Miếu Bà Thiên Y A Na tọa lạc tại thôn Đại Điền Đông II, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.
Theo lời truyền khẩu: Miếu Bà trước kia được khởi dựng đơn sơ với qui mô nhỏ, đến năm 1846 (Bính Ngọ) Cụ Ngô Đắc Trinh hiến cúng đất đai và một số bô lão trong làng đứng ra vận động xây dựng Miếu tại địa điểm hiện nay; đồng thời cụ Nguyễn Thập khấn nguyện nghinh tượng Bà bằng đá đen ở miếu cũ về thờ phụng.
Căn cứ vào sắc phong được vua Tự Đức ban tặng cho miếu Bà vào năm 1852, ta có thể đoán định Miếu được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Từ khi tạo dựng Miếu đã trải qua nhiều lần tu bổ vào những năm: 1884,1906, 1922 và những năm tiếp theo tu bổ các hạng mục:
- Năm 1961, thay ngói âm dương bằng ngói móc;
- Năm 1970, tạo lập miếu Ngũ hành và miếu Sơn lâm;
- Năm 1990, đại trùng tu lại miếu;
- Năm 1996, xây dựng nghi môn.
Miếu Bà Thiên Y A Na thờ Thiên Y A Na, Ngũ hành, Sơn Lâm... Hiện nay, miếu Bà còn lưu giữ 02 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban cho Thiên Y A Na;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Thiên Y A Na
Miếu Bà Thiên Y A Na quay theo hướng Tây Nam. Từ ngoài vào trong miếu gồm các hạng mục công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, miếu Thiên Y A Na, miếu Ngũ Hành, miếu Sơn lâm, nhà trù.
Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “Nhất”, gồm có hai mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, dải bờ nóc trang trí vân mây cách điệu. Phía trên mi cửa đi vào chính điện vẽ trang trí phong cảnh thiên nhiên ở hai bên, chính giữa trang trí cuốn thư, hai bên viết câu đối bằng chữ Hán Nôm:
Phiên âm:
Thiên giáng linh thần vũ trụ nhân dân cộng tế,
Thế phong thượng đẳng xuân thu trở đậu trùng quang.
Dịch nghĩa:
Trời giáng linh thần vũ trụ nhân dân cùng đội ơn cứu giúp,
Đời phong thượng đẳng, xuân thu cúng tế còn mãi tỏ vinh quang.
Chính điện có cổ lầu, gồm hai tầng mái, mỗi tầng có bốn mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, bờ dải trang trí hình vân mây, sóng nước cách điệu hoa văn hình rồng, hai đầu hồi của cổ lầu trang trí đắp nổi hình ảnh con dơi.
Hàng năm, nơi đây tổ chức lễ hội trong hai ngày 14, 15/3 âm lịch và vào những ngày Rằm, mùng một hàng tháng nhân dân nơi đây cùng dâng hương hoa lên Bà để tỏ lòng thành kính cầu mong cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, miếu Bà là nơi hoạt động bí mật của phong trào cách mạng tại địa phương, dưới khám thờ Bà là nơi các chiến sĩ ẩn nấp để hoạt động ngay trong lòng địch.
Căn cứ vào những giá trị của di tích, năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: