Đình Đại Điền Nam tọa lạc tại thôn Đại Điền Nam 2, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Dưới Triều Nguyễn, Diên Điền ngày nay là một phần của xã Đại An, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đến đời vua Tự Đức (1848-1883) dân số Đại An tăng lên nên đã được chính quyền địa phương chia thành bốn làng (thôn) thuộc xã Diên Điền: Đại ĐiềnTây, Đại Điền Đông, Đại Điền Nam, Đại Điền Trung, mà ngày mọi người vẫn quen gọi là "Tứ thôn Đại Điền". Đình làng cũng được chia thành bốn phần cho bốn làng: Đại Điền Đông lãnh chính điện, Đại Điền Nanm lãnh phần Tiền hiền, Đại Điền Trung lãnh Bái đường, Đại Điền Tây lãnh phần nhà đông và từ đó đình Đại Điền Nam ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Từ khi khởi dựng cho tới nay, đình đã trải qua các lần tu bổ như sau:
- Năm 1938, đình được tu bổ lần đầu tiên;
- Năm 1946, đình đã bị thực dân Pháp đốt cháy, phá hủy hoàn;
- Năm 1960, nhân dân tái tạo lại ngôi đình;
- Năm 1970, xây tường rào và nghi môn;
- Năm 1994, đình được trùng tu lại;
- Năm 2004, tổ chức di dời ngôi mộ vị Tiền hiền.
Hiện nay đình Đại Điền Nam còn lưu giữ được 02 sắc phong của vua Khải Định ban tặng:
- Sắc phong vua Khải Định thứ 2 (1917) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc phong vua Khải Định thứ 9 (1924) ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng.
Đình Đại Điền Nam
Đình Đại Điền Nam thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng, Thiên Y A Na, các vị Tiền hiền, Hậu hiền.
Đình Đại Điền Nam quay theo hướng Đông, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng có diện tích 1.600m2. Từ ngoài vào trong đình Đại Điền Nam có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án phong, trụ cờ, đại đình, miếu Tiền hiền, miếu Bà, miếu Sơn Lâm, nhà đông.
Tiền tế có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ "Nhất" gồm hai mái lợp ngói tây; bờ nóc đắp "Lưỡng long chầu nguyệt". Chính điện có bốn mái, hai mái trước và sau, hai mái hồi hai bên, mái lợp ngói tây, trên bờ nóc đắp "Lưỡng long chầu nguyệt". Cổ lầu vẽ trang trí phong cảnh thiên nhiên.
Hàng năm, lễ hội đình Đại Điền Nam được tổ chức vào tháng 3 âm lịch. Ngoài ra đình còn có các lễ cúng khác như sau:
- Lễ cúng Rằm tháng Giêng âm lịch.
- Lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch.
- Lễ cúng Rằm tháng 10 âm lịch.
- Lễ cúng Tết nguyên đán.
Ngoài ra trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vào những năm 1945-1946, đình Đại Điền Nam còn được sử dụng làm nơi tập trung cất giữ lương thực và chứa vũ khí... phục vụ cho cách mạng. Đồng thời đình cũng được sử dụng tập họp của các đồng chí cách mạng và là nơi giam giữ của những kẻ lầm đường theo giặc chống phá cách mạng.
Căn cứ vào những giá trị lịch sử văn hóa, đình Đại Điền Nam được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích cấp tỉnh, tại Quyết định số 2339/ QĐ-UBND, ngày 21/11/2005.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: