Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH VĨNH CÁT

15/08/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Vĩnh Cát thuộc tổ 9, thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ vào các tài liệu của đình còn lưu giữ thì đình làng được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Quá trình tồn tại đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và năm 2017 đình đang được tu bổ.

Đình Vĩnh Cát có tổng diện tích là: 3.755m2, mặt tiền giáp đường liên thôn, có 3 công trình chính: Đại đình, miếu Bà và nhà đông.

Đình Vĩnh Cát được dựng lên để thờ Thành Hoàng, Thiên Y A Na, Tiền hiền, Hậu hiền…

Đại đình của đình Vĩnh Cát được thiết kế theo kiểu kiến trúc Vauban (loại kiến trúc của Pháp)

Đại đình được thiết kế theo kiểu kiến trúc Vauban (loại kiến trúc của Pháp), có 5 cửa kiểu vòm cuốn; có 2 lối cửa lên xuống hai bên xây theo bậc cấp. Đây là công trình kết hợp phong cách kiến trúc phương Đông và phương Tây.

Toàn bộ kết cấu kiến trúc của đình là bộ khung bằng gỗ. Hệ cửa đại đình được thiết kế kiểu ván bưng; phía góc của các cánh cửa chạm khắc vân mây cách điệu hình rồng, hình ảnh dơi và nhiều hoa văn, linh vật mang ý nghĩa triết học theo quan niệm của người phương Đông. Tuy nhiên, đình không có nhiều hoành phi, câu đối như một số di tích khác, mà trên bốn cột cái khắc chìm 02 cặp câu đối thể hiện giá trị mỹ thuật cao.

Chính điện có các cột tạo thành hình 3 ô cửa giả (y môn); phía dưới mỗi y môn treo 01 tấm chấn bằng vải; phía trên thiết kế theo kiểu ván bưng, chạm thành các ô nhỏ hình vuông.

Trên hai cột cái khắc chìm cặp câu đối có chữ đầu ghép thành tên đình:

Phiên âm:

Vĩnh Cát hậu thế cựu thừa tân kế, đồng bào tăng tráng lệ.
Hội hiệp tiền nhân tích đức thiên niên, dân chúng lại an khang

Dịch nghĩa:

Mãi mãi tốt đẹp hậu thế kế thừa người đi trước, đồng bào tăng tráng lệ
Hiệp hội người trước tích đức nghìn năm, dân chúng được nhờ mãi an khang.

Đình làng Vĩnh Cát mở hội thời gian 02 ngày, lễ hội được tổ chức vào tháng 02 âm lịch hàng năm, ngày giờ tổ chức được chọn vào ngày tốt.

Đình Vĩnh Cát là một di tích có nhiều yếu tố kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc thời Nguyễn, thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc giá trị về các mặt văn hóa, khoa học, lịch sử, nghệ thuật. Ngoài ra, đình còn bảo lưu được lễ hội văn hóa truyền thống, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của người dân Khánh Hòa.

Năm 2008, đình Vĩnh Cát được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2507/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                          Nguyễn Thị Thúy Hằng

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN ĐÔNG
Đình Đại Điền Đông mở hội khoảng 02 ngày trong tháng 3 âm lịch hàng năm; ngày, giờ tổ chức được chọn theo năm chứ không có lệ. Sau phần lễ có phần hội tổ chức các trò chơi dân gian: nhảy bao bố, đổ nước vào chai, kéo co… Ngoài ra, tháng 11 âm lịch đình tổ chức cúng Thượng điền (gác cày).
ĐÌNH HỘI XƯƠNG
Đình Hội Xương là ngôi đình tiêu biểu ở huyện Diên Khánh có kiến trúc truyền thống, hệ thống cửa với cấu trúc “thượng song hạ bản”, kết cấu các vì kèo với cột trụ, mái ngói tạo nét đẹp cổ kính, trang nghiêm; hệ thống cửa có nhiều trang trí mỹ thuật mang giá trị nghệ thuật cao như các hình tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và tứ Quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai).
ĐÌNH AN NINH
Đình An Ninh tọa lạc thôn An Ninh, Xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đại đình thiết kế kiểu chữ nhị, tiền tế và chánh điện không ngăn cách nhau mà nối liền. Cũng giống như các công trình kiến trúc thờ phụng đình, miếu tại Khánh Hòa, chánh điện có ban thờ Hội Đồng, phía trong là ban thờ Thần, hai bên có ban thờ Tả ban và Hữu ban.
MIẾU CỔ CHI
Miếu Cổ Chi tọa lạc ở Tổ dân phố số 12, khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu được dựng lên để thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Ngũ hành, Bản cảnh Thành Hoàng, Tiền hiền và Tiền bối. Năm 1958, hai ông Trần Gia, Trần Chiểu (Nguyễn Đông) hiến 1 mẫu 5 sào cho miếu.
ĐÌNH PHÚ CỐC
Đình Phú Cốc tọa lạc tại giữa thôn Trung, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đình Phú Cốc là một công trình kiến trúc nghệ thuật được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Bạch Mã, Tứ vị Nam Hải; Tiền hiền, Hậu hiền. Di tích nằm trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng, rộng rãi, trên trục đường quốc lộ 39B, có diện tích là 7.065m2.
MIẾU THANH TỰ ĐÔNG
Miếu Thanh Tự Đông thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu Thanh Tự Đông do Tri phủ huyện Tân Định tên là Lê Kim Cảnh cùng các nhân hào thân sĩ đồng tâm xây dựng, ông cúng 6 sào đất và tiền quan để dựng đình.
CHÙA VẠN THIỆN
Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).
ĐÌNH PHÚ ÂN NAM
Đình Phú Ân là ngôi đình còn lưu giữ được những kết cấu kiến trúc ban đầu của ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa. Tiền tế và chánh điện liên kết với nhau, chánh điện lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, thiết bản, sắc phong. Chính giữa đặt ban thờ Hội đồng, sau có Ban thờ Thần, khám thờ được sơn son thiếp vàng, mái khám trạm trổ hình lưỡng long tranh châu, hai bên thờ Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị.
CHÙA PHƯỚC LÂM
Chùa Phước Lâm thuộc thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Di tích chùa Phước Lâm có giá trị lịch sử cách mạng tiêu biểu của huyện Diên Khánh, đồng thời chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Hàng năm, chùa tổ chức cúng lớn vào các ngày: Lễ Phật Đản (15/4) và lễ Vu Lan (15/7) âm lịch
MIẾU TAM TÒA
Theo dòng lịch sử, miếu Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng cổ Phú Lộc. Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ các tỉnh miền Trung đến định cư ở vùng đất dọc hai bờ sông Cái (thuộc thị trấn Diên Khánh), sớm hình thành nên những làng xóm trù phú của người Việt.