Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH BÍCH ĐẦM

02/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Bích Đầm tọa lạc phía Đông Bắc của tổ dân phố Bích Đầm (đây là khu dân cư nằm ở phía Đông - Bắc đảo Hòn Tre) thuộc phường Vĩnh Nguyên, T.P Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Khi lập làng gọi là Đầm Môn thôn, đến năm Gia Long thứ 10 (1811) là thôn Bãi Tre, năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đổi tên thành thôn Bích Đầm. Năm 1948, làng Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Làng đảo Bích Đầm do những ngư dân vùng Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) vào đây khai thác đánh bắt hải sản thành lập. Nhân dân quy tụ thành từng nhóm, từng ấp làm nghề đánh bắt hải sản… Để có một nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thờ tự những vị Thần phù trợ cho dân làng làm ăn sinh sống và những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp... theo các cụ bô lão kể lại, khoảng giữa thế kỷ XIX tạo dựng ngôi đình Bích Đầm.


Mặt trước đình Bích Đầm

Nhân dân nơi đây còn truyền tụng rằng: Xưa kia có bà Nguyễn Thị Mau gốc làng Hưng Lạc, tỉnh Bình Định do giận chồng, đã đưa người con trai là Trương Văn Cỏi lúc đó khoảng 9, 10 tuổi lên ghe xuôi vào Nam tới làng Phương Sài, Nha Trang, Khánh Hòa định cư. Sau ông Trương Văn Cỏi lớn lên lấy vợ là Phạm Thị Vơi người Bích Đầm, rồi đưa mẹ cùng ra sinh sống tại làng Bích Đầm. Tại đây, ông Trương Văn Cỏi đứng lên vận động và cùng nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng ngôi đình để thờ Thành Hoàng làng.

Đình Bích Đầm thờ Thành Hoàng làng, Bà Thiên Y A Na, Ông Nam Hải (cá Voi), các vị Tiền hiền, Hậu hiền… Đình còn là nơi hội họp, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư trong làng.

Trải qua thời gian, đình được nhân dân tu bổ nhiều lần từng phần nhỏ. Với tín ngưỡng của ngư dân vùng đất Nam Trung Bộ thờ ông Nam Hải (cá Voi) - là vị Thần Biển giúp ngư dân thuận buồm xuôi gió trong những lúc ra khơi đánh bắt hải sản. Trước kia không có điều kiện, nên nhân dân thờ ông Nam Hải, Tiền hiền - Hậu hiền chung trong chính điện với Thành Hoàng làng. Năm 2000, nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nhân dân đã xây dựng Lăng Ông và nhà thờ Tiền hiền - Hậu hiền riêng, nằm trong khuôn viên của di tích. Năm 2002, xây dựng thêm võ ca làm nơi hát bội cũng như hát lễ trong các ngày diễn ra lễ hội của đình. Năm 2009, đình đại trùng tu các hạng mục xuống cấp, màu sắc trang trí được tô vẽ lại khang trang hơn.

Đình tọa lạc trên khu đất rộng 540,3m2, mặt trước là đầm biển và vách núi Hòn Tre, mặt sau của đình là khu dân cư và vịnh Nha Trang, hồi phải của đình là khu dân cư và núi. Trước sân đình có 2 cây Bàng cổ thụ tán rộng, cùng với lối kiến trúc đặc thù của công trình kiến trúc đình làng ở Nam Trung Bộ, đặc biệt là các công trình đình, đền, miếu mạo ven biển phía Nam tạo cho ngôi đình nét cổ kính, uy nghi.

Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Nghi môn, võ ca, tiền tế, chính điện, lăng Ông, nhà thờ Tiền hiền - Hậu hiền, nhà đông, nhà tây.

Đình còn lưu giữ 05 đạo sắc phong do các đời vua triều Nguyễn (từ vua Đồng Khánh đến đời vua Khải Định) phong, cho phép nhân dân nơi đây tiếp tục thờ phụng các vị thần tại đình Bích Đầm:
1- Sắc Đồng Khánh thứ 2 (1887), phong cho ông Nam Hải.
2- Sắc Thành Thái thứ 13 (1901), phong cho Thành Hoàng.
3- Sắc Duy Tân thứ 3 (1909), phong cho Thiên Y A Na.
4- Sắc Khải Định thứ 9 (1924), phong cho Thiên Y A Na.
5- Sắc Khải Định thứ 9 (1924), phong cho Thành Hoàng.
Sắc phong của vua Đồng Khánh năm thứ 2 ( 1887) cho thần Nam Hải của đình Bích Đầm

Trước kia hàng năm dân làng tổ chức “Xuân kỳ Thu tế”, nhưng hiện nay cúng Xuân và cúng Thu hợp nhất lại vào ngày 28 tháng 03 âm lịch. Trước khi tổ chức tế lễ, có một đoàn ghe thuyền ra biển Đông để nghinh Ông Nam Hải về lăng Ông,  đoàn Bá Trạo hát lễ hầu Ông, tới giờ tốt thì cúng Thành Hoàng, cúng Tiền hiền, Hậu hiền và sau cùng cúng ông Nam Hải. Trong lễ hội thường có hát bội.

Hò bá trạo trong lễ hội cầu ngư tại đình Bích Đầm

Ghi nhận những giá trị về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của di tích ở làng đảo Bích Đầm, ngày 20/11/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2888/QĐ-UBND xếp hạng đình Bích Đầm là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

                                                                                                            Hoàng Quý

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                  

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 4
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH ĐẮC LỘC
Đình Đắc Lộc tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 1.646,8 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Đắc Lộc có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, võ ca, đình, miếu Tiền hiền, miếu chiến sĩ, nhà túc, mộ Tiền hiền.
ĐÌNH PHÚ XƯƠNG
Đình Phú Xương được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ hào lão kể lại: đình Phú Xương xưa thuộc thôn Phú Toàn (sau đổi thành Phú Nhơn, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa). Đầu tiên đình do năm dòng tộc (Trần, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Lâm) trong làng xây dựng tại gò Bà Đỡ (nay là thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc) và lấy tên làng Phú Toàn làm tên đình.
ĐÌNH ĐỒNG NHƠN
Đình Đồng Nhơn ra đời đến nay khoảng hơn 200 năm, tức là khoảng cuối thế kỷ XVIII. Lúc đầu đình được xây dựng ở phía Đông Bắc làng Đồng Nhơn, trên đất Bà Hàn. Sau đó, đình bị hư hỏng và cũng do không thuận tiện thờ cúng, ông bà Đoàn Văn Bố đã hiến một lô đất cao ráo giữa làng, đóng góp công của để làm lại đình.
ĐÌNH LƯƠNG SƠN
Đình Lương Sơn được xây dựng vào thế kỷ XX ở lỗ Chang Chang và các cụ hào lão vẫn thường hoài niệm về di tích mỗi khi nhắc đến cây sung cổ thụ ở chợ Vĩnh Lương. Năm 1911, hào lão trong làng đã họp bàn và thống nhất dời đình về tại địa điểm hiện nay.
ĐỀN HÙNG VƯƠNG
Với tấm lòng ghi nhớ tổ tiên, nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã đồng tâm xây dựng Đền Hùng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với vị vua có công lớn khai sinh ra dân tộc Việt, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
ĐÌNH VẠN THẠNH
Đình Vạn Thạnh tọa lạc dưới chân núi Sinh Trung, mặt sau đình tựa núi, mặt trước hướng ra không gian rộng, đình quay theo hướng Đông Nam, bên trái có tảng đá lớn được bao phủ bởi tán cây si rộng, cùng với hệ mái của đình có cổ lầu tạo cho di tích nét cổ kính. Ngôi đình nổi bật với các mảng đắp phù điêu tinh xảo, cầu kỳ.
ĐÌNH PHƯỚC HẢI
Đình Phước Hải là một trong những ngôi đình cổ tồn tại đã hơn 200 năm. Di tích đã gắn bó với bà con làng Phước Hải từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Hiện nay, di tích còn lữu giữ được kiến trúc mang đậm dấu ấn đầu triều Nguyễn; không những vậy, đình Phước Hải còn là bằng chứng chân thật đánh dấu quá trình lịch sử vẻ vang của địa phương; lễ hội truyền thống của đình vẫn được diễn ra hàng năm với đầy đủ các nghi thức.
CHÙA HỘI PHƯỚC
Chùa Hội Phước (chùa Cát) được chọn là nơi tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh đã thể hiện tinh thần yêu nước của chư tăng và phật tử, thể hiện tinh thần một lòng hướng về cách mạng, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong điều kiện phong trào cách mạng đang ở giai đoạn trứng nước.
ĐÌNH NGỌC HỘI
Đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
ĐÌNH XUÂN SƠN
Đình Xuân Sơn là nơi tụ họp của phong trào Việt Minh, trong đó có ông Huỳnh Ngọt làm Xã Đội trưởng, sau đó ông bị Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo 5 năm và bị đày đi biệt xứ 10 năm ở Ninh Thuận. Đầu năm 1946, phòng tuyến số 1 Nha Trang bị vỡ, một bộ phận bộ đội Việt Minh kéo về đình Xuân Sơn để củng cố lực lượng cho Mặt trận Cây Da - Quán Giếng.