Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH XƯƠNG HUÂN

03/11/2020 00:00        
Đọc tin

Đình Xương Huân tọa lạc tại số 10 đường Bến Chợ, thuộc Tổ dân phố Duy Hà 2,  phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

* Nguồn gốc di tích

Theo tài liệu còn ghi chép thì công cuộc đạc điền và lập địa bạ ở Khánh Hòa được thi hành vào năm 1810. Vào thời điểm đó, phường Xương Huân có tên là Cù Huân Thượng phụ lũy thôn (tên Nôm là xứ Cồn Nổi) thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, trấn Bình Hòa[1].

Tên gọi “Cù Huân Thượng phụ lũy thôn” được duy trì qua các đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị (năm thứ 3). Đến đời vua Tự Đức năm thứ 3, tên gọi Cù Huân Thượng phụ lũy thôn đổi thành “Minh Huân thôn”. Đến đời vua Đồng Khánh năm thứ 2 thì Minh Huân thôn đổi thành “Xương Huân thôn”. Sau này, đơn vị hành chính cấp thôn còn tiếp tục có sự thay đổi nhưng tên gọi “Xương Huân” thì vẫn được giữ nguyên từ đó đến nay.

Đình Xương Huân

Về niên đại, căn cứ vào sắc phong sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) còn lưu giữ tại đình, có thể khẳng định: Đình được xây dựng muộn nhất cũng vào thời vua Gia Long (1802-1819). Người có công lớn trong việc tạo lập đình làng là cụ Nguyễn Phương Nam, cùng với sự hiến đất là công sức và tiền của mà cụ đóng góp để ngôi đình Xương Huân được ra đời nên dân làng suy tôn cụ là bậc Hậu hiền và được liệt thờ tại chính điện sau khi cụ qua đời.

Hiện nay, đình Xương Huân còn lưu giữ được 12 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:
- Triều vua Minh Mạng thứ ba (1822) phong cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Tự Đức thứ 3 (1850) phong cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Tự Đức thứ 33 (1880) phong cho Nam hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Đồng Khánh thứ 2 (1887) phong cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Thành Thái thứ 2 (1890) phong cho Cao Các tôn thần.
- Triều vua Thành Thái thứ 2 (1890) phong cho Thành Hoàng chi thần.
- Triều vua Duy Tân thứ 3 (1909) phong cho Cao Các Thượng đẳng thần, Thành Hoàng chi thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần.
- Triều vua Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Cao Các tôn thần.
- Triều vua Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Nam Hải Ngọc Lân tôn thần.
- Triều vua Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng tôn thần.

Đình Xương Huân thờ Thành Hoàng làng, Tiền hiền - Hậu hiền, Thiên Y A Na, Anh hùng Liệt sỹ, thần Nam Hải (Lăng Nam Hải[2] hiện nay tọa lạc tại số 6 Lê Lợi, Nha Trang).

Đình Xương Huân đã trải qua những lần trùng tu, sữa chữa cụ thể như sau: đầu thế kỷ XIX, 1934, 1961, 2016.

* Kiến trúc đình Xương Huân
Đình Xương Huân được xây dựng trong khuôn viên khép kín, có tổng diện tích là 16.749 m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Đình gồm các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, võ ca, tiền tế, chính điện, miếu Thiên Y A Na, hội trường, nhà bia Liệt sỹ của phường.

Giống như đa số các đình làng trong toàn tỉnh Khánh Hòa, nét kiến trúc tiêu biểu nhất của di tích đình Xương Huân nằm ở gian Tiền tế - Chính điện. Điều đó được thể hiện qua kết cấu bộ khung gỗ cổ truyền, từ các cột gỗ đến các cấu kiện như kèo, đầu dư, thanh xuyên...được bào nhẵn bóng và chạm trổ tinh xảo hình đầu rồng (thanh xuyên hạ, kèo phụ, đấm phụ, khuyết phụ), đầu cá lý ngư (các thanh trính)...rồi đến trang trí các điển tích lấy chủ đề là các linh vật (rồng, cá lý ngư, lân, quy, phụng), Bát Tiên với các đề tài như “Bát Tiên ngồi đánh cờ” và phong cảnh, trận mạc...

Chính điện đình Xương Huân

Hàng năm, dân làng Xương Huân tổ chức lễ hội đình Xương Huân vào dịp “Xuân kỳ Thu tế”. Mùa Xuân cúng cầu an vào ngày 19/03 âm lịch; mùa Thu cúng giỗ các bậc Tiền hiền - Hậu hiền vào ngày 16/8 âm lịch. Theo định kỳ, cứ “Tam niên đáo lệ” đình làng tổ chức đại lễ (có hát bội).

Với những giá trị tiêu biểu, nổi bật về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của đình Xương Huân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2865/QĐ-UBND  ngày 11/11/2009 xếp hạng Đình Xương Huân là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                                      Trần Thị Thanh Loan

[1] Nguyễn Đình Đầu 1997: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa. - T.p Hồ Chí Minh: NXB thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Hàng năm vào ngày 23/6 và 25/12 (âm lịch) cúng giỗ Ông Nam Hải, ngày 22/6 âm lịch dân làng Xương Huân tổ chức lễ hội Cầu ngư tại miếu Cửa Biển (Cù Lao hạ, Vĩnh Thọ). Đình Xương Huân, Lăng Nam Hải và miếu Cửa Biển cùng một Ban quản lý.

Xem ảnh di tích 3D tại đâykhanhhoa360.vn/vi/Tourism/Places/3/djinh-xuong-huan.html

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                      

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH VĨNH HỘI
Đình Vĩnh Hội tọa lạc tại tổ 12 Vĩnh Hội, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH - LĂNG TRƯỜNG TÂY
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng tây là nghi môn của đình và cổng đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, tiền tế và chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng .....
ĐÌNH PHƯƠNG SÀI
Đình Phương Sài được xây dựng từ năm nào không ai rõ, nhưng theo các cụ bô lão kể lại khi xây dựng đình chỉ là mái tranh, dựng bằng cột gỗ tròn và quay về hướng Đông Bắc, lấy sông Sài (sông Củi) làm “tiền thủy” và núi Trại Thủy làm “hậu sơn” theo quy luật phong thủy của người xưa.
ĐÌNH – LĂNG CÙ LAO
Đình – lăng Cù Lao quay hướng Nam, được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.222,8 m2 . Đình đã được tu bổ, tôn tạo vào năm 2002, kiến trúc vẫn giữ lại những nét truyền thống của mái đình truyền thống ở Khánh Hòa: đình có cổ lầu, kết cấu bộ khung gỗ, có vì kèo, một số đầu dư, cột đình được chạm trổ hoa văn tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”…
ĐÌNH VÕ CẠNH
Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “Di lập Ất Hợi – 1815”.
ĐÌNH PHÚ VINH
Đình Phú Vinh vừa là nơi làm lễ xuất phát đánh địch ở Nha Trang, đồng thời cũng là nơi bộ đội ta rút về nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đình Phú Vinh còn là nơi quân dân ta huấn luyện võ thuật để phục vụ cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà (từ 23-10-1945 đến đầu tháng 2-1946).
ĐÌNH VĨNH CHÂU
Đình Vĩnh Châu tọa lạc thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cuối thế kỷ XVIII, nhân dân nơi đây tạo dựng ngôi đình Vĩnh Châu. Ban đầu đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1965, toàn bộ ngôi đình được xây dựng lại. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, UBND xã Vĩnh Hiệp làm việc tại đình Vĩnh Châu.
MIẾU THIÊN HẬU HẢI NAM
Miếu Thiên Hậu Hải Nam do những người Việt gốc Hoa vùng Hải Nam sang sinh sống và làm ăn tại Vĩnh Điềm xây dựng lên để thờ bà Thiên Hậu. Dưới thời Nguyễn khu vực này thuộc thôn Đông An, xã Vĩnh An, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, trấn Bình Hòa.
ĐÌNH LƯ CẤM
Đình Lư Cấm tọa lạc tại số 27 hương lộNgọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình Lư Cấm được dựng khoảng cuối thế kỷ 19 (1874), trên nền móng của ngôi miếu bổn thợ để thờ Bổn cảnh Thành Hoàng, Tổ nghề gốm, Tiền hiền, Sơn lâm, Hà Bá, anh hùng liệt sĩ của địa phương.
ĐÌNH VĨNH ĐIỀM
Đình Vĩnh Điềm tọa lạc tại khóm Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Làng Vĩnh Điềm trước đây có tên gọi là làng Vĩnh An, năm 1831 được đổi là Vĩnh Điềm trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.