Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH VẠN THẠNH

06/04/2018 00:00        
Đọc tin

Đình tọa lạc tại số 94 đường Sinh Trung, khóm Vạn Lợi, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Vạn Thạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua sắc phong sớm nhất của đình là Tự Đức tam niên (1850), thì đình có thể được khởi dựng vào trước năm 1850.
Hiện nay, đình còn lưu giữ 12 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc Tự Đức năm thứ 3 (1850) phong cho Bạch Mã;
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bạch Mã;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Bạch Mã và Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bạch Mã.

Đình tọa lạc dưới chân núi Sinh Trung, mặt sau đình tựa núi, mặt trước hướng ra không gian rộng, đình quay theo hướng Đông Nam, bên trái có tảng đá lớn được bao phủ bởi tán cây si rộng, cùng với hệ mái của đình có cổ lầu tạo cho di tích nét cổ kính. Ngôi đình nổi bật với các mảng đắp phù điêu tinh xảo, cầu kỳ.


Đình Vạn Thạnh 

Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Nghi môn và tường bao; Sân đình xây bằng gạch thẻ mặt láng xi măng; Đại đình: Kết cấu tường bao xây bằng đá bọt (một dạng giống đá ong) kết hợp gạch, vôi vữa xi măng, khung bên trong bằng gỗ, vì nóc có kết cấu vì kèo. Đại đình có kết cấu kiểu chữ “二”  (Nhị), gồm hai phần tiền tế và chính điện, đầu mái (giọt gianh). Tiền tế và chính điện được kết nối với nhau bằng máng chảy; nhưng nhìn tổng thể của di tích với hai ngôi miếu ở hai bên (bên phải là miếu Thiên Y A Na, bên trái là miếu Liệt sĩ) thì đại đình có kết cấu kiểu chữ “丁” (Đinh). Nhà thờ Tiền hiền, Hậu hiền, nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, nhà có hai phần, phần trước không xây tường bao, dùng làm nơi hội họp, phần phía trong ngăn đôi, bên phải làm nơi ở của từ đình (người trông coi), bên trái làm nơi thờ Tiền hiền, Hậu hiền; Miếu Cô được xây phía sau đình, miếu xây nhỏ kiểu am, bên trong bài trí đơn giản, đặt các đồ thờ cúng gồm chân đèn, lư hương, đĩa bồng bằng gốm.

Di tích hiện nay được bảo quản tốt, còn giữ được nét kiến trúc ban đầu; trải qua thời gian đình được trùng tu nhiều lần, trong đó các lần trùng tu lớn vào các năm 1928, năm 2000 và năm 2014.

Hàng năm, đình Vạn Thạnh cúng Xuân và cúng Thu “Xuân kỳ Thu tế”; đại lễ tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch.

Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, ngày 24 tháng 3 năm 2006 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND xếp hạng đình Vạn Thạnh là Di tích cấp tỉnh.

Hoàng Quý 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH ĐẮC LỘC
Đình Đắc Lộc tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 1.646,8 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Đắc Lộc có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, võ ca, đình, miếu Tiền hiền, miếu chiến sĩ, nhà túc, mộ Tiền hiền.
ĐÌNH PHÚ XƯƠNG
Đình Phú Xương được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ hào lão kể lại: đình Phú Xương xưa thuộc thôn Phú Toàn (sau đổi thành Phú Nhơn, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa). Đầu tiên đình do năm dòng tộc (Trần, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Lâm) trong làng xây dựng tại gò Bà Đỡ (nay là thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc) và lấy tên làng Phú Toàn làm tên đình.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH LƯƠNG SƠN
Đình Lương Sơn được xây dựng vào thế kỷ XX ở lỗ Chang Chang và các cụ hào lão vẫn thường hoài niệm về di tích mỗi khi nhắc đến cây sung cổ thụ ở chợ Vĩnh Lương. Năm 1911, hào lão trong làng đã họp bàn và thống nhất dời đình về tại địa điểm hiện nay.
ĐỀN HÙNG VƯƠNG
Với tấm lòng ghi nhớ tổ tiên, nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã đồng tâm xây dựng Đền Hùng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với vị vua có công lớn khai sinh ra dân tộc Việt, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
ĐÌNH PHƯỚC HẢI
Đình Phước Hải là một trong những ngôi đình cổ tồn tại đã hơn 200 năm. Di tích đã gắn bó với bà con làng Phước Hải từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Hiện nay, di tích còn lữu giữ được kiến trúc mang đậm dấu ấn đầu triều Nguyễn; không những vậy, đình Phước Hải còn là bằng chứng chân thật đánh dấu quá trình lịch sử vẻ vang của địa phương; lễ hội truyền thống của đình vẫn được diễn ra hàng năm với đầy đủ các nghi thức.
CHÙA HỘI PHƯỚC
Chùa Hội Phước (chùa Cát) được chọn là nơi tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh đã thể hiện tinh thần yêu nước của chư tăng và phật tử, thể hiện tinh thần một lòng hướng về cách mạng, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong điều kiện phong trào cách mạng đang ở giai đoạn trứng nước.
VĂN CHỈ VĨNH XƯƠNG
Văn chỉ Vĩnh Xương là một tòa nhà có bố cục kiểu chữ “nhất” với Tiền tế ở phía trước và Chính điện ở phía sau. Hệ thống chịu lực chính của Văn chỉ là các trụ cột, chân cột đứng trên tảng đá vừa tạo thế vững chắc vừa bảo vệ cột gỗ qua thời gian.
ĐÌNH NGỌC HỘI
Đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
ĐÌNH XUÂN SƠN
Đình Xuân Sơn là nơi tụ họp của phong trào Việt Minh, trong đó có ông Huỳnh Ngọt làm Xã Đội trưởng, sau đó ông bị Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo 5 năm và bị đày đi biệt xứ 10 năm ở Ninh Thuận. Đầu năm 1946, phòng tuyến số 1 Nha Trang bị vỡ, một bộ phận bộ đội Việt Minh kéo về đình Xuân Sơn để củng cố lực lượng cho Mặt trận Cây Da - Quán Giếng.