Đình Thái Thông thuộc thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo các cụ bô lão kể lại, khoảng cuối thế kỷ XVII nhân dân nơi đây tạo dựng ngôi đình Thái Thông. Ban đầu đình được dựng bằng tranh tre, nứa là trên khu đất xóm Gò Đình (gò Ông Phú); thời gian sau đình được xây dựng lại tại Đồng Cọ Hạ; qua thời gian đình xuống cấp, nhân dân xây dựng lại gần nhà ông Đặng Sao ngày nay, lúc này đình được xây kiên cố hơn; đình xây dựng lần thứ tư tại Gò Bà Đăng (trường Tiểu học Vĩnh Thái ngày nay) vào năm 1902 bằng gạch thẻ, ngói âm dương. Năm 1945, đình là trụ sở của Ủy ban kháng chiến mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa nên bị giặc Pháp đốt vào khoảng tháng 11 năm 1945. Đến năm 1956, nhân dân xây dựng lại ngôi đình trên núi Cấm (theo truyền thuyết thì nhân dân nơi đây hay lên chặt cây cổ thụ nên chính quyền phong kiến của làng cấm chặt, từ đó núi này có tên là núi Cấm), bằng gạch, vôi vữa. Năm 1993, nhân dân trùng tu lại lần nữa. Trải qua thời gian đình lại xuống cấp và nhân dân đại trùng tu sửa chữa vào năm 2001.
Đình được xây dựng quy mô với nhiều hạng mục công trình như: Đại đình, nhà thờ Tiền hiền, Hậu hiền, miếu Thiên Ya Na, miếu Thanh Minh, võ ca, nhà kho, nhà bếp.
Từ khi tạo dựng đến nay, đình còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối cổ và 7 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban:
1- Sắc phong thứ nhất: đời vua Tự Đức thứ 5 (1852);
2- Sắc phong thứ hai: đời vua Tự Đức thứ 33 ( 1881);
3- Sắc phong thứ ba: đời vua Đồng Khánh năm thứ 2(1887);
4- Sắc phong thứ tư: đời vua Duy Tân thứ 3 (1909);
5- Sắc phong thứ năm: đời vua Duy Tân thứ 5( 1911);
6-Sắc phong thứu sáu: đời vua Khải Định thứ 9(1924);
7- Sắc phong thứ bảy: đời vua Khải Định thứ 9( 1924).
Đình quay hướng Đông Bắc, tọa lạc trên núi Cấm cao khoảng 25m, có không gian cảnh quan rộng, thoáng mát; trong sân đình có cây cổ thụ lớn, mặt trước là cánh đồng rộng, bằng phẳng, mặt sau của đình là sông Đình, cùng với lối kiến trúc hệ mái có cổ lầu đã tạo cho ngôi đình nét cổ kính, uy nghi.
Trước kia đình được tổ chức “Xuân kỳ Thu tế”, nhưng hiện nay cúng Xuân và cúng Thu hợp nhất vào tháng 3 âm lịch (tùy năm chọn ngày tốt trong tháng 3). Trong lễ hội diễn ra rước sắc từ chùa An Dưỡng (cách đình về phía Tây Bắc khoảng 1km), sau khi cúng xong thì hoàn sắc gửi tại chùa; trước cách mạng tháng Tám năm 1945, năm nào cũng có hát bội, hiện nay cứ ba năm có hát bội một lần (tam niên đáo lệ).
Đình là nơi tổ chức vận động, tập hợp nhân dân tham gia kháng chiến và là trụ sở Ủy ban kháng chiến, cung cấp lương thực cho Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa (23/10/1945- 02/2/1946).
Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, ngày 22 tháng 8 năm 2007 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1520/QĐ-UBND xếp hạng đình Thái Thông là Di tích cấp tỉnh.
Hoàng Quý
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: