Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH VĨNH HỘI

28/12/2021 00:00        
Đọc tin

Đình Vĩnh Hội tọa lạc tại tổ 12 Vĩnh Hội, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Làng Vĩnh Hội trước kia có tên gọi là Chò Vò xứ (tên một ngọn núi trong làng) là một phần của làng Ngọc Toản[1]. Lúc bấy giờ, cả làng chỉ có từ 5 đến 7 nóc nhà, dân cư thưa thớt, nghèo khó. Dân làng Phương Sài (phường Củi) thường đưa gạo, củi sang hỗ trợ dân làng Vĩnh Hội; tên gọi “xóm Hộ” ra đời từ đó và tồn tại cho đến ngày nay[2].

Về niên đại, căn cứ vào bức hoành phi treo ở chính điện có nội dung “Đình Vĩnh Hội, Thành Thái Bính Ngọ Thu tạo [Làm vào mùa thu năm Bính Ngọ (1906), niên hiệu Thành Thái]. Từ đây, ta có thể đoán định đình Vĩnh Hội xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Hiện nay, đình Vĩnh Hội còn lưu giữ 3 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng, gồm:

- Sắc phong triều vua Duy Tân năm thứ 5 (1911) ban cho Bản cảnh Thành hoàng;

- Sắc phong triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Bản cảnh Thành hoàng;

- Sắc phong triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Bà Thiên Y A Na.

Đình Vĩnh Hội được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Thiên Y A Na, ngũ hành, tiền hiền, tiền bối, hậu bối.

Ban thờ bên trong Đình Vĩnh Hội 

Đình Vĩnh Hội tọa lạc trong khuôn viên với tổng diện tích 938,2m2, mặt tiền quay về hướng Đông Bắc. Đình Vĩnh Hội mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn, với kết cấu kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (), gồm các đơn nguyên kiến trúc như sau: Nghi môn, án phong, võ ca, bia di tích, miếu Sơn Lâm chúa tướng, đại đình (Tiền tế và chính điện), miếu tiền hiền, miếu Thiên Y A Na, miếu Ngũ hành, nhà khách, nhà bếp, nhà vệ sinh.

Trải qua thời gian, đình Vĩnh Hội xuống cấp và được nhân dân tu bổ vào các năm: 1953, 1961, 1969, 2018. Ban đầu, đình Vĩnh Hội được làm bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên như tranh tre, nứa lá. Theo thời gian, đời sống của người dân dần phát triển, các loại vật liệu cũ xuống cấp, dân làng tu sửa lại đình làng, tường được xây bằng gạch ghè ống; dấu tích loại gạch này hiện nay vẫn còn ở miếu tiền hiền và tường hồi chính điện.

Kết cấu kiến trúc của chính điện có hệ mái lợp ngói vảy, có cổ lầu, bờ nóc đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nhật”; vì nóc có kết cấu kiểu “vì kèo” với hai cột trốn “đầu tròn thót đáy”; các đầu dư chạm trổ hoa văn hình đầu rồng; hệ cửa làm theo kiểu "Thượng song hạ bản"... điểm nhấn trong kiến trúc đình Vĩnh Hội là hệ thống tường bao bằng gạch ghè ống, cùng với hệ thống cột gỗ chịu lực và bộ vì kèo đỡ hệ mái.

Đình Vĩnh Hội 

Lễ hội đình Vĩnh Hội hằng năm được dân làng tổ chức vào ngày tốt trong tháng 8 (Âm lịch). Ngoài ra, vào ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười, Ban Quản lý đình còn tổ chức cúng lễ tại di tích. Bên cạnh đó, ngày 25 tháng Chạp đình cúng tất niên và mở cửa đình từ ngày 30 đến mùng 7 Tết để dân làng đến hành lễ. Lệ thường, tam niên đáo lệ dân làng tổ chức đại lễ với đầy đủ phẩm vật, nghi thức truyền thống và có hát bội.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Vĩnh Hội là trụ sở đầu tiên của UBNDCM huyện Vĩnh Xương, trụ sở chỉ huy lúc bấy giờ đóng ở núi Chò Vò. Đình Vĩnh Hội còn là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, thuốc men chi viện cho Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa 101 ngày đêm đánh thực dân Pháp.[3] Lúc bấy giờ, phía sau đình trồng nhiều tre tầm vông dùng để làm gậy và cán lưỡi giáo - đây là một loại vũ khí thô sơ dùng để đánh giặc và canh gác bảo vệ dân làng. Phía sau miếu Tiền hiền là một lò rèn vũ khí của quân tự vệ làng chuyên rèn giáo, mác để dân quân tự vệ trong làng tham gia kháng chiến.

Đình Vĩnh Hội còn là nơi tập kết quân, nơi nghỉ ngơi, là bệnh viện dã chiến của thương bệnh binh trong Mặt trận 23/10/1945; là nơi nuôi giấu chiến sĩ cách mạng chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Từ sau năm 1975, đình trở thành nơi hội họp của nhân dân trong làng, cơ quan đoàn thể, nơi diễn ra các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.

Ghi nhận những giá trị của di tích đình Vĩnh Hội, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3479/QĐ-CT.UBND ngày 28/12/2020 xếp hạng đình Vĩnh Hội là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

TRẦN THỊ THANH LOAN

[1] Làng Ngọc Toản trước đó có tên Lâm Toản (xứ Gò Gốm, Gò Dê, Gò Gạch, Cây Me, Biên Sơn), thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, có địa giới hành chính: phía Đông giáp sông, phía Tây giáp thôn Hoa Nông và xã Xuân Sơn Thượng, phía Nam giáp thôn Hoa Nông và sông, phía Bắc giáp thôn Hội An và núi. Thời Gia Long diện tích thôn Lâm Toản là 63 mẫu. Sau đó, Lâm Toản được đổi thành Ngọc Toản. Qua nhiều lần chia tách, ngày nay các địa danh Ngọc Hội, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn đều thuộc thôn Ngọc Toản ngày trước [Nguồn: Nguyễn Đình Đầu (1997), “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn tỉnh Khánh Hòa”, tr. 256; Bia ghi chép về thôn Ngọc Toản”, Nguyễn Đình Lực, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 6/2008, trang 18].

[2] Ban chấp hành Đảng bộ phường Ngọc Hiệp (2018), Lịch sử cách mạng phường Ngọc Hiệp (1930 – 2010), Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, Nha Trang, tr. 24.

[3] Ban chấp hành Đảng bộ phường Ngọc Hiệp (2018), sđd, tr.54-55.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH - LĂNG TRƯỜNG TÂY
Đình – lăng Trường Tây có đặc điểm riêng không giống như nhiều di tích khác, đó là có hai cổng, thể hiện đặc thù của di tích: cổng tây là nghi môn của đình và cổng đông là nghi môn của lăng. Tuy nhiên, tiền tế và chính điện được quay hướng Đông, hướng chính của lăng Ông. Đình – lăng được xây dựng .....
ĐÌNH PHƯƠNG SÀI
Đình Phương Sài được xây dựng từ năm nào không ai rõ, nhưng theo các cụ bô lão kể lại khi xây dựng đình chỉ là mái tranh, dựng bằng cột gỗ tròn và quay về hướng Đông Bắc, lấy sông Sài (sông Củi) làm “tiền thủy” và núi Trại Thủy làm “hậu sơn” theo quy luật phong thủy của người xưa.
ĐÌNH – LĂNG CÙ LAO
Đình – lăng Cù Lao quay hướng Nam, được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.222,8 m2 . Đình đã được tu bổ, tôn tạo vào năm 2002, kiến trúc vẫn giữ lại những nét truyền thống của mái đình truyền thống ở Khánh Hòa: đình có cổ lầu, kết cấu bộ khung gỗ, có vì kèo, một số đầu dư, cột đình được chạm trổ hoa văn tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”…
ĐÌNH XƯƠNG HUÂN
Đình Xương Huân được xây dựng trong khuôn viên khép kín, có tổng diện tích là 16.749 m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Đình gồm các hạng mục công trình như sau: Nghi môn, võ ca, Tiền tế, chính điện, miếu Thiên Y A Na, hội trường, nhà bia Liệt sỹ của phường.
ĐÌNH VÕ CẠNH
Đình tọa lạc tại thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Võ Cạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua dòng lạc khoản ghi trên quá giang của đình, thì đình được di dời và khởi dựng lại ở vị trí hiện nay vào năm Ất Hợi (năm 1815); trên nghi môn của đình ghi “Di lập Ất Hợi – 1815”.