Tự Phổ Minh Hương tọa lạc tại tổ dân phố 7, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời hồi ức của các vị cao niên Hoa kiều thì Tự Phổ Minh Hương được xây dựng vào năm Nhâm Tuất (1862), do những người Hoa vùng Quảng Đông sang Việt Nam làm ăn và sinh sống tại Ninh Hòa dựng lên. Tuy nhiên, căn cứ vào hai sắc phong ban tặng cho Quan Thánh Đế Quân vào năm 1911 và năm 1924, ta có thể đoán định di tích có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIX.
Tự Phổ Minh Hương vừa là trụ sở vừa là nơi thờ cúng vị thần gốc Hoa mà dân gian phong là “trung can, nghĩa khí” đó là Quan Thánh Đế Quân. Thông qua việc bảo tồn và thờ cúng của cộng đồng Hoa kiều tại Tự Phổ Minh Hương thể hiện sự ngưỡng vọng của người dân đối với các bậc tướng tài đã phù hộ cho họ trong việc khai khẩn đất hoang, quy dân, lập ấp tạo dựng xóm làng và tạo sự đoàn kết của cộng đồng người Hoa; với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện qua hoạt động cầu cúng và tu bổ ở Tự Phổ Minh Hương.
Hiện nay, Tự Phổ Minh Hương còn bảo lưu được các hoành phi, câu đối, lư hương và đặc biệt là 02 đạo sắc phong dưới triều vua Duy Tân năm thứ 5 (1911) và Khải Định năm thứ 9 (1924) ban tặng cho Quan Thánh Đế Quân.
Từ khi khởi dựng đến nay, Tự Phổ Minh Hương đã trải qua nhiều lần tu bổ: 1892, 1904, 1928, 1952, 1964, 1988, 2004 là những năm tu bổ chính điện, nhà tây và nhà đông; năm 2012, đại tu bổ chính điện và nhà tây.
Khuôn viên Tự Phổ Minh Hương
Tự Phổ Minh Hương tọa lạc trong khuôn viên có diện tích là 6.451 m2, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Từ ngoài vào, Tự Phổ Minh Hương được bố cục các hạng mục công trình sau: Cổng, án phong, sân, hồ cá, nhà đông, nhà tây, chính điện, nhà bếp và nhà khách. Điểm nhấn khác biệt ở di tích là án phong và kết cấu bộ khung gỗ ở tiền tế - chính điện.
Án phong có kích thước lớn [8,15m x 3,10m] xây hết bề ngang lối đi từ Nghi môn vào, mở ra hai cửa [2,60m x 1,30m] hai bên làm lối đi; đỉnh án phong đắp nổi hình một cái đĩa bằng gốm men ngọc tượng trưng cho mặt nguyệt và hai con rồng chầu hai bên. Tiền tế có kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường” với ba hàng cột trốn hình tròn, vì “chồng rường” được tạo bởi các dầm gỗ có độ dài thu dần chồng lên nhau tạo thành hình tam giác, các dầm đặt trực tiếp lên nhau hoặc có những đấu gỗ đệm. Chính điện có bộ khung gỗ gồm 04 hàng cột với 12 cột gỗ. Vì nóc có kết cấu kiểu “vì kèo” với bốn cột trốn (trụ lỏng) đầu tròn thót đáy tạo điểm nhấn trong không gian thờ tự nhỏ gọn. Các cột cái bên trong chính điện được vẽ hình rồng và sơn son thếp vàng; các đầu dư được những người thợ thủ công khéo léo, tỉ mỉ gọt giũa và chạm trổ hoa văn hình đầu rồng; đặt biệt kiến trúc gỗ theo kiểu “y môn”; hai bên là gian thờ tả ban và hữu ban. Những mảng chạm trổ và kiến trúc đã thể hiện sự tài hoa của người thợ thủ công và sự làm ăn phát đạt của đồng bào Hoa kiều lúc bấy giờ.
Chính điện Tự Phổ Minh Hương
Hằng năm, vào ngày 13/01 (Âm lịch) và ngày 24/6 (Âm lịch) Ban quản lý cùng bà con trong tổ dân phố 7 tổ chức lễ hội tại Tự Phổ Minh Hương. Ngoài ra, vào tiết thanh minh, Ban quản lý di tích chọn ngày tốt để tổ chức lễ hội. Những năm 1958, 1962, 1963 dân làng có tổ chức hát bội (diễn ra trong 3 ngày) vào dịp lễ hội, tuồng được chọn hát là cổ trang Trung Hoa “Tam quốc diễn nghĩa”, những năm sau này năm nào làm ăn phát đạt thì vào dịp lễ hội nhân dân tổ chức hát Bội.
Ngày 10/10/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2503/QĐ-UBND xếp hạng di tích Tự Phổ Minh Hương là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan