Di tích đình Bình Tân tọa lạc ở Tổ dân phố 1 Bình Tân, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha trang, tỉnh Khánh Hòa. Vào đầu triều Nguyễn là một phần đất của Cồn Giữa thôn Bến Đò, thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh.
Cách đây vài trăm năm một bộ phận dân cư người Việt các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên theo đường biển vào ven sông cửa Bé đóng trại cất nhà. Về sau dân cư đông đúc họ quy tụ thành làng, thành ấp xây dựng đình để có nơi nhân dân thờ cúng. Nghề nghiệp chủ yếu của cư dân ở đây là đánh cá, vì vậy vị thần họ tôn thờ là Thần Nam Hải (cá Voi). Đình Bình Tân không rõ được xây dựng chính xác vào năm nào nhưng căn cứ vào các sắc phong được ban tặng sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) còn lưu giữ tại đình, có thể khẳng định ít nhất đình ra đời đầu thế kỷ XIX.
Từ khi xây dựng đến nay, đình Bình Tân đã trải qua những lần tu bổ sau:
- Ban đầu đình được làm đơn sơ nhà tranh, vách đất. Năm 1925, đình tu bổ, lợp ngói âm dương.
- Năm 1956, Ban vận động gồm các cụ: Mai Đồng, Võ Tha, Huỳnh Đàm, Nguyễn Hóng, Lê Kim Thinh, Phù Lợi vận động bà con nhân dân góp công, của tu bổ đình, lợp lại ngói móc, tráng nền xi măng, vách tô hồ xi măng.
- Năm 1989, đình xuống cấp, ông Nguyễn Học đứng ra thành lập Ban vận động tu bổ với sự đóng góp của bà con nhân dân đình được tu bổ các hạng mục, công trình gồm: lợp lại ngói, tu sửa nghi môn và án phong, xây tường rào mặt tiền và rào ba mặt sau, sơn quét vôi toàn bộ di tích.
- Năm 1996, tu bổ nhà Tiền hiền.
- Năm 1998, tu sửa lại ngói, nâng nền đình.
- Năm 2003, xây tường rào bao quanh.
- Năm 2013, với sự đóng góp của nhân dân cùng với sự hỗ trợ kinh phí của thành phố Nha Trang, đình Bình Tân tiến hành đại tu bổ.
Đình Bình Tân tọa lạc trên một khuôn viên rộng, bằng phẳng, với diện tích 943.5 m2, quay về hướng Đông Nam trông ra cửa Bé (cửa sông Bình Tân). Hướng và thế đất của đình phù hợp với không gian, cảnh quan của di tích.
Hiện nay, tổng thể đình Bình Tân mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX, xây dựng theo kiểu chữ Tam (三); các hạng mục, công trình gồm: Nghi môn, án phong, võ ca, tiền tế, chính điện, miếu Nam Hải, miếu Ngũ hành và miếu Tiền hiền.
Đình Bình Tân thờ: Thành Hoàng, Ông Nam Hải, Ngũ hành, Tiền hiền…
Đình Bình Tân còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị, các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: sắc phong, câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, thanh la, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục tế lễ… đặc biệt hàng năm vào ngày tốt tháng Mười (Âm lịch) nhân dân lại tổ chức lễ cúng đình mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, ngoài phần lễ còn có phần diễn xướng dân gian (Hát bội) để phục vụ bà con nhân dân vui chơi, thưởng thức.
- Sắc Minh Mạng năm thứ 3 (1822) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Tự Đức năm thứ 3 (1850) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 02 (1887) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Duy Tân năm thứ 03 (1909) phong cho thần Nam Hải;
- Sắc Duy Tân năm thứ 05 (1911) phong cho Bản cảnh Thành hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 09 (1924) phong cho thần Nam Hải.
- Sắc Khải Định năm thứ 09 (1924) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
Một số sắc phong bảo lưu ở đình Bình Tân
Đình Bình Tân, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XIX là một trong những ngôi đình cổ trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Nha Trang nói riêng. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ven sông Bình Tân (cửa Bé). Ngôi đình như là một minh chứng cho sự tồn tại của làng Bình Tân, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã sáng tạo và lưu truyền cho hậu thế.
Kiến trúc gỗ với những hoa văn trang trí tinh xảo
Điểm nổi bật nhất của ngôi đình là hệ thống kiến trúc gỗ mang nét đặc trưng với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của địa phương vẫn còn được lưu giữ.
Với những giá trị tiêu biểu trên, di tích đình Bình Tân đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND, ngày 24/3/2006 xếp hạng là Di tích lịch – văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: