Tuệ Thành Hội quán tọa lạc tại số 338, đường Trần Quý Cáp, Tổ 10, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, (xưa là xã Mỹ Thạnh, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa). Nằm cách thành phố Nha Trang 30 km về hướng bắc.
Miếu được khởi dựng khoảng đầu thế kỷ XIX, để thờ Bà Thiên Hậu và Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ, Liên Hoa Thánh Mẫu (mẹ của Bà), Quan Thánh, Quan Bình, Châu Xương, Khổng Tử. Đây cũng là nơi hội họp của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông và còn có tên gọi khác là chùa Bà.
Theo các tư liệu lịch sử cho thấy: vào khoảng những năm đầu thế kỷ XIX, phía Đông huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (nay là khu vực thôn Văn Định và các thôn phụ cận xã Ninh Phú) là một thương cảng nhộn nhịp, tàu thuyền của các thương gia Đông Á và Đông Nam Á thường cập cảng rồi vận chuyển hàng hóa lên chợ Ninh Hòa buôn bán, trao đổi. Trong đó, đa phần là người Hoa, họ mua một căn nhà bên sông Dinh làm địa điểm cho bà con thường cúng bái, tụ họp và trở thành miếu Bà như ngày nay.
Từ khi xây dựng đến nay, miếu đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các năm 1874, 1890, 1935, 1956, 1967, 1989, đặc biệt đại trùng tu năm 2004.
Bà Thiên Hậu có nguồn gốc từ Trung Hoa, được bà con người Hoa mang theo tín ngưỡng văn hóa thờ Mẹ của cư dân vùng duyên hải đông nam Trung Quốc khi đến định cư ở Việt Nam.
Tại bia ở chùa Thiên Hậu Hải Nam, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang có ghi về bà như sau: “Thiên Hậu Thánh Mẫu là phong hiệu sắc tứ của Hoàng triều thời xưa, thông thường đều xưng là Mẹ Tổ, nhân sĩ Việt (Quảng Đông) Phủ thì đều xưng là (A Phồ), từ những sử liệu về Mẹ Tổ tập hợp mà chứng thực rõ ràng rằng Mẹ Tổ là thần tiên đạo giáo phái Tích Thiện kim phái phù lục (bùa chú). Bà là hiếu nữ (con gái có hiếu), nguyên quán trên đảo Châu My, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên bà từ triều Đường về sau đời đời là hiển vinh, phú quý, văn chương nức tiếng họ Lâm quan đến tuần kiểm. Mẹ bà họ Vương, Mẹ Tổ là con gái thứ 6 nhà họ Lâm, sinh năm Kiếm Long thứ nhất vua Tống Thái Tổ, vào ngày 23 tháng 3 năm Canh Thân tức năm 960. Năm đó Tống Triệu Khương giận phế vua Cung Đế nhà hậu Châu để tự lên ngôi, nhà hậu Châu mất.
Mẹ Tổ thăng hóa năm thứ tư Tống Ung Hy vào ngày 9 tháng 9 năm Đinh Hợi tức năm 987 sau Công nguyên, sống trên đời chỉ 28 năm là trinh nữ chưa chồng. Theo sách sử ghi chép thì gọi là Mẹ Tổ vào ngày Trùng cửu “ mùng 9 tháng 9” năm Đinh Hợi. Bà và các chị lên cao vào núi Mi Phong, lúc đó dường như nghe tiếng trên không trung nổi lên tiếng đàn, tiếng sáo, bát âm hòa tấu, ngước nhìn lên thấy xe loan phủ mui xanh, cờ xướng nghênh ngang rầm rạp kéo tới. Mẹ Tổ cưỡi mây tiến lên, chúng dân tất cả sụt sùi kinh dị, trong khoảnh khắc mây ngũ sắc kéo đến không còn nhìn thấy nữa.”
Tuệ Thành Hội Quán tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng bên hữu ngạn sông Dinh, có tổng diện tích 2.681,5m2. Bố cục mặt bằng gồm: Nghi môn, Thiên Hậu cung (được thiết kế theo lối kiến trúc hai tầng: tầng trệt làm Hội quán gồm lễ đường, hội trường và công sở; tầng hai là chính điện thờ Bà).
Lễ đường là phần được giữ nguyên cấu hiện kiến trúc gỗ của ngôi chùa cũ. Lễ đường có tổng diện tích 59,8m2, thiết kế ba gian. Mái được lợp bằng ngói lưu ly xanh ngọc, trên bờ nóc chính giữa trang trí đắp nổi “Lưỡng long tranh châu”, bờ dải trang trí đắp nổi linh vật “Rồng, Lân”. Nền được lát gạch. Lễ đường có một cửa lớn, cánh được làm bằng gỗ, phía trên cửa có đặt tấm hoành phi: “Tuệ Thành Hội Quán”. Kết cấu kiến trúc được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của người Hoa, hệ thống tường bao quanh với chất liệu cơ bản là gạch, vữa, cùng với hệ thống chịu lực chủ yếu bằng cột, vì kèo, kết hợp với hệ thống hoành, kẻ, mè nâng đỡ mái.
Hội trường dùng làm nơi hội họp của cộng đồng người Hoa mỗi khi có hoạt động trong hội. Hội trường có diện tích 144,4m2.
Trên lầu là khu thờ tự chính của miếu, được chia làm hai phần: trước là sảnh chính điện, sau là chính điện. Sảnh chính điện có 3 gian, diện tích 52,9m2, là nơi nhân dân chuẩn bị lễ vật để cúng Mẫu.
Nội thất sảnh chính điện được sắp xếp như sau: trên cửa chính vào chính điện gắn ba bức phù điêu bằng gốm tinh xảo, được chế tác từ Trung Hoa và đưa sang vào dịp trùng tu chùa lần thứ nhất năm 1897.
Nối liền với sảnh là chính điện, có diện tích 92m2, gồm ba cửa bằng gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Nền được lát gạch. Mái lợp ngói lưu ly, trên bờ nóc trang trí đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”, bờ dải trang trí đắp nổi linh vật dơi. Giữa gian chính điện là ban thờ Hội đồng, phía sau là ban thờ Thiên Hậu và Văn Thánh (Khổng Tử), Võ Thánh (Quan Vân Trường), Châu Xương, Quan Bình, Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ, Liên Hoa Thánh Mẫu (mẹ của Thiên Hậu Thánh Mẫu). Trên giàn vì kèo, trước khám thờ Thiên Hậu là bộ ba bức hoành phi có nội dung ca ngợi công đức của Thánh Nương.
Vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm là ngày lễ Đản sanh của Thánh Mẫu và đây là lễ chính của miếu.
Miếu Bà Thiên Hậu là di tích được hình thành sớm trên vùng đất Ninh Hòa, được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa với hai chức năng vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ tự, vừa là hội quán hội họp của cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Ninh Hòa. Thông qua lịch sử miếu Bà và chùa Ông hay còn gọi là Võ Đế Miếu (thôn Văn Định Hạ, xã Ninh Phú) đã giúp chúng ta hiểu phần nào về lịch sử định cư của người Hoa và một thương cảng buôn bán tấp nập từ hạ nguồn sông Cái lên chợ Dinh ở vùng đất Ninh Hòa. Chính vì giá trị tiêu biểu trên, Tuệ Thành Hội quán đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 31/8/2011 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Chí Khải