Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH ĐẮC LỘC

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Đắc Lộc tọa lạc tại thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Về làng Đắc Lộc: Theo Nguyễn Đình Đầu, công cuộc đạc điền và lập địa bạ ở Khánh Hòa năm 1810, thôn Đắc Lộc có tên xã An Lộc, tổng Hạ, huyện Hoa Châu, phủ Diên Khánh[1]. Từ triều vua Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) đến triều vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), xã An Lộc đổi tên thành xã Thiên Lộc, huyện Phước Điền[2]. Đến đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), xã Thiên Lộc đổi thành xã Đắc Lộc, tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh.

Sau khi làng xóm dần đi vào ổn định, để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho dân làng, ông Phan Văn Minh cùng nhân dân trong làng đóng góp công sức và tiền của xây dựng đình làng Đắc Lộc. Ghi nhận và biết ơn những đóng góp của những người có công đối với làng, dân làng đã tôn ông Phan Văn Minh làm Tiền hiền của làng vào triều vua Minh Mệnh năm thứ 3 (1822), đồng thời lập miếu thờ trong khuôn viên đình Đắc Lộc.

Về niên đại đình: Căn cứ vào sắc phong sớm nhất mà vua Thiệu Trị năm thứ 03 (1843) ban tặng cho làng Đắc Lộc, ta có thể xác định niên đại tương đối của đình là vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Đình Đắc Lộc đã trải qua nhiều lần tu bổ và thay đổi vị trí sau:
- Lúc mới thành lập, đình được dựng ở phía Đông Bắc của làng trên một gò đất có tục danh là Gò Cây Mét. Theo lời của hào lão địa phương, do đình tọa lạc ở vị trí không thuận lợi gây nhiều thiệt hại (dịch bệnh, mất mùa, việc thi cử không đỗ đạt…) cho dân làng. Vì vậy, nhân dân trong làng đã dời đình về phía Tây (cách vị trí cũ khoảng 200m), lúc này, đình chỉ làm một gian với vật liệu tre nứa lá đơn sơ.
- Trước kia, nhà thờ Tiền hiền được dựng trên một gò đất cao về phía Tây Nam của làng Đắc Lộc, có tục danh là “ruộng Anh Đài”. Năm 1946, do bị thực dân Pháp chiếm làm đồn nên dân làng đã dời nhà thờ Tiền hiền về đình để phụng thờ.
- Năm 1957, nhân dân trong làng tiếp tục dời đình về phía Tây Bắc, cách vị trí cũ khoảng 1km, cách chân núi Hòn Chùa 100m về phía Đông; lần này, đình được xây dựng bề thế hơn, tường bằng gạch, mái lợp ngói âm dương.
- Năm 2000, xây dựng võ ca và nhà túc.
- Năm 2003, xây cổ lầu ở chính điện, thay các cấu kiện gỗ bị hỏng, lợp lại mái ngói.

Đình Đắc Lộc thờ Thành Hoàng làng, Bạch Mã, Tiền hiền ... Hiện nay, đình Đắc Lộc còn lưu giữ 04 sắc phong cho thần Bạch Mã do các vua triều Nguyễn ban tặng gồm: 2 sắc Thiệu Trị năm thứ 03 (1843), 1 sắc Tự Đức năm thứ 03 (1850) và 1 sắc Khải Định năm thứ 09 (1924).

Đình Đắc Lộc tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 1.646,8 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Đắc Lộc có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, võ ca, đình, miếu Tiền hiền, miếu Chiến sĩ, nhà túc, mộ Tiền hiền.

Mặt bằng tổng thể đình Đắc Lộc

 

Hàng năm, nhân dân trong thôn Đắc Lộc tổ chức lễ hội cúng Xuân vào tháng 3 âm lịch. Theo thông lệ, cứ “tam niên đáo lệ”  dân làng lại tổ chức hát bội một lần. Ngoài ra, trong năm đình Đắc Lộc còn có các lễ cúng khác như sau: cúng 3 ngày Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, Tết Đoan ngọ, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười.

- Trước cách mạng tháng Tám năm 1945: Do vị trí đình Đắc Lộc ở nơi hoang vu, ít người qua lại (lúc này đình còn ở Gò Cây Mét), Việt Minh xã Vĩnh Phương đã lấy địa điểm đình Đắc Lộc làm nơi họp bàn và thành lập Ban chủ nhiệm Việt Minh xã.

- Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945: Ngày 19/8/1945, thị xã Nha Trang từ nội thành đến ngoại ô đều đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền. Đêm 19/8/1945, sau khi cướp chính quyền thành công, quần chúng nhân dân tập trung tại đình Đắc Lộc để nghe tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến và chính quyền thuộc về nhân dân.

- Giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ: Đình Đắc Lộc là nơi thành lập Trung đội dân quân tự vệ gồm 21 người có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng vùng ven Nha Trang. Ngoài ra, đình Đắc Lộc còn là nơi thành lập chính quyền thôn, nơi tập trung lúa gạo nuôi quân và là địa điểm tạm trú cho đồng bào ở Nha Trang để chuẩn bị đánh thực dân Pháp đổ bộ vào Nha Trang.

Ngày 06/01/1946, đình Đắc Lộc là nơi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946, bom đạn của thực dân Pháp đã làm đình bị hư hỏng nặng, dấu tích còn lại là vết đạn trên 2 cây cột hiện đang được dựng ở nghi môn của đình Đắc Lộc. Thời kỳ chống Mỹ, đình Đắc Lộc vẫn là cơ sở cách mạng, nơi hội họp, tiếp tế lương thực của quân và dân làng Đắc Lộc.

Ngày 23/3/2009, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 647/QĐ-UBND xếp hạng Đình Đắc Lộc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                           Trần Thị Thanh Loan

[1] Nguyễn Đình Đầu (1997),  Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb.HCM, Tp. Hồ Chí Minh, tr.89.
[2] Căn cứ vào sắc phong được các vua triều Nguyễn ban tặng cho làng được thờ tại đình Đắc Lộc.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH TRƯỜNG ĐÔNG
Đình Trường Đông tọa lạc ở Tổ dân phố 2 Trường Đông, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình Trường Đông toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, quay về hướng Tây Nam, lấy cửa biển Cù Huân (cửa bé) làm “Tiền án”, lưng dựa vào ngọn núi Chụt vững chãi. Đình có tổng diện tích 1.124.9 m2 gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, đình, lăng, miếu Tiền hiền, miếu Thiên Y, miếu Các bác….
ĐÌNH PHÚ NÔNG
Đình Phú Nông là một ngôi đình cổ của vùng đất Khánh Hòa, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là về giá trị lịch sử, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
ĐÌNH BÌNH TÂN
Đình Bình Tân, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XIX là một trong những ngôi đình cổ trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Nha Trang nói riêng. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ven sông Bình Tân (cửa Bé). Ngôi đình như là một minh chứng cho sự tồn tại của làng Bình Tân, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã sáng tạo và lưu truyền cho hậu thế.
ĐÌNH PHÚ XƯƠNG
Đình Phú Xương được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ hào lão kể lại: đình Phú Xương xưa thuộc thôn Phú Toàn (sau đổi thành Phú Nhơn, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa). Đầu tiên đình do năm dòng tộc (Trần, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Lâm) trong làng xây dựng tại gò Bà Đỡ (nay là thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc) và lấy tên làng Phú Toàn làm tên đình.
ĐÌNH ĐỒNG NHƠN
Đình Đồng Nhơn ra đời đến nay khoảng hơn 200 năm, tức là khoảng cuối thế kỷ XVIII. Lúc đầu đình được xây dựng ở phía Đông Bắc làng Đồng Nhơn, trên đất Bà Hàn. Sau đó, đình bị hư hỏng và cũng do không thuận tiện thờ cúng, ông bà Đoàn Văn Bố đã hiến một lô đất cao ráo giữa làng, đóng góp công của để làm lại đình.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH LƯƠNG SƠN
Đình Lương Sơn được xây dựng vào thế kỷ XX ở lỗ Chang Chang và các cụ hào lão vẫn thường hoài niệm về di tích mỗi khi nhắc đến cây sung cổ thụ ở chợ Vĩnh Lương. Năm 1911, hào lão trong làng đã họp bàn và thống nhất dời đình về tại địa điểm hiện nay.
ĐỀN HÙNG VƯƠNG
Với tấm lòng ghi nhớ tổ tiên, nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã đồng tâm xây dựng Đền Hùng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với vị vua có công lớn khai sinh ra dân tộc Việt, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
ĐÌNH VẠN THẠNH
Đình Vạn Thạnh tọa lạc dưới chân núi Sinh Trung, mặt sau đình tựa núi, mặt trước hướng ra không gian rộng, đình quay theo hướng Đông Nam, bên trái có tảng đá lớn được bao phủ bởi tán cây si rộng, cùng với hệ mái của đình có cổ lầu tạo cho di tích nét cổ kính. Ngôi đình nổi bật với các mảng đắp phù điêu tinh xảo, cầu kỳ.
ĐÌNH PHƯỚC HẢI
Đình Phước Hải là một trong những ngôi đình cổ tồn tại đã hơn 200 năm. Di tích đã gắn bó với bà con làng Phước Hải từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Hiện nay, di tích còn lữu giữ được kiến trúc mang đậm dấu ấn đầu triều Nguyễn; không những vậy, đình Phước Hải còn là bằng chứng chân thật đánh dấu quá trình lịch sử vẻ vang của địa phương; lễ hội truyền thống của đình vẫn được diễn ra hàng năm với đầy đủ các nghi thức.