Hotline: (0258) 3813 758

CHIÊU ỨNG TỪ NHA TRANG

26/02/2018 00:00        
Đọc tin

Chiêu Ứng từ Nha Trang tọa lạc ở Tổ 1, khóm Cầu Đá, số 22, đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.

Đền Chiêu Ứng Nha Trang được xây dựng khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, để tưởng nhớ 108 người Hoa kiều và một trẻ em đã bị chết oan năm 1851 ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi. Vụ án đã được vua Tự Đức phân xử công minh. Điều đó thể hiện sự minh bạch và lòng nhân đức của một bậc minh quân. Bên cạnh đó, việc làm trên thể hiện nước Việt Nam đối xử công bằng với mọi người dân sống trên đất nước mình, công dân Việt Nam hay người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành theo quy định pháp luật của nhà nước. Đó cũng chính là chính sách ngoại giao nhất quán từ xưa đến nay của đất nước ta.

Vụ án có 109 người chết, nhưng có một trẻ em, nên người Hoa Hải Nam chỉ tính 108 người lớn đã chết. Sau khi chết, các vong linh được thờ ở chùa Bà Thiên Hậu (Quỳnh Châu Hội quán), khu Gia Hội, kinh thành Huế. Theo thời gian, các nạn nhân dần được tôn vinh như những vị anh hùng, trở thành các vị thánh linh thiêng phù hộ cho người gốc Hải Nam lập nghiệp xa xứ.

 

Đền Chiêu Ứng ở Nha Trang được lập năm nào, đến nay không ai nhớ rõ. Các cụ hào lão chỉ nhớ đền được lập hơn 100 năm trước ở làng Bãi Miễu thuộc Hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên. Sau đó, do chiến tranh diễn ra, đền được những người Hoa kiều dời về vị trí hiện nay. Ngôi đền vẫn được giữ nguyên kiến trúc, kết cấu xây dựng ban đầu, chỉ thay ngói khi bị hư hỏng do thời gian bào mòn. Ngày nay, đền Chiêu Ứng còn gìn giữ được các hoành phi, câu đối, khám thờ, lư hương, chân đèn là những di vật, cổ vật có giá trị.

Đền Chiêu Ứng được xây theo hướng đông, trong khuôn viên rộng  390,4 m2,  nhưng khu đất có 50 m nằm trong quy hoạch mở rộng đường Trần Phú. Di tích có các hạng mục công trình: Nghi môn, sân, đền Chiêu Ứng, nhà kho và nhà bếp.

Hàng năm, lễ hội diễn ra vào ngày 16 tháng 6 âm lịch. Lễ cúng theo phong tục tập quán của người Trung Hoa; là một nghĩa cử của Hoa kiều gốc Hải Nam tưởng nhớ những người đồng hương đã khuất trong vụ án oan ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bên cạnh lễ cúng giỗ, Ban quản lý cũng cầu nguyện Quốc thái dân an, mọi nhà yên bình và hạnh phúc.

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của Chiêu Ứng Từ Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng là Di tích cấp tỉnh năm 2012.

NGUYỄN THỊ HỒNG TÂM

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                        

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
VĂN CHỈ VĨNH XƯƠNG
Văn chỉ Vĩnh Xương là một tòa nhà có bố cục kiểu chữ “nhất” với Tiền tế ở phía trước và Chính điện ở phía sau. Hệ thống chịu lực chính của Văn chỉ là các trụ cột, chân cột đứng trên tảng đá vừa tạo thế vững chắc vừa bảo vệ cột gỗ qua thời gian.
ĐÌNH NGỌC HỘI
Đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
ĐÌNH XUÂN SƠN
Đình Xuân Sơn là nơi tụ họp của phong trào Việt Minh, trong đó có ông Huỳnh Ngọt làm Xã Đội trưởng, sau đó ông bị Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo 5 năm và bị đày đi biệt xứ 10 năm ở Ninh Thuận. Đầu năm 1946, phòng tuyến số 1 Nha Trang bị vỡ, một bộ phận bộ đội Việt Minh kéo về đình Xuân Sơn để củng cố lực lượng cho Mặt trận Cây Da - Quán Giếng.
ĐÌNH VÕ DÕNG
Đình Võ Dõng tọa lạc tại thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Căn cứ vào sắc phong sớm nhất mà đình còn lưu giữ được, có thể đoán định đình được xây dựng từ trước năm 1852. Lúc đầu đình được dựng lên ở khu vực Gò Đình, đến năm 1930 dời về vị trí hiện nay.
MIẾU AN LẠC
Miếu An Lạc được hình thành từ lâu đời không rõ niên đại, ban đầu chỉ là một thủ kỳ nhỏ để thờ tự Đệ Bát Tiên Nương. Theo lưu truyền dân gian: Bà vốn là người Chăm ở Bình Thuận, từ khi sinh ra đến năm 7 tuổi không biết nói, không biết đi, không biết đứng. Đến năm 8 tuổi, tự nhiên Bà biến mất, sau đó hiển linh tại vị trí miếu An Lạc ngày nay.
CHÙA ĐÀO VIÊN
Chùa Đào Viên thuộc tổ dân phố 7 Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1919, Đại sư Thích Hoằng Tín lập am tranh nhỏ ở gò đất hoang của làng. Hiện nay, chùa Đào Viên do Đại đức Thích Như Đông trụ trì. Ban đầu chùa thờ Quan Thánh Đế Quân. Năm 1930, Chùa Ông phối thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu và chư vị Thánh Tổ. Ngoài ra, chùa thờ “Tam giáo đồng nguyên” gồm: Phật giáo, Nho Giáo và Lão giáo, theo tư tưởng và triết học Phương Đông xưa kia.
ĐÌNH XUÂN PHONG
Đình Xuân Phong quay hướng Bắc, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo tại thôn Trung, xã Vĩnh Phương. Hiện nay đình Xuân Phong có khuôn viên rộng 1.593,4m2. Đình có hệ mái kiểu cổ lầu, mái lợp ngói âm dương. Tuy đã được trùng tu tôn tạo, nhưng đình vẫn được giữ lại bộ kết cấu khung gỗ, những mảng chạm khắc, hoa văn trang trí hình rồng, phụng.
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân trước đây là miếu thờ Thiên Y A Na, tồn tại lâu đời trên mảnh đất Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng cuộc sống của người dân làng Vĩnh Xuân. Xưa kia, nơi đây chỉ là một gò đất cao, có vài nóc nhà tranh tre và người dân địa phương đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thiên Y A Na, thổ địa với mong muốn phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống.
ĐÌNH THỦY TÚ
Đình Thủy Tú tọa lạc về phía nam, cuối thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình được khởi dựng đầu thế kỷ XIX để thờ Thành Hoàng làng, Thiên Y A Na, Quan Thánh Đế Quân, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công khai khẩn đất đai, quy dân, lập ấp, tạo dựng xóm làng).
ĐÌNH THÁI THÔNG
Đình Thái Thông thuộc thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đình là nơi tổ chức vận động, tập hợp nhân dân tham gia kháng chiến và là trụ sở Ủy ban kháng chiến, cung cấp lương thực cho Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa (23/10/1945- 02/2/1946).