Đình Vĩnh Điềm tọa lạc tại khóm Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trước kia đình Vĩnh Điềm nằm ở thôn Vĩnh Điềm Thượng, là 1 trong 3 thôn của xã Vĩnh Điềm, phần cuối của Vĩnh Điềm Thượng nằm sát với ga Phú Vinh, có 1 dòng nước chảy từ bên dưới xuống làm xói lở phần đất xung quanh nên cụ Bùi Kỳ Phúng đã cùng dân làng dời đình về khu chợ Lầu (chợ Mới) thuộc thôn Vĩnh Điềm Hạ và đình tọa lạc từ đó đến nay.
Làng Vĩnh Điềm trước đây có tên gọi là làng Vĩnh An, năm 1831 được đổi là Vĩnh Điềm trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.
Đình có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 nhưng lần di dời về vị trí hiện nay vào đầu thế kỷ 19.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng hiện nay các cụ chỉ còn nhớ những năm: 1941, trùng tu võ ca; năm 1956 và 1957 sửa lại ngói đình, xây miếu thờ liệt sĩ; năm 2000 lát sân, thay ngói tây, xây tường bao, xây cổng; năm 2007, xây lại miếu tiền hiền ở vị trí mới, xây lại nghi môn.
Đình Vĩnh Điềm là công trình kiến trúc cổ được nhân dân dựng lên để thờ Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Sơn lâm, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong Mặt trận 23/10 Nha Trang – Khánh Hòa. Sân đình là nơi chôn cất các chiến sĩ trong trận đánh 23/10/1945.
Tiền hiền của làng là ngài Phan Đức Sở – người có công tạo dựng ngôi đình từ thưở ban sơ, con cháu ngài Tiền hiền họ Phan hiện còn lưu giữ gia phả và còn nhà thờ Thủy tổ họ Phan trong làng.
Đình Vĩnh Điềm quay hướng Nam, bao gồm 4 công trình chính sau: võ ca, đại đình, miếu Tiền hiền, nhà trù.
Mặt bằng tổng thể đình Vĩnh Điềm
Võ ca có kết cấu vì kèo trụ trốn với một bộ vì nóc có hai chiếc kẻ (kèo) ăn mộng vào nhau ở trên đỉnh nóc rồi tì lực xuống cột ở chính giữa, cột này đứng chân ở trung tâm của quá giang, bộ vì kèo đỡ lực của thanh thượng lương, năm thanh hoành ngang ăn mộng vào tường đỡ lực của hệ thống rui, mè chịu lực của hệ mái. Bờ nóc trang trí hình ảnh giao long (cá hóa rồng), phía ngoài các cột trang trí hình ảnh dơi (theo quan điểm triết học phương Đông, dơi tượng trưng cho ngũ phúc: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh).
Chánh điện là một kiến trúc mang đậm dấu ấn triều Nguyễn, hệ thống cột kèo, vì nóc, xà nách, xà hạ… đều được chạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ. Đặc biệt, đầu dư đều chạm hình đầu rồng, hoa cúc (một trong tứ linh, tứ quý), gần vì nóc có gắn 3 mảng chạm bằng gỗ cổ hình hổ phù, rồng, phượng…; đây là những mảng chạm vô cùng đặc sắc mang giá trị nghệ thuật cao.
Các ban thờ trong chính điện bằng gỗ, mặt ngoài chạm nổi khối hình tứ linh, tứ quý, hình ảnh cây bút, cuốn thư… đều mang ý nghĩa triết học phương Đông. Đây là một trong các ngôi đình đẹp nhất ở Khánh Hòa. Ngoài ra, đình còn có một hiện vật quý là long đình; đây là chiếc long đình được biết đến là một di vật có giá trị mỹ thuật, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... tiêu biểu, điển hình cho phong cách kiến trúc triều Nguyễn.
Đình Vĩnh Điềm xưa bề thế nhất trong vùng, hàng năm vào dịp cúng tế đình được đón các quan lại, chức sắc hàng tổng về dự lễ. Ngày nay, lễ hội được diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, có lệ rước sắc Bà Thiên Y A Na từ miếu Bà về đình.
Năm 2006, đình Vĩnh Điềm được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: