Miếu Võ Đế tọa lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà.
Từ xa xưa, cư dân của một số tỉnh thuộc đất nước Trung Hoa, vì công việc làm ăn, họ phải thường xuyên dùng thuyền buồm, chở hàng hóa sang các nước lân cận để giao thương, buôn bán, việc đi lại càng ngày đông đúc hơn, trong số họ, có một số người xuôi dòng xuống phương Nam, cập các bến cảng tại Việt Nam trao đổi hàng hóa, mua bán nông lâm, khoáng sản… Sau đó, vì sự loạn lạc tại chính quốc, cũng như vì kế sinh nhai nên một số người đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai để lập nghiệp, định cư lâu dài, ổn định. Họ thường tập trung tại các thị tứ, phố xá để thuận tiện trong việc làm ăn buôn bán. Vì phải tha phương cầu thực, họ thường lập ra các Hội đồng hương, các Hội Quán để giúp đỡ nhau trong công việc làm ăn, cũng như để bảo tồn, phát huy nét văn hóa của dân tộc mình. Sau bao thăng trầm của thời cuộc, đại bộ phận bà con Hoa Kiều cũng dần dần ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng địa phương.
Trải qua nhiều thế hệ, để lưu truyền, bảo tồn văn hóa của mình, cộng đồng người Hoa có nhiều phương thức như: bằng chữ viết, tiếng nói, qua các câu chuyện truyền khẩu, hoặc lưu giữ bằng trí nhớ, y phục truyền thống, qua các tập tục ma chay, cưới hỏi, các nghi thức lễ hội…
Vào những năm 1800, đồng bào Hoa Kiều sống trên đất nước Việt Nam nói chung và tại Ninh Hòa nói riêng đã phát triển mạnh về mặt số lượng cũng như chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Sau khi cuộc sống đã ổn định lâu dài, nhu cầu giao lưu trao đổi về mặt tinh thần, tín ngưỡng cũng được đặt ra. Người Hoa sinh sống tại Ninh Hòa gồm ba nhóm chính: Bang Quảng Đông, Hải Nam và Triều Châu. Tại Ninh Hòa, ba bang hội đều có Hội quán, nơi thờ tự riêng biệt. Đây vừa là trụ sở sinh hoạt chung và cũng vừa là tổ đình thờ phụng và cúng tế các bậc Tiền hiền, các Bang hữu đã khuất.
Riêng Bang Quảng Đông Ninh Hòa đang quản lý hai ngôi cổ miếu đó là: Võ Đế Miếu (thường gọi là Chùa Ông) toạ lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú và Thiên Hậu miếu (thường gọi là Chùa Bà) tọa lạc tại 338 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp.
Vào năm 1814, được sự hưởng ứng của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông, ông Đàm Thành An được giao quyền thành lập Bang hội. Các vị Bang trưởng đã vận động Bang hội và các Hoa Kiều đồng hương xây dựng Võ Đế Miếu thờ Ngài Quan Thánh Đế Quân (hiện nay văn bia lạc quyên năm 1814 còn lưu giữ tại miếu Võ Đế).
Miếu có các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, sân, lễ đường, chính điện, nhà đông, nhà tây, nhà trù.
Miếu Võ Đế thờ các vị sau: Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình, Châu Xương, Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài), Thổ Địa, Táo Quân, Tiên Linh và một số vị Phật.
Chính điện miếu Võ Đế
Từ khi xây dựng đến nay, miếu đã trải qua các lần trùng tu, tôn tạo như sau:
- Năm 1954, trùng tu.
- Năm 1959, thay ngói âm dương bằng ngói ximăng của mái nhà tiền sảnh.
- Năm 1967, thay ngói âm dương bằng ngói tây ở chính điện và mái hành lang hai bên chính điện bằng xi măng.
- Năm 1983, thay đòn tay, rui, mè chính điện.
- Năm 1989, thay mái xi măng bằng ngói tây hai hành lang; đắp rồng ở hai trụ trước cửa miếu.
- Năm 1993, xây cổng miếu, xây thành mặt trước.
- Năm 2000, xây nhà đông và nhà bếp.
- Năm 2004, xây lại tường sau chính điện vì bị sụp và thay một số đòn tay, rui, mè; lát gạch men trên vách và nền trong chính điện.
- Năm 2005, mở rộng nhà đông.
- Năm 2007, xây thêm nhà tây.
Hàng năm, Bang Quảng Đông Ninh Hòa tổ chức các ngày lễ vía như sau: Lễ vía Đào viên kết nghĩa, vía Thái tử Quan Bình, vía Quan Thánh Đế, vía Tài Bạch, vía Châu Xương. Lễ hội thu hút rất nhiều người về hành hương, trong khí trời ấm áp của những ngày xuân, không chỉ bà con người Hoa mà còn cả cộng đồng người Việt.
Đặc biệt, cứ ba năm một lần vào tháng 7 âm lịch toàn Bang lại tổ chức trai đàn “Vu lan thắng hội” cầu siêu cho Cửu huyền thất tổ và vong hồn lưu lạc tại Tuệ Thành Hội quán bang Quảng Đông (tức Thiên Hậu miếu hay còn gọi là Chùa Bà). Trước một ngày khai đàn có tổ chức lễ nghinh Quan Thánh từ miếu Võ Đế đến miếu Thiên Hậu. Sau khi lễ Trai đàn hoàn tất, lễ đưa Ông cũng được tổ chức tương tự lễ rước Ông là đưa linh vị cùng các đồ từ khí từ miếu Thiên Hậu về lại miếu Võ Đế.
Ngoài ra, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, miếu Võ Đế là địa điểm hoạt động cách mạng, góp phần vào thắng lợi của dân tộc và của quân dân Khánh Hòa nói riêng.
Năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng miếu Võ Đế là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số 2846/QĐ-UBND ngày 18/11/2008.
Bá Trung Toản