấy nhiều dải lụa ngũ sắc bay trên nền trời, mang theo một bóng người như tiên nữ bay qua làng Phú Lộc. Những dải lụa đó sà xuống, đậu trên ngọn cây cổ chi, cây mít và đào cổ thụ trong xóm. Người dân nơi đây nghĩ là Bà Thiên Y Thánh Mẫu hiện về nên lập miếu thờ Bà ngay tại nơi này.
Chuyện Bà chữa bệnh dịch cho dân làng: “Chuyện kể rằng: Ngày xưa, tại xóm Ấp Thượng (nơi có miếu Tam Tòa) xảy ra một trận dịch tả khủng khiếp, làm chết nhiều người; chính quyền và nhân dân địa phương bó tay, vô phương cứu chữa. Trong lúc nguy khốn đến tính mạng, nhân dân không biết làm sao? chỉ còn cứu cánh duy nhất là làm lễ cúng Bà tại miếu Tam Tòa, van vái xin Thiên Y Thánh Mẫu độ trì cho con dân tai qua nạn khỏi. Trong lúc mọi người đang tụ tập về miếu cùng lạy xin Bà, bỗng dưng nền đất của miếu chuyển động râm ran. Từ trước am thờ Bà, ngay giữa Chánh điện, xuất hiện một vết nứt từ từ mở ra và chạy dài ra đến trước sân miếu; kỳ lạ thay! trên vết nứt ấy xuất hiện những làn bọt trắng sủi lên từ lòng đất như bọt xà phòng, có vị mằn mặn như bọt nước biển. Người dân cho đó là hiện tượng linh ứng, là thuốc Bà cho để cứu dân. Mọi người vội vã vớt bọt trắng ấy mang về pha nước cho người bệnh uống. Kết quả hiệu nghiệm, dịch tả được dập tắt, người dân trong xóm vui mừng và kính phục sự linh ứng mà Bà đã cứu con dân. Từ đó, miếu càng được nhân dân trân trọng gìn giữ, cúng tế hàng năm và là chỗ dựa tinh thần, tâm linh cho nhân dân trong thôn ấp.
Cảm phục sự linh ứng, tiếng đồn lan xa xuống tận Nha Trang, những người dân Nha Trang có nguồn gốc ở miền Bắc vào định cư đã quyên góp, sữa chữa xây dựng 3 ngôi am trong miếu hoàn chỉnh theo kiến trúc cổ, mang đậm bản sắc dân tộc. Do vậy, hiện nay trong tất cả miếu thờ ở tỉnh Khánh Hòa, duy nhất miếu Tam tòa có ba ngôi am trong chánh điện. Vì vậy, miếu ở đây có tên gọi miếu Tam Tòa”[1].
Mặt bằng tổng thể miếu Tam Tòa
Miếu Tam Tòa tọa lạc trên một khu đất cao ráo bằng phẳng, quay mặt về hướng Nam, trước là con sông Cái hiền hòa. Di tích được bố trí với từng hạng mục công trình kiến trúc được dàn trải theo chiều rộng: Nghi môn, án phong, hai miếu nhỏ thờ (Âm hồn, Cô hồn, Sơn lâm chúa tướng), tiền tế, chính điện và nhà Tiền hiền.
Miếu Tam Tòa, hiện nay còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật cổ có giá trị như: sáu sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng, chuông đồng , khánh, trống, bốn Long ngai bài vị sơn son thiếp vàng, long đình bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo, hai bộ “ Lỗ bộ” bằng đồng và từ khí bằng đồng như đèn, đỉnh đồng, lư hương … Các sắc phong gồm:
- Sắc Duy Tân năm thứ 5 (1911) phong cho Bạch Mã Thái Giám
- Sắc Duy Tân năm thứ 5 (1911) phong cho Thiên Y a Na
- Sắc Khải Định năm thứ 2 (1917) phong cho thần Thủy Tinh thần nữ
- Sắc Khải Định năm thứ 2 (1917) phong cho thần Hỏa Tinh thần nữ
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thiên Y a Na
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924 phong cho Bạch Mã Thái Giám.
Hàng năm, vào ngày 16 và 17/3 âm lịch là ngày tiến hành lễ cúng Xuân gọi là lễ hội Xuân kỳ diễn ra tại miếu Tam Tòa. Trong lễ hội tại miếu diễn ra hàng năm bảo lưu được các nghi thức truyền thống của địa phương tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Miếu Tam Tòa là công trình kiến trúc cổ mang đậm phong cách kiến trúc đặc trưng triều Nguyễn ở vùng đất Khánh Hoà, được hình thành qua quá trình di cư về phương Nam khai hoang, dựng làng, lập ấp. Ngay từ khi mới được xây dựng di tích đã trở thành điểm tâm linh không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân làng Phú Lộc xưa và tổ dân phố Phú Lộc Tây 1 sau này. Chính vì những giá trị tiêu biểu trên, miếu Tam Tòa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 517/QĐ-UBND, ngày 24/3/2006 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
[1] Nguyễn Văn Thích ghi chép lại theo truyền thuyết dân gian trong tác phẩm: “Di sản văn hóa làng Phú Lộc” – Công trình sách biên khảo, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, năm 2008.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: