Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHÚ VINH

08/07/2019 00:00        
Đọc tin

Đình Phú Vinh tọa lạc tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa của Nguyễn Đình Đầu thì công cuộc đo đạc đất đai và lập sổ địa bạ trên toàn quốc diễn ra vào năm 1810. Vào thời điểm đó, thôn Phú Vinh có tên gọi “xã Phú Vinh, thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa[1]. Thuở ban sơ đi mở đất, để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân xã Phú Vinh lập miếu thờ Thành Hoàng ở gốc cây cổ thụ (tục gọi là miếu Chang Chang).

* Về niên đại, có hai dữ kiện khả tín nhất để xác định năm khởi dựng đình Phú Vinh: Một là, theo tài liệu thành văn của địa phương thì di tích được xây dựng vào năm 1888 do cụ Bùi Chiến và cụ Nguyễn Qúy là người có công lao lớn trong việc đóng góp công sức, tiền của và vận động nhân dân xây dựng đình làng[2]. Hai là, căn cứ vào sắc phong sớm còn được lưu giữ tại đình vào đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) ban tặng sắc phong cho xã Phú Vinh cho phép nhân dân thờ phụng Thành Hoàng làng tại đình Phú Vinh. Từ hai dữ kiện trên cho phép ta có thể đoán định niên đại tương đối của di tích là đầu thế kỷ XIX vì theo lẽ thường, muốn được triều đình phong kiến ban tặng sắc phong thì đình làng phải ra đời và tồn tại một thời gian nhất định rồi mới được vua phong sắc.

Sau khi đình làng được xây dựng xong, nhân dân thôn Phú Vinh đã tổ chức rước sắc phong ở miếu Thành Hoàng về thờ phụng.

Đình Phú Vinh

Đình Phú Vinh được dựng lên để thờ: Bản Cảnh Thành Hoàng, Tiền hiền, Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong…

Hiện nay, đình Phú Vinh còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị: 14 cặp liễn đối bằng gỗ, 13 bức Hoành phi và nhất là 05 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng, cụ thể:
- Sắc phong ngày 29 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 05 (1852);
- Sắc phong ngày 24 tháng 11 triều vua Tự Đức năm thứ 33 (1880);
- Sắc phong ngày 1 tháng 7 triều vua Đồng Khánh năm thứ 02 (1887);
- Sắc phong ngày 11 tháng 8 triều vua Duy Tân năm thứ 03 (1909);
- Sắc phong ngày 25 tháng 7 triều vua Khải Định năm thứ 09 (1924).

* Những lần tu bổ di tích: Từ khi xây dựng cho đến nay, đình Phú Vinh đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đó là vào các năm: 1938, 1958, 1969, 1974, 1997 và cuối 2014 đến đầu 2015.

* Về đơn nguyên kiến trúc : Mặt tiền đình Phú Vinh quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình bao gồm các đơn nguyên kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, võ ca, tiền tế, chính điện, miếu tiền hiền, nhà khách.

Hàng năm, đình Phú Vinh tổ chức lễ hội Xuân kỳ vào dịp tháng 02 âm lịch. Lễ hội diễn ra 2 ngày 1 đêm. Cứ 3 năm, đình lại được tổ chức đại lễ (có hát bội).

* Sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích[3]:
Trong phong trào Cần Vương (1885-1886) ở Khánh Hòa, ông Trịnh Phong[4] (làng Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) đã cùng với ông Nguyễn Khanh (làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung) và ông Trần Đường (làng Hiền Lương, xã Vạn Lương) đứng lên chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Trịnh Phong lập căn cứ ở vùng núi Xuân Sơn (núi Chín Khúc) để tập hợp lực lượng, luyện tập võ thuật và xây dựng chiến lũy dọc theo bờ biển Nha Trang. Bằng sự mưu trí, dũng cảm cùng với sự lãnh đạo tài tình, biết nắm bắt thời cơ của mình, Trịnh Phong được nghĩa quân phong làm Bình Tây Đại Tướng[5].

Mặc dù phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa thất bại, nhưng Trịnh Phong và các tướng lĩnh đã góp phần chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai. Ghi nhận những công lao đóng góp của Trịnh Phong - vị tướng đầu tiên của làng Phú Vinh và là một trong ba vị tướng tài trong phong trào Cần Vương Khánh Hòa, nhân dân xã Vĩnh Thạnh đã xây dựng mộ và thờ ông tại đình Phú Vinh để nhân dân trong làng bày tỏ lòng tôn kính và xem như một sự tri ân thiết thực nhất để hương hồn ông cảm thấy ấm lòng nơi miền cực lạc.

Trước năm 1945, đình Phú Vinh là nơi liên lạc, hội họp của một số cán bộ Việt Minh ở Khánh Hoà. Sau cách mạng tháng Tám 1945, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến ở Mặt trận Nha Trang-Khánh Hoà, các đơn vị bộ đội Nam tiến đã sử dụng đình Phú Vinh làm nơi đóng quân của bộ đội ta và nhân dân địa phương đã nhiệt tình đóng góp lương thực nuôi quân. Đình Phú Vinh vừa là nơi làm lễ xuất phát đánh địch ở Nha Trang, đồng thời cũng là nơi bộ đội ta rút về nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đình Phú Vinh còn là nơi quân dân ta huấn luyện võ thuật để phục vụ cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà (từ 23-10-1945 đến đầu tháng 2-1946).

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954): đình Phú Vinh là địa điểm liên lạc của các chiến sĩ cách mạng tỉnh Khánh Hoà và là địa điểm họp Ủy ban kháng chiến Việt Minh, là nơi tập trung nhân dân để mitting, biểu tình chống thực dân xâm lược.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), đình Phú Vinh là cơ sở bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng như: đồng chí Bùi Hồng Thái, Nguyễn Dân…Năm 1974, chiến tranh đã hủy hoại toàn bộ ngôi đình, nhân dân đã tiến hành đại tu bổ, gần 1 năm sau mới hoàn thành. Tuy tiến hành tu bổ trong thời gian chiến tranh, thiếu thốn mọi mặt nhưng nhân dân địa phương đã có ý thức cao trong việc giữ lại các yếu tố, cấu kiện gốc của di tích.

Đình Phú Vinh là một trong những ngôi đình cổ ở vùng đất Khánh Hòa, nơi lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 18/11/2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND xếp hạng Đình Phú Vinh là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Trần Thị Thanh Loan   

[1] Nguyễn Đình Đầu (1997),  Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.92.
[2] Đảng bộ xã Vĩnh Thạnh (2008), Lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Thạnh (1930 – 2005), Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, Khánh Hòa, tr.14.
[3] Đảng bộ xã Vĩnh Thạnh (2008), sđd, tr.14.
[4] Là một trong ba nhân vật trong “Khánh Hòa tam kiệt”.
[5] Huỳnh Chương Nhiệm (2001), “Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa” , Tạp chí Xưa và Nay, số 86, tr.12.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH - LĂNG TRƯỜNG TÂY
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng tây là nghi môn của đình và cổng đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, tiền tế và chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng .....
ĐÌNH PHƯƠNG SÀI
Đình Phương Sài được xây dựng từ năm nào không ai rõ, nhưng theo các cụ bô lão kể lại khi xây dựng đình chỉ là mái tranh, dựng bằng cột gỗ tròn và quay về hướng Đông Bắc, lấy sông Sài (sông Củi) làm “tiền thủy” và núi Trại Thủy làm “hậu sơn” theo quy luật phong thủy của người xưa.
ĐÌNH – LĂNG CÙ LAO
Đình – lăng Cù Lao quay hướng Nam, được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.222,8 m2 . Đình đã được tu bổ, tôn tạo vào năm 2002, kiến trúc vẫn giữ lại những nét truyền thống của mái đình truyền thống ở Khánh Hòa: đình có cổ lầu, kết cấu bộ khung gỗ, có vì kèo, một số đầu dư, cột đình được chạm trổ hoa văn tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”…
ĐÌNH XƯƠNG HUÂN
Đình Xương Huân được xây dựng trong khuôn viên khép kín, có tổng diện tích là 16.749 m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Đình gồm các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, võ ca, Tiền tế, chính điện, miếu Thiên Y A Na, hội trường, nhà bia Liệt sỹ của phường.
ĐÌNH VÕ CẠNH
Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “Di lập Ất Hợi – 1815”.
ĐÌNH VĨNH CHÂU
Đình Vĩnh Châu tọa lạc thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cuối thế kỷ XVIII, nhân dân nơi đây tạo dựng ngôi đình Vĩnh Châu. Ban đầu đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1965, toàn bộ ngôi đình được xây dựng lại. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, UBND xã Vĩnh Hiệp làm việc tại đình Vĩnh Châu.
MIẾU THIÊN HẬU HẢI NAM
Miếu Thiên Hậu Hải Nam do những người Việt gốc Hoa vùng Hải Nam sang sinh sống và làm ăn tại Vĩnh Điềm xây dựng lên để thờ bà Thiên Hậu. Dưới thời Nguyễn khu vực này thuộc thôn Đông An, xã Vĩnh An, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, trấn Bình Hòa.
ĐÌNH LƯ CẤM
Đình Lư Cấm tọa lạc tại số 27 hương lộNgọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình Lư Cấm được dựng khoảng cuối thế kỷ 19 (1874), trên nền móng của ngôi miếu bổn thợ để thờ Bổn cảnh Thành Hoàng, Tổ nghề gốm, Tiền hiền, Sơn lâm, Hà Bá, anh hùng liệt sĩ của địa phương.
ĐÌNH VĨNH ĐIỀM
Đình Vĩnh Điềm tọa lạc tại khóm Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Làng Vĩnh Điềm trước đây có tên gọi là làng Vĩnh An, năm 1831 được đổi là Vĩnh Điềm trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.
ĐÌNH XUÂN LẠC
Đình Xuân Lạc trước đây có tên gọi là Linh Sơn đình. Sau đó, đình bị hoả hoạn làm hư hỏng vào năm 1788. Đến năm Tự Đức thứ 20 (1866), đình được tu bổ do công của vị Tiền hiền Võ Triều Phủ cùng nhân dân làng Xuân Lạc. Hiện nay, phần mộ của ông Võ Triều Phủ và vợ là bà Lê Thị Diên hiện vẫn còn, nằm trong khuôn viên đất họ Võ.