Đình Phước Hải thuộc tổ dân phố Phước Toàn Tây, phường Phước Hải, thành Phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Phường Phước Hải xưa kia tên là làng Phước An, do cụ Trịnh Công Tường là người đầu tiên đứng ra quy dân lập làng vào khoảng năm đầu thế kỷ thứ XVIII. Năm 1770, khi cụ Trịnh Công Tường mất, nhân dân trong làng nhớ ơn, lập đình làng và tôn thờ cụ. Ban đầu đình Phước Hải được xây cất ở dưới chân núi Khố Sơn, phía bắc của chùa Linh Phong (nay thuộc phường Phương Sơn). Sau nhiều lần sửa chữa trùng tu, đình được dời về tọa lạc ở vị trí hiện nay dưới chân núi Đình.
Đình Phước Hải tọa lạc trên một vị trí đẹp, thoáng trong một khuôn viên có tổng diện tích 6.520m2, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, cột cờ, án phong, võ ca, tiền tế và chính điện.
Tiền tế và chính điện là hai hạng mục chính của di tích. Tiền tế gồm ba gian có ba cửa vào. Mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí “Lưỡng long tranh châu”. Tiền tế có kết cấu đặc trưng truyền thống của địa phương. Hệ thống chịu lực chủ đạo là bộ khung gỗ gồm: bốn cột cái và hai cột quân liên kết với bộ vì bằng các lỗ mộng (bộ vì được thiết kế theo kiểu vì kèo truyền thống) cùng với hệ thống thanh xuyên, hoành, rui, mè…tạo thành bộ khung nâng đỡ mái.
Bài trí nội thất tiền tế: chính giữa bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên có tấm hoành phi sơn son thếp vàng ghi chữ Hán: “Đình Phước Hải”; ở mỗi hàng cột đều có các cặp liễn đối bằng chữ Hán được khảm trai.
Sau tiền tế là chính điện được làm liền và thông nhau, về cơ bản hai công trình được thiết kế giống nhau, chỉ khác ở Chính điện các hàng chân cột nhiều hơn, trên mái có cổ lầu.
Bài trí nội thất chính điện: chính giữa là bàn thờ Hội đồng và nối với ban thờ Thần bằng một bệ thờ (trong những dịp làng cúng là nơi đặt phẩm vật để cúng Thần). Ban thờ Thần là ban thờ trung tâm của đình, hai bên ban thờ Thần có hai chiếc lọng lớn và hai hàng Lỗ bộ được sơn son thếp vàng; hai bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban.
Ngoài vẻ đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, đình Phước Hải còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa: hoành phi, câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, mõ, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục… Đặc biệt, hai sắc phong do các vị vua triều Nguyễn phong tặng.
Hàng năm, vào ngày mồng Một đến ngày mồng Bốn tháng Ba âm lịch là ngày lễ hội đình làng, nhân dân Phước Hải tập trung về đây làm lễ dâng hương Thành Hoàng và tưởng niệm các vị tiền bối dựng làng, lập ấp.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Phước Hải là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện liên quan tới lịch sử cách mạng của địa phương.
Đình Phước Hải là một trong những ngôi đình cổ tồn tại đã hơn 200 năm. Di tích đã gắn bó với bà con làng Phước Hải từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Hiện nay, di tích còn lưu giữ được kiến trúc mang đậm dấu ấn đầu triều Nguyễn; không những vậy, đình Phước Hải còn là bằng chứng chân thật đánh dấu quá trình lịch sử vẻ vang của địa phương; lễ hội truyền thống của đình vẫn được diễn ra hàng năm với đầy đủ các nghi thức.
Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu của đình Phước Hải, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 646/QĐ-UBND, ngày 23/3/2009 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: