Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH ĐẢNH THẠNH

17/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Đảnh Thạnh tọa lạc trên một gò đất thôn Đảnh Thạnh, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc Trường Lộc Trung xã, tổng Trung, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh), nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 21km về phía Tây.

Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử tại đình cho biết: Đình được khởi dựng trước năm Tự Đức năm thứ 5 (1852)[1], do các vị tiền nhân đến đây khai làng, lập ấp dựng lên để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Thiên Y Thánh Mẫu, Tiền hiền, Hậu hiền…


Mặt bằng tổng thể đình Đảnh Thạnh

Trải qua thời gian cộng với thiên nhiên thời tiết khắc nghiệt, ngôi đình xuống cấp, nhân dân đã nhiều lần tu bổ, tôn tạo đình, lần gần đây nhất vào năm 1957, 1998.

Cũng gần giống như nhiều ngôi đình khác trong vùng (đình Mỹ lộc, đình Bình Khánh, đình Đại Hữu…), Đình Đảnh Thạnh gồm án phong phía trước, sau là sân gạch rộng và miếu Sơn Lâm, công trình chính là tiền tế, chính điện, hai bên tả, hữu là nhà đông và miếu Tiền Hiền. Tất cả các hạng mục công trình trên nằm trong khuôn viên có diện tích 710m2, đình quay hướng Đông Nam.

Công trình thờ tự chính của đình được bố cục theo kiểu chữ Nhị (二) nhị gồm tiền tế và chính điện. Tiền tế là nơi tế các lễ vật lên các vị thần, được thiết kế ba gian bằng nhau, diện tích rộng 20,64m2. Nền được láng xi măng. Mái được lợp bằng ngói tây, bờ nóc trang trí đắp nổi “Cá chép vượt vũ môn”, các bờ dải trang trí biểu tượng “Rồng vân mây cách điệu”. Sau tiền tế là chính điện, được ngăn cách bởi một bức tường trổ ba cửa, cánh làm bằng gỗ. Chính điện được thiết kế kiểu tứ trụ cổ lầu, trên bờ nóc trang trí đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”.

Kết cấu của công trình là bộ khung chịu lực hoàn toàn bằng gỗ gồm: bốn trụ cột cái được ghép mộng với hai bộ vì kèo; trụ trốn lỏng đứng chân lên thanh quá giang thông qua một chiếc đấu vuông thót đáy trang trí hoa văn tinh tế nâng đỡ mái cổ lầu; hai thanh quá giang ăn mộng vào cột vươn ra phía ngoài tạo thành đầu dư chạm trổ hình đầu linh vật “chim phượng”.

Nội thất của chính điện ở vị trí trung tâm là ban thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, chính giữa ban là chữ “Thần” tượng trưng cho vị thần Thành Hoàng được thờ cúng, hai bên trang trí hình linh vật “rồng” cùng đôi câu đối ca ngợi công đức to lớn của vị thần; hai bên ban thờ thần là Tả ban và Hữu ban; hai bên hồi là ban thờ Đông phối và Tây phối

Đình Đảnh Thạnh còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị, các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 11 sắc phong các vua triều Nguyễn ban (sắc phong sớm nhất có niên đại Tự đức năm thứ 5 năm 1852, sắc phong muộn nhất niên hiệu Khải Định năm thứ 9 năm 1924), câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, thanh la, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục tế lễ… Đặc biệt, hàng năm vào ngày tốt tháng Ba âm Lịch nhân dân lại tổ chức lễ cúng đình mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, ngoài phần lễ còn có phần diễn xướng dân gian (Hát bội).

 

 

 

Một số sắc phong được bảo lưu tại đình Đảnh Thạnh

 

Cùng với giá trị về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích còn mang nhiều giá trị về lịch sử cách mạng của địa phương. Trong hai cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Đình cũng là nơi để nhân dân tiếp tế lương thực, thuốc men, là trạm dừng chân, nơi trung chuyển là cầu nối giữa các cơ sở hoạt động cách mạng ở đồng bằng và căn cứ địa cách mạng trung du, miền núi, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, ngôi đình vừa là công trình tín ngưỡng tâm linh vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, có vai trò quan trọng trong việc liên kết cộng đồng, gìn giữ văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán truyền thống của địa phương. Di tích còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật, các di vật, hiện vật cổ chứa đựng giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương. Với những giá trị tiêu biểu trên, di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2850/QĐ-UBND, ngày 18/11/2008 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

                                                                                                                                                   Nguyễn Chí Khải

[1] Sắc phong sớm nhất tại đình có niên đại Tự Đức năm thứ 5 (1852), đình phải xây dựng trước đó

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
MIẾU THANH TỰ ĐÔNG
Miếu Thanh Tự Đông thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu Thanh Tự Đông do Tri phủ huyện Tân Định tên là Lê Kim Cảnh cùng các nhân hào thân sĩ đồng tâm xây dựng, ông cúng 6 sào đất và tiền quan để dựng đình.
CHÙA VẠN THIỆN
Cùng với sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam, phần đất Khánh Hòa thế kỷ XVIII có thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán – sư tổ phái Thiền Tông Lâm Tế miền Trung đời thứ 35, pháp đệ của ngài là Hòa thượng Thiệt Vinh - Bửu Hạnh đã theo dòng người Nam tiến Thuận Hóa đến vùng đất mới Phủ Diên Khánh lập am tranh tu hành khai sơn chùa Phụng Thùy Sơn (nay là chùa Vạn Thiện).
ĐÌNH PHÚ ÂN NAM
Đình Phú Ân là ngôi đình còn lưu giữ được những kết cấu kiến trúc ban đầu của ngôi đình cổ trên đất Khánh Hòa. Tiền tế và chánh điện liên kết với nhau, chánh điện lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, thiết bản, sắc phong. Chính giữa đặt ban thờ Hội đồng, sau có Ban thờ Thần, khám thờ được sơn son thiếp vàng, mái khám trạm trổ hình lưỡng long tranh châu, hai bên thờ Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị.
MIẾU TAM TÒA
Theo dòng lịch sử, miếu Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của làng cổ Phú Lộc. Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ các tỉnh miền Trung đến định cư ở vùng đất dọc hai bờ sông Cái (thuộc thị trấn Diên Khánh), sớm hình thành nên những làng xóm trù phú của người Việt.
ĐÌNH TRƯỜNG THẠNH
Đình Trường Thạnh không chỉ mang nét đẹp thẩm mỹ, nó còn ẩn chứa bên trong nhiều giá trị to lớn khác, là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể của làng: 05 sắc phong do vua triều Nguyễn ban, khám thờ thần, long đình, đôi lọng, bộ lỗ bộ, chiêng, trống, thanh la, nghi thức cúng, các bài văn cúng, nhạc cúng…
MIẾU QUAN THÁNH
Miếu Quan Thánh do những người Việt gốc Hoa vùng Quảng Đông (Trung Quốc) sang sinh sống và làm ăn tại Diên Khánh xây dựng lên. Nơi định cư của người Hoa sớm nhất ở Diên Khánh là Thanh Minh (xã Diên Lạc), sau họ chuyển xuống khu vực Thành.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TÂY
Đình Đại Điền Tây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực thực phẩm và là nơi tổ chức các cuộc họp của phong trào Việt Minh bàn kế hoạch chống Pháp, thành lập đội quân du kích đánh Pháp. Đồng thời, di tích còn là nơi học tập chủ trương chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.
MIẾU BÀ THÁNH MẪU
Miếu Bà Thánh Mẫu thuộc thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu có nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có tên gọi gắn với truyền thuyết: xung quanh ngôi miếu có nhiều cây cổ thụ, thỉnh thoảng dân làng thấy khu vực miếu sáng rực, nhất là những đêm diễn ra lễ hội, tại miếu bà con trong vùng thấy những ánh sáng ngũ sắc từ hướng Am Chúa (Diên Điền) bay qua rồi giáng xuống chỗ miếu, sau đó bay qua Suối Đổ hoặc ngược lại, nên dân làng gọi đây là miếu Giáng, có nghĩa Thánh Mẫu Thiên Y giáng lâm vãn cảnh nơi đây.
ĐÌNH ĐẠI ĐIỀN TRUNG
Đình Đại Điền Trung thuộc thôn Đại Điền Trung 2 (Trung 2), xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Dưới triều Nguyễn, Diên Điền ngày nay là một phần của xã Đại An, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đến đời vua Tự Đức (1848 – 1883) dân số xã Đại An tăng lên nên đã được chính quyền địa phương chia thành bốn làng (thôn) thuộc xã Đại Điền: Đại Điền Đông, Đại Điền Tây, Đại Điền Nam và Đại Điền Trung,
ĐÌNH SƠN THẠNH
Đình làng Sơn Thạnh còn có tên gọi khác là đình Lễ Thạnh. Do trước kia Đình Sơn Thạnh thuộc làng Lễ Thạnh; năm 1969, dân làng Lễ Thạnh dời lên thôn Cẩm Sơn, hai thôn Cẩm Sơn và Lễ Thạnh đổi tên thành thôn Sơn Thạnh và đình Lễ Thạnh đổi tên thành Đình Sơn Thạnh từ đó đến nay.