Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH LƯ CẤM

16/08/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Lư Cấm tọa lạc tại số 27 hương lộ Ngọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trước đây, đình vốn là miếu Đào Nghệ  - thờ ông tổ làm nghề gốm. Làng Ngọc Hội và Lư Cấm có chung tên gọi là Ngọc Toản, do dòng họ Nguyễn khai phá, theo quy ước mỗi vùng muốn tách ra lập làng riêng thì phải đủ số đinh, vì vậy, khi làng đã đủ 7 hào lão và 41 tráng đinh thì dân trong vùng xin tách làng và làng Lư Cấm ra đời từ đó.

Khi tách làng thì đình của họ Nguyễn nằm ngay trên đất đình của làng Ngọc Hội bây giờ, họ Nguyễn bèn dời tất cả cây gỗ và đồ đạc trong đình về miếu bổn thợ và sửa sang thành đình Lư Cấm. Đình Lư Cấm được dựng khoảng cuối thế kỷ 19 (1874), trên nền móng của ngôi miếu bổn thợ để thờ Bổn cảnh Thành Hoàng, Tổ nghề gốm, Tiền hiền, Sơn lâm, Hà Bá, anh hùng liệt sĩ của địa phương.

Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng hiện đình không còn lưu giữ văn bản ghi lại niên đại, dân làng chỉ nhớ năm 1964 thay ngói âm dương thành ngói xi măng; năm 1970, trùng tu võ ca; năm 2003, nâng mái phần chính điện.

Hiện đình còn lưu giữ 03 sắc phong cho Đào Lư Nghệ (tổ nghề Gốm), gồm: sắc Thành Thái năm thứ 15(1898), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924).

Tọa lạc trên một khuôn viên khá bằng phẳng, rộng rãi, đình quay hướng Nam,  gồm 4 công trình kiến trúc chính: Võ ca, đại đình, miếu tiền hiền và nhà đông.

Võ ca là công trình được dựng lên dùng để tổ chức hát bội trong những ngày lễ hội.

Đại đình gồm 2 phần chính: Tiền tế và chánh điện. Tiền tế có kết cấu hai hàng chân cột gỗ hình tròn, trên các cột treo cặp liễn đối cổ. Xung quanh tiền tế để trống thông ra phía sân tạo không khí thoáng đãng. Chánh điện được thiết kế cổ lầu 2 tầng 8 mái; 3 cửa ra vào của chánh điện hoàn toàn bằng gỗ cổ, được tạo hình “thượng song hạ bản”. Chính điện treo cặp liễn đối do hương chủ Nguyễn Như Phương phụng cúng. Các cặp liễn đối khắc chữ Hán Nôm ca ngợi công đức thần và ca ngợi nghề truyền thống của làng; các cặp liễn đối và hoành phi do các vị chức sắc trong làng phụng cúng: Bá hộ thôn là Hoàng Chí, Lão nhiêu Nguyễn Văn Chí, Hồ Văn Chử, Thí sinh Trương Đức Sinh, Hương mục Hồ Quảng, Bá hộ Lê Đăng Tuyển...

Chính giữa chính điện là ban thờ Hội đồng, mặt trước trang trí hình “Cá chép hóa long”, sau là bộ Lỗ bộ, giáp tường hồi hai bên là ban thờ Tiền hiền, Hậu hiền, tiếp sau là ban thờ Sơn lâm, Hà Bá. Trong cùng là ban thờ Thần, hai bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1945 đồng chí Nguyễn Cường – cán bộ Trung ương về liên lạc với các ông: Nguyễn Biền, Nguyễn Măng, Nguyễn Từ Tri, Nguyễn Chánh hội họp tại đình Lư Cấm để bàn phương án và chuẩn bị tham gia trận đánh 23/10 Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa. Đình còn là nơi diễn ra các hoạt động phục vụ cách mạng: triệu tập quân, điều quân, bàn chiến thuật, chiến lược đánh Pháp, hội họp của các đồng chí hoạt động cách mạng.

Đình làng mở hội 2 ngày vào mùa Xuân, cúng lệ hàng năm vào ngày tốt trong tháng 3 âm lịch. Từ 3 năm trở lên do sự hưởng ứng của bà con nhân dân đóng góp để tổ chức hát Bội.

Năm 2007, đình  Lư Cấm được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1517QĐ- UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                   Nguyễn Thị Thúy Hằng

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH VÕ CẠNH
Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “Di lập Ất Hợi – 1815”.
ĐÌNH - LĂNG TRƯỜNG TÂY
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng tây là nghi môn của đình và cổng đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, tiền tế và chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng .....
ĐÌNH PHÚ VINH
Đình Phú Vinh vừa là nơi làm lễ xuất phát đánh địch ở Nha Trang, đồng thời cũng là nơi bộ đội ta rút về nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đình Phú Vinh còn là nơi quân dân ta huấn luyện võ thuật để phục vụ cho cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà (từ 23-10-1945 đến đầu tháng 2-1946).
ĐÌNH VĨNH CHÂU
Đình Vĩnh Châu tọa lạc thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cuối thế kỷ XVIII, nhân dân nơi đây tạo dựng ngôi đình Vĩnh Châu. Ban đầu đình được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1965, toàn bộ ngôi đình được xây dựng lại. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, UBND xã Vĩnh Hiệp làm việc tại đình Vĩnh Châu.
MIẾU THIÊN HẬU HẢI NAM
Miếu Thiên Hậu Hải Nam do những người Việt gốc Hoa vùng Hải Nam sang sinh sống và làm ăn tại Vĩnh Điềm xây dựng lên để thờ bà Thiên Hậu. Dưới thời Nguyễn khu vực này thuộc thôn Đông An, xã Vĩnh An, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, trấn Bình Hòa.
ĐÌNH VĨNH ĐIỀM
Đình Vĩnh Điềm tọa lạc tại khóm Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Làng Vĩnh Điềm trước đây có tên gọi là làng Vĩnh An, năm 1831 được đổi là Vĩnh Điềm trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.
ĐÌNH XUÂN LẠC
Đình Xuân Lạc trước đây có tên gọi là Linh Sơn đình. Sau đó, đình bị hoả hoạn làm hư hỏng vào năm 1788. Đến năm Tự Đức thứ 20 (1866), đình được tu bổ do công của vị Tiền hiền Võ Triều Phủ cùng nhân dân làng Xuân Lạc. Hiện nay, phần mộ của ông Võ Triều Phủ và vợ là bà Lê Thị Diên hiện vẫn còn, nằm trong khuôn viên đất họ Võ.
ĐÌNH TRƯỜNG ĐÔNG
Đình Trường Đông tọa lạc ở Tổ dân phố 2 Trường Đông, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình Trường Đông toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, quay về hướng Tây Nam, lấy cửa biển Cù Huân (cửa bé) làm “Tiền án”, lưng dựa vào ngọn núi Chụt vững chãi. Đình có tổng diện tích 1.124.9 m2 gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, đình, lăng, miếu Tiền hiền, miếu Thiên Y, miếu Các bác….
ĐÌNH PHÚ NÔNG
Đình Phú Nông là một ngôi đình cổ của vùng đất Khánh Hòa, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là về giá trị lịch sử, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
ĐÌNH BÌNH TÂN
Đình Bình Tân, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XIX là một trong những ngôi đình cổ trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Nha Trang nói riêng. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ven sông Bình Tân (cửa Bé). Ngôi đình như là một minh chứng cho sự tồn tại của làng Bình Tân, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã sáng tạo và lưu truyền cho hậu thế.