Đình Ngọc Hội tọa lạc tại tổ 12, khóm Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Xưa kia, đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đình quay hướng Đông Nam, tổng diện tích khu đất 1.576,2m2; di tích gồm các hạng mục: nghi môn, án phong, võ ca, tiền tế, chính điện, miếu Tiền hiền, nhà khách, bếp.
Đình Ngọc Hội nay còn lưu giữ được tấm bia đá cổ màu trắng, có họa tiết hoa văn trang trí tinh tế, viết bằng chữ Hán Nôm, được lập năm Tự Đức thứ 13 (1860). Trên mặt bia ghi chép lại sự kiện quan trọng của làng Ngọc Toản.
Hàng năm, đình tổ chức “Xuân kỳ Thu tế” (cúng Xuân vào tháng 03 âm lịch và cúng Thu vào tháng 8 âm lịch), tùy năm chọn ngày tốt để tổ chức.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Ngọc Hội là nơi tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội chi viện Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa; là nơi lực lượng cách mạng hội họp, hoạt động bí mật.
Đình Ngọc Hội là địa điểm tập trung của quần chúng nhân dân địa phương đi biểu tình ngày 19/8/1945 giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân.
Để tăng cường cho Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945 – 02/02/1946), có nhiều đội quân Nam Tiến đã về Khánh Hòa trực tiếp tham gia chiến đấu như quân đội: Lê Trung Đình, Bắc Bắc… Các đơn vị từ Quảng Ngãi vào tiếp tế cho Mặt trận Nha Trang đóng tại khu Vườn Dừa gần đình. Đình Ngọc Hội là địa điểm nhân dân địa phương nấu cơm tiếp tế cho các đơn vị bộ đội chi viện cho Mặt trận Nha Trang.
Đến cuối tháng 01/1946 do lực lượng chênh lệch, quân ta phải rút theo tả ngạn sông Cái lên hầm xe lửa số 1 gần Cầu Sắt - Ngọc Hội. Sau đó, Mặt trận Nha Trang bị vỡ nên quân ta phải rút về vùng Diên Khánh. Khi lực lượng của ta rút đi, chùa Kim Sơn bị thực dân Pháp chiếm đóng, dựng đồn bốt. Trong một lần lục soát chùa chúng thấy có nhiều tài liệu giấy tờ liên quan đến cách mạng nên đã đem đốt hết, trong đó có 09 sắc phong của đình Ngọc Hội gửi tại chùa.
Thời kỳ chống Mỹ, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) đồng chí Trần Đình Giám cùng một đồng đội là Lê Văn Lục (đồng chí này đã hy sinh khoảng năm 1969 – 1970) lập một chốt bảo vệ tại đình Ngọc Hội sẵn sàng chi viện cho lực lượng cách mạng theo lệnh của Bộ chỉ huy do đồng chí Lê Tụng và Vũ Hồng Quân lãnh đạo.
Ghi nhận những giá trị lịch – văn hóa của di tích, năm 2008 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND xếp hạng đình Ngọc Hội là Di tích cấp tỉnh.
Hoàng Quý
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: