Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH LƯƠNG SƠN

02/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Lương Sơn tọa lạc tại thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

* Về nguồn gốc ra đời

Tên gọi “Đình Lương Sơn” có từ lúc mới lập đình. Năm 1994, để xây dựng tình đoàn kết của nhân dân các làng trên địa bàn xã Vĩnh Lương, UBND xã quyết định lấy tên xã Vĩnh Lương để đặt cho di tích là đình Vĩnh Lương[1]. Đến năm 2007, nhân dân lấy lại tên thôn đặt cho ngôi đình là đình Lương Sơn. Hiện nay, trong các văn bản hành chính liên quan đến địa phương và trong văn nói hàng ngày, cư dân trong làng vẫn quen dùng tên gọi “Đình Lương Sơn”.

Cuối thế kỷ XVIII, các cụ Nguyễn Luôn (tục gọi là Long), Đinh Mẫn (tự là Hồ Mân), Nguyễn Cảnh đã đến vùng đất Lương Sơn sinh sống và lập nghiệp. Tuy nhiên, do địa hình rừng núi xen lẫn truông đìa rậm rạp nhiều thú dữ, ngăn cách bởi đèo núi cao, đi lại khó khăn nên mãi đến đầu thế kỷ XX, dân làng mới đến Lương Sơn sinh sống tương đối đông. Thuở ban sơ, làng có tên là Lương Điền (vì sinh kế của người dân chủ yếu lấy từ núi rừng). Một thời gian sau, một số cư dân chuyên sống bằng nghề chài lưới tại Cù Sơn[2] chuyển đến và nhập chung thành một làng, lấy tên là Lương Sơn (còn gọi là Bãi Lương/Cây Sung).

Ngày nay, trong ký ức của nhiều người dân địa phương, đình Lương Sơn được xây dựng vào thế kỷ XX ở lỗ Chang Chang và các cụ hào lão vẫn thường hoài niệm về di tích mỗi khi nhắc đến cây sung cổ thụ ở chợ Vĩnh Lương[3]. Năm 1911, hào lão trong làng đã họp bàn và thống nhất dời đình về tại địa điểm hiện nay.

Đình Lương Sơn được dựng lên để thờ Thành hoàng làng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y A Na, Công chúa, Thái tử, Long Cung, Lục Cung, Thổ Công, Hà Bá, âm hồn, cô hồn, anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ.

Trải qua thời gian, cùng sự khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh đã làm cho đình Lương Sơn xuống cấp và đã qua nhiều lần tu bổ vào các năm: 1911, 1954, 1965, 1995, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010.

* Kiến trúc của di tích

Đình Lương Sơn tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 5.174,6m2, mặt tiền quay hướng Đông Bắc. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án phong, trụ cờ, đại đình, nhà Tiền hiền - Hậu hiền, nhà thờ Bác Hồ - các anh hùng liệt sỹ, điện Thiên Y, nhà khách và nhà vòm.



 Đình Lương Sơn

Kiến trúc lớn nhất, tiêu biểu nhất của đình Lương Sơn là tòa đại đình. Điểm nhấn trong trang trí, điêu khắc trên kiến trúc đình Lương Sơn là hệ thống tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Hình ảnh tứ linh thể hiện dưới nhiều hình dạng như “Long ẩn vân”, “Lưỡng long triều nhật”,… được trang trí trên mái đình để cầu cho mưa thuận gió hòa đối với nông nghiệp và trời yên biển lặng đối với ngư nghiệp - hai nghề chính của cư dân xã Vĩnh Lương nói chung và làng Lương Sơn nói riêng. Ngoài các hình ảnh tứ linh, trong mảng trang trí đình Lương Sơn còn có các đề tài quen thuộc như: mây, hoa lá cách điệu…

Hiện tại, đình Lương Sơn còn lưu giữ được các hiện vật như trống, chiêng, mõ, hoành phi, câu đối và 02 sắc phong của vua Khải Định năm thứ 09 (1924) ban tặng cho Bản cảnh Thành Hoàng và  Thiên Y A Na.

Trong thời kỳ chiến tranh, đình làng Lương Sơn là nơi hội họp, luyện tập võ thuật, tiếp tế lương thực - thuốc men, nơi ẩn nấp của chiến sĩ cách mạng từ các chiến khu về làng hoạt động; là địa điểm giao liên tiếp tế cho nhiều đoàn cán bộ, bộ đội trên đường đi công tác nghỉ chân để tiếp tục lên đường chuyển về vùng khác bằng đường thủy đến Bà Bố, Hòn Hèo, Đầm Vân…

Đình Lương Sơn tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng Ba hằng năm. Lễ hội đình Lương Sơn gồm có phần lễ và phần hội, hai phần này không tách bạch mà theo một trình tự đan xen lẫn nhau giữa phần lễhội thể hiện ở các tiết mục múa lân - múa rồng, múa bóng dâng Mẫu, hát bội…lệ thường, thời gian mở hội diễn ra trong 2 ngày 1 đêm và cứ 2 năm đình tổ chức đại lễ (có hát bội) 1 lần, năm nào có hát bội thì lễ hội diễn ra trong 3 ngày 2 đêm.

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của đình Lương Sơn, ngày 03/3/2011 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 563/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.        

                                                                             Trần Thị Thanh Loan

[1] Vĩnh Lương có nghĩa là nơi hội tụ nhiều cá tôm và cây gỗ quý.
[2] Tên gọi được ghép từ hai làng là Cù Lao và Lương Sơn lại với nhau.
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vĩnh Lương (2015), sđd, tr.20.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH ĐẮC LỘC
Đình Đắc Lộc tọa lạc trong khuôn viên có tổng diện tích 1.646,8 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Đắc Lộc có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, võ ca, đình, miếu Tiền hiền, miếu chiến sĩ, nhà túc, mộ Tiền hiền.
ĐÌNH PHÚ XƯƠNG
Đình Phú Xương được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ hào lão kể lại: đình Phú Xương xưa thuộc thôn Phú Toàn (sau đổi thành Phú Nhơn, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa). Đầu tiên đình do năm dòng tộc (Trần, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Lâm) trong làng xây dựng tại gò Bà Đỡ (nay là thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc) và lấy tên làng Phú Toàn làm tên đình.
ĐÌNH ĐỒNG NHƠN
Đình Đồng Nhơn ra đời đến nay khoảng hơn 200 năm, tức là khoảng cuối thế kỷ XVIII. Lúc đầu đình được xây dựng ở phía Đông Bắc làng Đồng Nhơn, trên đất Bà Hàn. Sau đó, đình bị hư hỏng và cũng do không thuận tiện thờ cúng, ông bà Đoàn Văn Bố đã hiến một lô đất cao ráo giữa làng, đóng góp công của để làm lại đình.
ĐÌNH BÍCH ĐẦM
Bích Đầm đổi tên là Biển Hải, sau năm 1954 làng đổi tên là ấp Bích Đầm, tới năm 1975 đổi tên là khóm Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, quận 2, thị xã Nha Trang. Hiện nay, là tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
ĐỀN HÙNG VƯƠNG
Với tấm lòng ghi nhớ tổ tiên, nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã đồng tâm xây dựng Đền Hùng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với vị vua có công lớn khai sinh ra dân tộc Việt, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
ĐÌNH VẠN THẠNH
Đình Vạn Thạnh tọa lạc dưới chân núi Sinh Trung, mặt sau đình tựa núi, mặt trước hướng ra không gian rộng, đình quay theo hướng Đông Nam, bên trái có tảng đá lớn được bao phủ bởi tán cây si rộng, cùng với hệ mái của đình có cổ lầu tạo cho di tích nét cổ kính. Ngôi đình nổi bật với các mảng đắp phù điêu tinh xảo, cầu kỳ.
ĐÌNH PHƯỚC HẢI
Đình Phước Hải là một trong những ngôi đình cổ tồn tại đã hơn 200 năm. Di tích đã gắn bó với bà con làng Phước Hải từ những ngày đầu khai hoang lập ấp. Hiện nay, di tích còn lữu giữ được kiến trúc mang đậm dấu ấn đầu triều Nguyễn; không những vậy, đình Phước Hải còn là bằng chứng chân thật đánh dấu quá trình lịch sử vẻ vang của địa phương; lễ hội truyền thống của đình vẫn được diễn ra hàng năm với đầy đủ các nghi thức.
CHÙA HỘI PHƯỚC
Chùa Hội Phước (chùa Cát) được chọn là nơi tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm cụ Phan Chu Trinh đã thể hiện tinh thần yêu nước của chư tăng và phật tử, thể hiện tinh thần một lòng hướng về cách mạng, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong điều kiện phong trào cách mạng đang ở giai đoạn trứng nước.
ĐÌNH NGỌC HỘI
Đình Ngọc Hội có tên là đình Ngọc Toản, lấy theo tên gọi của làng. Các địa danh: Vĩnh Ngọc, Lư Cấm, Vĩnh Hội, Ngọc Thảo, Ngọc Sơn ngày nay đều nằm trong địa phận làng Ngọc Toản. Sự kiện tách làng đến nay không còn ai nhớ chính xác mốc thời gian nhưng căn cứ vào các tài liệu và văn tự Hán Nôm ở Đình thì ta có thể đoán định thôn Ngọc Toản được tách ra thành hai làng Lư Cấm và Ngọc Hội vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
ĐÌNH XUÂN SƠN
Đình Xuân Sơn là nơi tụ họp của phong trào Việt Minh, trong đó có ông Huỳnh Ngọt làm Xã Đội trưởng, sau đó ông bị Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo 5 năm và bị đày đi biệt xứ 10 năm ở Ninh Thuận. Đầu năm 1946, phòng tuyến số 1 Nha Trang bị vỡ, một bộ phận bộ đội Việt Minh kéo về đình Xuân Sơn để củng cố lực lượng cho Mặt trận Cây Da - Quán Giếng.