Đình Hội Xương thuộc xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đây, đình Hội Xương có tên là Vạn Xương, đến năm 1888 (dưới triều vua Đồng Khánh) đổi tên là đình Hội Xương thuộc Hội Xương xã, Vĩnh Xương huyện, Khánh Hòa tỉnh; đình cách trung tâm thành phố Nha Trang 25km về phía Tây.
Đình có niên đại cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được dân làng dựng lên để thờ cúng các vị: Thành Hoàng, Phấn Nhĩ Quỉ Vương thần nữ, Quan Thánh Đế Quân, Sơn lâm, Thổ Công; Tiền hiền, Hậu hiền. Tiền hiền của làng là hai vị: Xã trưởng Trương Văn Hợi và Hương mục Đào Viết Nghi.
Đình quay hướng Nam với thế đất tiền thủy hậu sơn, trước mặt là sông Suối Dầu chạy qua, sau lưng là dãy núi Hòn Dữ làm hậu chẩm vững chắc.
Trải qua thời gian tồn tại, đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Đó là vào các năm: 1904; 1940; 1952; 1970; 1985, lần gần đây nhất là năm 2014.
Được tọa lạc trên một khu đất tương đối bằng phẳng, có tổng diện tích 3.760m2, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích gồm: Nghi môn, án phong, võ ca, đại đình, miếu Quan Thánh, miếu Bà, miếu Tiền hiền, miếu Tiền bối. Tổng thể khuôn viên đình là sự bố trí hài hòa, hợp lý các công trình kiến trúc với kết cấu khung gỗ truyền thống, điển hình của kiến trúc người Việt tại Khánh Hòa.
Hiện nay, đình Hội Xương còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị chứa đựng nội dung lớn về lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ: khám thờ thần, long đình, bộ lỗ bộ, cỗ tam sơn, chiêng, trống, thanh la, lễ phục..., đặc biệt là 7 sắc phong các vị Vua triều Nguyễn ban tặng gồm:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1889) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1918) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Phấn Nhĩ Quỷ Vương
Võ ca là nơi dùng để tổ chức hát bộ nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần của bà con nhân dân trong những dịp đình tổ chức lễ hội. Hai hàng cột cái và hàng cột quân tạo nên các bộ vì nóc kiểu vì kèo tiêu biểu cho kiến trúc triều Nguyễn tại tỉnh Khánh Hòa.
Đình Hội Xương là ngôi đình tiêu biểu ở huyện Diên Khánh có kiến trúc truyền thống, hệ thống cửa với cấu trúc “thượng song hạ bản”, kết cấu các vì kèo với cột trụ, mái ngói tạo nét đẹp cổ kính, trang nghiêm; hệ thống cửa có nhiều trang trí mỹ thuật mang giá trị nghệ thuật cao như các hình tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và tứ Quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai).
Khám Thần đình Hội Xương là hiện vật qúy có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo, hoa văn sóng nước, vân mây, các đường hồi văn... được chạm khắc trên khung gỗ tạo vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển, phản ánh nét tâm linh tín ngưỡng trong đời sống dân cư người Việt lúc bấy giờ.
Hàng năm, đình Hội Xương cúng lệ vào ngày 18, 19/02 âm lịch. Lễ hội đình làng được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của nhân dân khi làng tổ chức lễ hội truyền thống; đồng thời cũng là nơi tuyên truyền, giáo dục cho con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiểu biết về văn hóa, cội nguồn dân tộc, biết yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, kính trên nhường dưới.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu trên, năm 2008 đình Hội Xương được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2508/QĐ - UBND là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: