Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA HỘI PHƯỚC

20/03/2018 00:00        
Đọc tin

Chùa Hội Phước tọa lạc tại địa chỉ số 153/2 đường Hoàng Văn Thụ, phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ban đầu chùa chỉ là một am tranh trên núi Hoa Sơn và được nhiều cư dân quanh vùng thành tâm hướng về cõi Phật nên gọi là Phước Am. Sau đó, chùa dời xuống chân núi, nằm trên bãi cát mênh mông bên bờ vịnh Nha Trang nên sau này nhân dân địa phương quen gọi là chùa Cát, tên gọi bình dị và dễ nhớ, gắn với địa điểm xây dựng chùa. Năm Đinh Tỵ 1797, ngài Đại Thông trụ trì Phước Am và đổi tên thành chùa Hội Phước, tên gọi đó tồn tại đến ngày nay.

Hoa Sơn (Núi Một) là một trong bốn ngọn núi trong lòng thành phố Nha Trang được người xưa coi như bốn biểu tượng linh vật của Nha Trang: “Kim Quy đới tháp” (Rùa vàng đội tháp - tức núi Một). Mỗi khi nhắc đến lịch sử hình thành chùa Hội Phước, chư tăng và phật tử ngậm ngùi nhớ về Tổ đình và địa điểm khởi dựng ở núi Hoa Sơn (thành phố Nha Trang):

Ta bà vật đổi sao dời
Chuông nhà thờ đổ trên đồi chùa xưa.
Hoa Sơn dù trải nắng mưa
Dấu chân khai phá khi xưa vẫn còn.

Chùa Hội Phước theo Bắc tông, thờ Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma, Di lặc và các vị Tổ của chùa.

Những hạng mục chùa Hội Phước được tu bổ trong lịch sử hình thành và phát triển di tích: Trong suốt 31 năm trụ trì chùa Hội Phước (từ năm 1810 đến 1841), ngài Đạo An tôn tạo chánh điện, chú tạo đại hồng chung và chi 50 quan tiền mua 05 sào ruộng để chùa có thêm đất canh tác. Năm Nhâm Dần (niên hiệu Thành Thái thứ 14 – 1902) Tổ Như Huệ tái tạo đại hồng chung do Tổ Đại An chú tạo năm 1822 và chỉnh trang lại ngôi chùa. Trong những năm Tổ Thanh Chánh trụ trì (từ năm 1917 đến năm 1920), phật tử Hồng Lô Nguyễn Đại Nhơn (tục gọi là ông Ấm Mười) đã cùng với ngài thực hiện nhiều Phật sự như: đúc chuông, chú tạo tượng Phật, ấn tống kinh sách… Năm 1941, Hoà thượng Ấn Ngân tiếp tục tu bổ và mở rộng chánh điện; năm 1940, đời vua Bảo Đại thứ 15 chùa được ban tấm biển “Sắc tứ Hội Phước tự”.

Năm 1984, xây dựng tượng Quán Thế Âm trước sân chùa;

Năm 1986, tu bổ nhà tổ;

Năm 1989, tu bổ nhà tăng và kiến tạo bảo tháp Liên Hoa;

Năm 1992, tu bổ nhà đông;

Năm 1994, khởi công tu bổ ngôi chánh điện;

Năm 1997, tu bổ tam quan;

Năm 1998, chú tạo hồng chung;

Năm 2001, tôn tạo phần lầu nhà đông và nhà tây.

Chùa Hội Phước quay hướng Đông Nam, có diện tích 952,9 m2 và có các hạng mục công trình: Tam quan, đài Quan Thế Âm, Chánh điện, Bảo tháp Liên Hoa, nhà thờ hương linh, nhà tri khách và nhà ở chư tăng, nhà bếp và nhà kho.

Chánh điện chùa Hội Phước 

Hàng năm, chùa Hội Phước tổ chức các ngày lễ hội của Phật giáo, với hai lễ lớn là lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) và lễ Vu Lan (15/7 âm lịch); ngày 9 tháng Chạp, ngày Tổ Phật Ấn viên tịch là ngày húy kỵ Tổ khai sơn chùa Hội Phước. Ngoài ra, chùa Hội Phước còn tế lễ các ngày lễ khác của Phật giáo. Hàng năm, chùa Hội Phước tổ chức lễ hội truyền thống của Phật giáo để phật tử và bà con nhân dân địa phương hướng về cõi Phật, biết hướng thiện và có lối sống lành mạnh, thiện tâm.

Năm 1927, trong hoàn cảnh lịch sử đất nước đang bị thực dân Pháp thống trị, mọi hoạt động yêu nước bị theo dõi, đàn áp thì việc thầy Thích Nhơn Hiền và các nhân sĩ trí thức yêu nước tổ chức tưởng niệm nhân ngày giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh là một hành động quả cảm, thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc và tấm lòng tri ân đối với nhà yêu nước cách mạng. Chùa Hội Phước (chùa Cát) được chọn là nơi tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh đã thể hiện tinh thần yêu nước của chư tăng và phật tử, thể hiện tinh thần một lòng hướng về cách mạng, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong điều kiện phong trào cách mạng đang ở giai đoạn trứng nước.

Ngày nay, chư tăng và phật tử chùa Hội Phước tích cực trong các hoạt động từ thiện ở địa phương, giúp hàng ngàn bệnh nhân nghèo mắt mù được sáng, giúp đỡ về thuốc men, cơm áo, xây dựng nhà tình thương… cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trụ trì hiện nay của chùa Hội Phước là tổ thứ 14, Hoà thượng Thích Quảng Thiện; Hòa thượng làm Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa.

Chùa Hội Phước là một trong những ngôi chùa có lịch sử hình thành lâu đời nhất ở thành phố Nha Trang. Trải qua hơn 330 năm khai sáng, truyền thừa và phát triển, chùa Hội Phước còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: tượng phật, chánh pháp nhãn tạng, chuông, khánh, hoành phi, câu đối… Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và những việc làm có giá trị nhân văn sâu sắc của chư tăng chùa Hội Phước đã để lại trong lòng người dân phố biển Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung những ấn tượng đẹp, những tình cảm chân thành hướng về Phật pháp, về tổ đình sắc tứ Hội Phước.

Năm 2015,  UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng chùa Hội Phước là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                            NGUYỄN THỊ HỒNG TÂM

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐỀN HÙNG VƯƠNG
Với tấm lòng ghi nhớ tổ tiên, nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã đồng tâm xây dựng Đền Hùng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với vị vua có công lớn khai sinh ra dân tộc Việt, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH LƯƠNG SƠN
Đình Lương Sơn được xây dựng vào thế kỷ XX ở lỗ Chang Chang và các cụ hào lão vẫn thường hoài niệm về di tích mỗi khi nhắc đến cây sung cổ thụ ở chợ Vĩnh Lương. Năm 1911, hào lão trong làng đã họp bàn và thống nhất dời đình về tại địa điểm hiện nay.
ĐÌNH VẠN THẠNH
Đình Vạn Thạnh tọa lạc dưới chân núi Sinh Trung, mặt sau đình tựa núi, mặt trước hướng ra không gian rộng, đình quay theo hướng Đông Nam, bên trái có tảng đá lớn được bao phủ bởi tán cây si rộng, cùng với hệ mái của đình có cổ lầu tạo cho di tích nét cổ kính. Ngôi đình nổi bật với các mảng đắp phù điêu tinh xảo, cầu kỳ.
ĐÌNH PHƯỚC HẢI
Đình Phước Hải là một trong những ngôi đình cổ tồn tại đã hơn 200 năm. Di tích đã gắn bó với bà con làng Phước Hải từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Hiện nay, di tích còn lữu giữ được kiến trúc mang đậm dấu ấn đầu triều Nguyễn; không những vậy, đình Phước Hải còn là bằng chứng chân thật đánh dấu quá trình lịch sử vẻ vang của địa phương; lễ hội truyền thống của đình vẫn được diễn ra hàng năm với đầy đủ các nghi thức.
VĂN CHỈ VĨNH XƯƠNG
Văn chỉ Vĩnh Xương là một tòa nhà có bố cục kiểu chữ “nhất” với Tiền tế ở phía trước và Chính điện ở phía sau. Hệ thống chịu lực chính của Văn chỉ là các trụ cột, chân cột đứng trên tảng đá vừa tạo thế vững chắc vừa bảo vệ cột gỗ qua thời gian.
ĐÌNH NGỌC HỘI
Đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
ĐÌNH XUÂN SƠN
Đình Xuân Sơn là nơi tụ họp của phong trào Việt Minh, trong đó có ông Huỳnh Ngọt làm Xã Đội trưởng, sau đó ông bị Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo 5 năm và bị đày đi biệt xứ 10 năm ở Ninh Thuận. Đầu năm 1946, phòng tuyến số 1 Nha Trang bị vỡ, một bộ phận bộ đội Việt Minh kéo về đình Xuân Sơn để củng cố lực lượng cho Mặt trận Cây Da - Quán Giếng.
ĐÌNH VÕ DÕNG
Đình Võ Dõng tọa lạc tại thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Căn cứ vào sắc phong sớm nhất mà đình còn lưu giữ được, có thể đoán định đình được xây dựng từ trước năm 1852. Lúc đầu đình được dựng lên ở khu vực Gò Đình, đến năm 1930 dời về vị trí hiện nay.
MIẾU AN LẠC
Miếu An Lạc được hình thành từ lâu đời không rõ niên đại, ban đầu chỉ là một thủ kỳ nhỏ để thờ tự Đệ Bát Tiên Nương. Theo lưu truyền dân gian: Bà vốn là người Chăm ở Bình Thuận, từ khi sinh ra đến năm 7 tuổi không biết nói, không biết đi, không biết đứng. Đến năm 8 tuổi, tự nhiên Bà biến mất, sau đó hiển linh tại vị trí miếu An Lạc ngày nay.