Văn chỉ Vĩnh Xương tọa lạc tại số 123 đường Phương Sài, phường Phương Sơn[1], thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
* Bối cảnh lịch sử hình thành di tích
Văn chỉ Vĩnh Xương
Thời phong kiến, chữ Hán Nôm rất được coi trọng bởi nó được xem “chữ của Thánh Hiền” và người ta dùng nó làm thước đo trong các kỳ thi để chọn ra nhân tài cho đất nước. Và văn miếu/văn chỉ xưa kia không chỉ là nơi thờ Đức Khổng Tử cùng các học trò của Ngài mà còn là trường học, nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục và tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong vùng.
Ở Việt Nam, Văn miếu bắt đầu có từ thời Lý - Trần với Văn miếu Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long. Đến thế kỷ XV, Văn miếu mới có ở một số địa phương nhưng phải đến thời nhà Nguyễn, Văn miếu mới thật sự phát triển cực thịnh. Ở Khánh Hòa, Văn miếu Thái Khang (sau đổi thành Phước An) được thành lập trước thời nhà Nguyễn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho dời lỵ sở dinh Bình Khang (Ninh Hòa) về Diên Khánh và đổi tên dinh là trấn Bình Hòa. Đây chính là tiền thân của Di tích cấp Quốc gia Văn miếu Diên Khánh tại thị trấn Diên Khánh ngày nay.
Năm 1948, quân Pháp đóng quân ở Văn Miếu và có ý định xây dựng thành một đồn binh. Không để cho địch lợi dụng, các hào lão ủng hộ cách mạng đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Tháng 10/1949, để thuận tiện cho việc cúng tế cũng như sinh hoạt của Văn hội, các thân hào, nhân sĩ, trí thức đã chuyển về hoạt động tại Văn chỉ Vĩnh Xương (Nha Trang). Nhưng do địa điểm này có quy mô kiến trúc cấp huyện, miếu nhỏ, chật hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu cho việc học tập của con em. Chính vì lẽ đó, năm 1964-1967 các vị thân hào, nhân sĩ, trí thức và nhà giáo trong hội Khổng học Khánh Hòa đã quyên góp tiền xây dựng Văn miếu Khánh Hòa tại vị trí Ủy ban Nhân dân phường Phước Hải ngày nay với quy mô cấp tỉnh. Văn chỉ Vĩnh Xương trở về chức năng vốn có của một nơi tôn thờ “đạo học” cấp huyện.
Về niên đại, năm 1849, theo chỉ dụ của vua Tự Đức Văn chỉ Vĩnh Xương được khởi dựng tại làng Ngọc Hội, Vĩnh Điềm, huyện Vĩnh Xương[2]. Do địa điểm ban đầu thấp, thường xuyên lụt lội và nhiều năm liền học sinh thi không đỗ, vì lẽ đó, năm 1889 (Thành Thái năm thứ 1) các vị nho học, thân hào, thân sĩ, trí thức quyên góp tiền và công sức di dời Văn chỉ về địa điểm ngày nay. Sau khi xây dựng xong, học sinh Nha Trang thi đỗ 03 năm liền, sự học ở Nha Trang phát triển.
Trải qua quá trình tồn tại, Văn chỉ Vĩnh Xương đã qua nhiều lần tu bổ: 1964, 1971, 2010.
* Kiến trúc Văn chỉ Vĩnh Xương
Về thế đất, phía trước Văn chỉ là sông Kim Bồng (yếu tố “minh đường”), sau lưng là đồi Trại Thủy (yếu tố “hậu chẩm”) mà theo thuyết phong thủy thì đây là thế đất “Tiền thủy hậu sơn” rất tốt cho việc dựng nhà, nhất là làm các công trình tôn giáo tín ngưỡng.
Văn chỉ Vĩnh Xương được xây dựng trong khuôn viên rộng 272,1m2. Từ ngoài vào trong, Văn chỉ có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, sân, tiền tế, chính điện.
Kết cấu kiến trúc vì kèo
Về tổng thể, Văn chỉ Vĩnh Xương là một tòa nhà có bố cục kiểu chữ “nhất” với tiền tế ở phía trước và chính điện ở phía sau. Hệ thống chịu lực chính của Văn chỉ là các trụ cột, chân cột đứng trên tảng đá vừa tạo thế vững chắc vừa bảo vệ cột gỗ qua thời gian. Kết cấu bộ khung gỗ tuy mang đặc trưng phong cách kiến trúc của địa phương song cũng có nhiều biến thể: Từ cột đến xà, đòn tay đều thanh thoát, vốn đẹp ở bào trơn, đóng bén nên không có cảm giác nặng nề phải viện đến điêu khắc quá mức; Ngoài các vân xoắn ở ngoài “trến”, “con tôm[3]” và “áp quả”, nghệ nhân chú ý trang trí ở một số kèo; đầu một số kèo chạm khắc vân hóa kiểu như dãy gai trên sống lưng rồng và đặc biệt lưu ảnh trang trí kiến trúc thế kỉ XVII ở miền Bắc là mỗi mặt đầu kèo có một tia mây lửa hắt chéo lên, cuối đuôi kèo cả hai mặt đều được chạm hình rồng cách điệu.
Hàng năm, tại Văn chỉ Vĩnh Xương có hai lễ cúng chính: Ngày sinh (Thánh Đản) của Khổng Tử vào ngày 27/8 âm lịch và ngày mất (Thọ chung hay Thánh húy) của Khổng Tử vào ngày 18/4 âm lịch. Ngày nay, việc cúng tế do Hội người cao tuổi và các bậc hào lão, giáo viên, trí thức và chính quyền địa phương phường Phương Sơn đảm trách.
Nhằm khẳng định những giá trị văn hóa văn thể và văn hóa phi vật thể của Văn chỉ Vĩnh Xương, đồng thời cũng giúp cho công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn, ngày 20/11/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2890/QĐ-UBND xếp hạng Văn chỉ Vĩnh Xương là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] Phường Phương Sơn và phường Phương Sài xưa kia là một và thuộc thôn Phường Củi.
[2] Nay là xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang.
[3] Có thể xem là cấu kiện duy nhất, lần đầu tiên xuất hiện ở Khánh Hòa.
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: