Đình Đồng Nhơn thuộc xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo các cụ hào lão, làng lúc đầu có tên gọi là làng Đồng Nhân, với ý nghĩa nhắc nhở con cháu đoàn kết, sống có nhân, có nghĩa. Người dân ở đây quen gọi Nhân thành Nhơn, lâu ngày thành quen miệng, nên bây giờ làng có tên là Đồng Nhơn và cũng là tên đình làng.
Đình Đồng Nhơn dưới thời Nguyễn thuộc thôn Đồng Nhơn, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Theo lời kể của các cụ hào lão: năm 1945, làng Đồng Nhơn có chưa đầy năm chục nóc nhà nằm bên chân núi Chín Khúc, thuộc dãy Hoàng Ngưu Sơn. Phía Đông Nam làng là làng Bút Sơn có gần hai chục nóc nhà. Làng Bút Sơn có một lăng lợp tranh vách đất. Năm 1943, dân làng Bút Sơn xây dựng lại bằng gạch ngói. Năm 1947, giặc Pháp bắt dân Bút Sơn phải tản cư nên dân làng đã mang bài vị lên đình Đồng Nhơn để cúng tế chung. Năm 1961, làng Đồng Nhơn và làng Bút Sơn sáp nhập thành ấp Đồng Sơn. Sau ngày thống nhất đất nước, ấp Đồng Sơn được gọi theo tên gọi cũ là làng Đồng Nhơn.
Đình Đồng Nhơn ra đời đến nay khoảng hơn 200 năm, tức là khoảng cuối thế kỷ XVIII. Lúc đầu đình được xây dựng ở phía Đông Bắc làng Đồng Nhơn, trên đất Bà Hàn. Sau đó, đình bị hư hỏng và cũng do không thuận tiện thờ cúng, ông bà Đoàn Văn Bố đã hiến một lô đất cao ráo giữa làng, đóng góp công của để làm lại đình. Đình Đồng Nhơn quay hướng Bắc, được xây dựng trong khuôn viên rộng 2408,4m2 .
Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Án phong, võ ca, đại đình, Miếu thờ Thiên Y A Na và Ngũ hành thần nữ, miếu Tiền hiền, nhà đông, ban thờ Thần nông.
Đình Đồng Nhơn thờ Thành hoàng, Cao Các, Thiên Y A Na, Ngũ hành thần nữ, Thần Nông, Sơn lâm, Tiền hiền, Hậu hiền, Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ của thôn.
Đến nay đình đã trải qua một số lần tu bổ:
- Lần thứ nhất: năm 1941, ông Lê Tiết lúc bấy giờ là Chánh tổng Trung Cát, là con cháu của làng Đồng Nhơn đã huy động công quỹ, công điền, công thổ và đóng góp của dân làng tu bổ đình. Lúc này, đình có ruộng công điền phục vụ cúng tế hàng năm ở vùng ruộng Cỏ Chát.
- Lần thứ hai: năm 1994, lợp lại ngói, quét vôi và kẻ vẽ trang trí lại cột, viết các câu đối trên cột gỗ trong đại đình, gắn hình rồng, phượng, cá chép hóa rồng, mây cách điệu trên hệ mái đình, miếu.
- Lần thứ ba: năm 2003, xây võ ca và láng xi măng sân đình, ban thờ Thần nông.
- Lần thứ tư: năm 2004, dân làng đóng góp và trích quỹ đình xây nhà đông.
Ngày nay, đình Đồng Nhơn còn gìn giữ được các câu đối, trống, mõ, bàn gỗ và có 06 sắc phong, các sắc đã bị mối mọt ăn nhiều chỗ, 04 sắc còn xem được còn hai sắc đã bị mối mọt ăn mục nát, bao gồm:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bản cảnh Thành hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bản cảnh Thành hoàng;
- Sắc. Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Bản cảnh Thành hoàng;
- Sắc Duy Tân năm thứ nhất (1907) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
Theo truyền thống, cứ ba năm đình mở hội một lần, kéo dài trong ba ngày, có tổ chức hát bội. Hàng năm, đình tổ chức cúng Xuân vào tháng 3 âm lịch.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tại đình Đồng Nhơn đã diễn ra một số sự kiện lịch sử, trong đó có một số sự kiện tiêu biểu như:
Theo cuốn “Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa 23/10/1945 – 23/10/2000”: “Tiểu đội tự vệ chiến đấu làng Đồng Nhơn gồm mười anh em lứa tuổi mười tám đôi mươi…. Đội tự vệ chiến đấu làng Đồng Nhơn được thành lập. Đây là đội quân chủ lực của làng Đồng Nhơn, lực lượng sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng bổ sung cho Mặt trận.”; Trang 68: “… Thế là ngoài những buổi luyện tập ở đình làng với cây tầm vông xin của ông dượng thứ năm nhà bên cạnh, tôi dốc sức mài cái dao phay cho thành lưỡi kiếm.”; Trang 69: “… Hàng rào xương rồng cao, dày ngăn trường và đình được khoét nhiều quảng trống để dễ dàng vận động trong phạm vi bố trí phòng thủ.”[1]
Sau khi Mặt trận Nha Trang vỡ, Khánh Hòa bị giặc Pháp chiếm lại, ngày 10/2/1946 Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Vĩnh Xương về đóng tại nhà ông Mười Thơm ở làng Bút Sơn. Để bảo vệ cơ quan huyện, hạn chế việc đi lại sục sạo của bọn chỉ điểm, đình Đồng Nhơn được chọn làm nơi tập trung dân quân tuần tra canh gác ban đêm. Địch ở đồn Phú Vinh đã tập kích vào đình và tháng 5/1946 ông Trần Để - đội viên dân quân đã hy sinh tại đây.
8 giờ sáng mồng Một tết Mậu Thân 1968, theo kế hoạch đã định trước, gần 100 người là cơ sở cách mạng của Đồng Nhơn và Vĩnh Châu (xã Vĩnh Hiệp) mang theo khẩu hiệu, biểu ngữ, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam đã tập trung ở đình Đồng Nhơn, chuẩn bị kéo vào thị xã Nha Trang biểu tình. 8 giờ 30 phút đồng chí Nguyễn Xuân Minh[2] cán bộ cơ quan huyện phát biểu động viên bà con quyết tâm kéo vào Nha Trang phối hợp với đòn tấn công quân sự và các mũi đấu tranh chính trị khác để tấn công địch. Khi đồng chí Minh dùng trống đình đánh ba hồi trống xuất quân, đại bác ở đồn Phú Vinh nã dồn dập vào đình, nơi bà con tập trung khiến bà Nguyễn Thị Măng bị thương và cuộc biểu tình không thực hiện được.
Ghi nhận những giá trị tiêu biểu trên của di tích, ngày 18/11/2008, đình Đồng Nhơn được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số 2857/QĐ-UBND.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
[1] Theo hồi ký về 23/10 của ông Lưu Minh Khuê in trong “Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa 23/10/1945-23/10/2000” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Nha Trang năm 2000, trang 67 - 69.
[2] nay là cán bộ hưu trí ở phường Phương Sơn.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: