Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH VĨNH XUÂN

02/02/2018 00:00        
Đọc tin

Đình tọa lạc tại thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống. Dần dần nhân dân quy tụ thành làng ấp. Để có nơi thờ tự, phục vụ tín ngưỡng tâm linh, đến năm 1959, hào lão cùng nhân dân quyên góp tiền của xây dựng nâng cấp ngôi miếu thành ngôi đình để thờ Thành Hoàng làng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền (những người khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng...). Lúc đầu, dân làng chỉ xây dựng chính điện, tới năm 1964 - 1965 xây dựng tiền tế; năm 1970, xây dựng miếu Tiền hiền; năm 1995, xây dựng võ ca. Từ đó đến nay, nhân dân thường xuyên sơn sửa mỗi dịp lễ hội của đình, hoặc lễ tết cổ truyền.

 

Đình quay hướng đông, mặt trước là đường Phong Châu, xa xa ở hai bên là sông Tắc và sông Quán Trường. Ngôi đình có không gian cảnh quan rộng, thoáng mát, có cây cổ thụ lớn trong khuôn viên. Đình được trang trí với các mảng màu tươi sáng các hình ảnh thiên nhiên, hình tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai)… Bên trong đình được bài trí trang trọng, uy nghi với các ban thờ, từ khí, câu đối, chấn, trướng, trống, chiêng, lọng, các hình phù điêu đắp nổi trên bờ nóc, bờ dải, đầu trụ án phong…

Đình Vĩnh Xuân có kết cấu kiến trúc mang đậm nét truyền thống vùng đất Khánh Hòa nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung với kết cấu vì nóc đơn giản, trang trí chủ yếu bằng các mảng họa tiết hoa văn vẽ, đắp nổi, sắc sảo, tỷ mỷ, nhìn sống động, ngoại trừ Cổ lầu thì được chạm trổ, đắp nổi các hình trang trí như: “tứ linh” Long , Lân, Quy, Phụng, “ tứ qúy” Tùng, Cúc, Trúc, Mai, hoa sen, mây cách điệu… đặc biệt là võ ca rất lớn, là nơi tổ chức hát bội trong lễ hội truyền thống. Thông qua di tích có thể nghiên cứu lịch sử hình thành vùng đất, văn hóa, phong tục, tập quán của nhân dân trên mảnh đất này.

Đình còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cư dân của dân làng Vĩnh Xuân, là nơi thờ Thành Hoàng làng, Thiên Y A Na và phối thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, dựng lên xóm làng)...

Trước kia, hàng năm dân làng tổ chức “Xuân kỳ Thu tế”, nhưng hiện nay cúng Xuân và cúng Thu hợp nhất lại vào tháng 3 âm lịch, tùy năm mà chọn ngày tốt trong tháng 3. Thông qua lễ hội đình làng, giáo dục cho con cháu ứng xử có văn hóa với những người xung quanh, biết kính trên nhường dưới, yêu quê hương, xóm làng với tinh thần đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là địa điểm tập hợp nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong 101 ngày đêm 23/10/1945 – 01/02/1946 và còn là nơi đóng quân của một Đại đội Nam Tiến, do Ông Khảm (không rõ họ, quê quán) - người miền Bắc chỉ huy chiến đấu trong Mặt trận 101 ngày đêm Nha Trang – Khánh Hòa.

Năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Vĩnh Xuân là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Hoàng Quý

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH NGỌC HỘI
Đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
MIẾU AN LẠC
Miếu An Lạc được hình thành từ lâu đời không rõ niên đại, ban đầu chỉ là một thủ kỳ nhỏ để thờ tự Đệ Bát Tiên Nương. Theo lưu truyền dân gian: Bà vốn là người Chăm ở Bình Thuận, từ khi sinh ra đến năm 7 tuổi không biết nói, không biết đi, không biết đứng. Đến năm 8 tuổi, tự nhiên Bà biến mất, sau đó hiển linh tại vị trí miếu An Lạc ngày nay.
CHIÊU ỨNG TỪ NHA TRANG
Đền Chiêu Ứng Nha Trang được xây dựng khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, để tưởng nhớ 108 người Hoa kiều và một trẻ em đã bị chết oan năm 1851 ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi. Vụ án đã được vua Tự Đức phân xử công minh. Điều đó thể hiện sự minh bạch và lòng nhân đức của một bậc minh quân.
CHÙA ĐÀO VIÊN
Chùa Đào Viên thuộc tổ dân phố 7 Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1919, Đại sư Thích Hoằng Tín lập am tranh nhỏ ở gò đất hoang của làng. Hiện nay, chùa Đào Viên do Đại đức Thích Như Đông trụ trì. Ban đầu chùa thờ Quan Thánh Đế Quân. Năm 1930, Chùa Ông phối thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu và chư vị Thánh Tổ. Ngoài ra, chùa thờ “Tam giáo đồng nguyên” gồm: Phật giáo, Nho Giáo và Lão giáo, theo tư tưởng và triết học Phương Đông xưa kia.
ĐÌNH XUÂN PHONG
Đình Xuân Phong quay hướng Bắc, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo tại thôn Trung, xã Vĩnh Phương. Hiện nay đình Xuân Phong có khuôn viên rộng 1.593,4m2. Đình có hệ mái kiểu cổ lầu, mái lợp ngói âm dương. Tuy đã được trùng tu tôn tạo, nhưng đình vẫn được giữ lại bộ kết cấu khung gỗ, những mảng chạm khắc, hoa văn trang trí hình rồng, phụng.
ĐÌNH THỦY TÚ
Đình Thủy Tú tọa lạc về phía nam, cuối thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình được khởi dựng đầu thế kỷ XIX để thờ Thành Hoàng làng, Thiên Y A Na, Quan Thánh Đế Quân, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng).
ĐÌNH THÁI THÔNG
Đình Thái Thông thuộc thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình là nơi tổ chức vận động, tập hợp nhân dân tham gia kháng chiến và là trụ sở Ủy ban kháng chiến, cung cấp lương thực cho Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa (23/10/1945- 02/2/1946).