Miếu An Lạc tọa lạc tại địa chỉ số 19, đường Phan Đình Giót, phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Miếu An Lạc được hình thành từ lâu đời không rõ niên đại, ban đầu chỉ là một thủ kỳ nhỏ để thờ tự Đệ Bát Tiên Nương. Theo lưu truyền dân gian: Bà vốn là người Chăm ở Bình Thuận, từ khi sinh ra đến năm 7 tuổi không biết nói, không biết đi, không biết đứng. Đến năm 8 tuổi, tự nhiên Bà biến mất, sau đó hiển linh tại vị trí miếu An Lạc ngày nay. Đệ Bát Tiên Nương đã tế độ quanh vùng Phường Củi – Nha Trang và các huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh thoát khỏi cơn dịch bệnh.
Miếu An Lạc - Ảnh: Bá Trung Toản
Qua các tư liệu sắc phong để lại, có thể miếu được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX. Hiện nay, miếu còn lưu giữ 03 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc Thành Thái năm thứ 13 (1901) ban cho Đệ Bát Tiên Nương;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Thiên Y A Na;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) ban cho Thiên Y A Na.
Trải qua thời gian, miếu đã được nhiều lần tu bổ, tôn tạo như sau:
- Năm 1934, tôn tạo, xây dựng lại miếu;
- Năm 2002, xây dựng nhà khách;
- Năm 2010, xây dựng nhà trù;
- Năm 2012, tu bổ chính điện và sơn sửa nghi môn.
Miếu An Lạc thờ Đệ Bát Tiên Nương, Tiền hiền, Hậu hiền...
Miếu gồm các hạng mục công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, chính điện, miếu Tiền hiền, nhà khách, nhà trù (bếp).
Miếu An Lạc quay theo hướng Đông Nam, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, với tổng diện tích 195,7m2. Miếu nằm giữa khu dân cư, trước miếu có một cây cổ thụ tạo cho ngôi miếu thêm nét cổ kính.
Tiền tế là thềm, nối liền với chính điện; mặt trước hệ mái trang trí hoa văn cuốn thư đắp nổi dòng chữ bằng chữ Hán Nôm: (廟 安 樂 - Miếu An Lạc), bên tả: (造 春 仲 年 戌 甲 南 - Nam Giáp tuất niên trọng xuân tạo), bên hữu: (四 十 三 百 九 千 一 - Nhất thiên cửu bách tam thập tứ), phía trên trang trí đắp nổi hình hai con cá chép, hai bên góc gắn hình con nghê, trên các cột vẽ trang trí hoa văn hình rồng và có cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm ghép hai chữ đầu thành tên miếu:
Phiên âm
An thổ mạch hồi trì bán nguyệt,
Lạc thiên diệp dẫn thụ thiên thu.
Dịch nghĩa
Đất an mạch chảy hồ bán nguyệt,
Trời lạc nhánh dẫn cội thiên thu.
Chính điện xây dựng trên nền móng bằng đá chẻ, tường xây bằng gạch, xi măng, có hệ mái kiểu cổ lầu, gồm hai tầng mái, lợp ngói âm dương; trên bờ nóc trang trí hoa văn đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”.
Bên trong chính điện có sáu ban thờ: chính giữa là ban thờ Hội đồng, hai bên là ban thờ Đông hiến và Tây hiến; tiếp đến là ban thờ Đệ Bát Tiên Nương, hai bên là ban thờ Tả ban, Hữu ban.
Hàng năm miếu An Lạc tổ chức lễ hội vào ngày 07, 08/8 âm lịch.
Miếu có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XIX, điểm nổi bật là hệ thống kết cấu khung gỗ còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn, các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động. Chính vì vậy, các điêu khắc, hoa văn trang trí còn có giá trị trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
Năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng miếu An Lạc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số 2370/QĐ-UBND.
Bá Trung Toản
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: