Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH HẬU PHƯỚC

15/08/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Hậu Phước tọa lạc tại tổ dân phố Hậu Phước, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Vào thế kỷ XVII, 07 làng đầu tiên (Mỹ Thuận, Mỹ Trạch, Thuận Lợi, Hậu Phước, Tân Tế, Hà Liên và Hòa Sơn) của xã Ninh Hà được thành lập[1]. Làng Hậu Phước thời bấy giờ có tên gọi là An Phước thôn (tên Nôm là xứ Phước Điền, Đồng Láng, Gò Duyên) thuộc tổng Hạ, huyện Tân Định, phủ Bình Hòa, trấn Bình Hòa[2]. Đến năm 1880, địa danh “An Phước thôn” đổi thành “Hậu Phước xã”.

Hậu Phước là một trong bốn làng đồng bằng của phường Ninh Hà (Hậu Phước, Mỹ Trạch, Thuận Lợi, Mỹ Thuận).

Về niên đại, có ba dữ kiện để xác định năm khởi dựng đình Hậu Phước: Một là, dựa vào hồi cố của hào lão địa phương thì đình được xây dựng vào năm Canh Thân (1800); hai là, căn cứ vào đạo sắc phong sớm nhất mà đình còn lưu giữ được dưới triều vua Tự Đức năm thứ 05 (1852) ban tặng cho Bản Cảnh Thành Hoàng thờ tại đình; ba là, dựa vào thời gian thành lập làng (XVII).Từ các cơ sở trên, có thể đoán định được niên đại của di tích là vào cuối thế kỷ XVIII. Đến nay, đình Hậu Phước đã qua những lần trùng tu, tôn tạo sau: 1957, 1999, 2001, 2008.


Đình Hậu Phước


Miếu Thiên Y A Na

Đình Hậu Phước được dựng lên để thờ Thành Hoàng làng, Tiền Hiền, Thiên Y A Na, Nghĩa Từ, Thần Nông. Đình Hậu Phước còn lưu giữ 04 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng cho Thành Hoàng, gồm: Tự Đức (02 sắc), Đồng Khánh và Duy Tân.

Đình Hậu Phước tọa lạc trong khuôn viên có diện tích 1.995m2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể gồm: Nghi môn, án phong, chính điện, nhà Tiền hiền, miếu Nghĩa từ-Thần Nông, miếu Thiên Y, nhà bếp.

Giá trị nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của đình Hậu Phước là hệ thống phù điêu, chạm trổ trên tường và hệ mái ở án phong, chính điện, miếu Nghĩa từ/thần Nông, nhà Tiền hiền, miếu Thiên Y. Những điển tích, điển cố đó bên cạnh việc thể tài hoa của người thợ thủ công còn là nét văn hóa dân gian ẩn chứa bên trong đó là những mong ước của người dân muốn gửi gắm vào cơ sở tín ngưỡng để vị thần có thể nghe thấu và che chở cho họ trong công cuộc mưu sinh thường nhật. Là làng thuần nông nên các tích “Phong thuận vũ hòa”, “Long hổ hội”, “Quốc thái dân an”, “Bát tiên”, “Lưỡng long chầu nhật”...là ước vọng muôn thuở của người dân quanh năm bán mặt đất, bán lưng cho trời ở làng Hậu Phước nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hàng năm, đình làng Hậu Phước tổ chức lễ hội vào ngày mùng 9 và 10/3 âm lịch. Trong phần lễ, nghi thức rước sắc phong từ chùa Bảo Phước (tổ dân phố Hậu Phước) về đình là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kỳ lễ hội. Ngoài phần lễ, phần hội của đình làng Hậu Phước còn có các trò chơi dân gian như: Đập niêu đất, nhảy bao bố…

Về sự kiện lịch sử, đình Hậu Phước là một trong những địa điểm diễn ra những sự kiện tiêu biểu ở địa phương như sau:

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đình là nơi hội họp và tiếp tế lương thực, thuốc men của các cán bộ Việt Minh. Năm 1948, thực dân Pháp đốt phá đình.

Tháng 2/1955, đồng chí Võ Đình Dung (tên thường gọi là Năm Giao) - nguyên Ủy viên Huyện ủy Ninh Hòa, Bí thư chi bộ kiêm Đội trưởng đội công tác xã Ninh Hà bị địch bắn bị thương ở chân phải, chúng kéo lê ông từ chỗ bị thương về tới sân đình Hậu Phước phơi nắng và không cho dân làng đến gần. Dân làng vô cùng thương xót nên đã tìm cách nuôi giấu đồng chí và chữa lành vết thương. Thấu cảm trước tấm chân tình bà con dành cho mình, càng thôi thúc ý chí đấu tranh chống giặc bảo vệ từng sinh mạng, từng tất đất cho dân làng, đồng chí Dung đã hứa: “Đồng bào hãy yên tâm, thà chết chứ Giao này không bao giờ phản bội bà con”[3], và lời hứa ấy được đồng chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vào đêm 16/7/1969 trong khi đang làm nhiệm vụ với đội công tác xã Ninh Giang tại làng Hậu Phước. Ghi nhận những công lao đóng góp vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng chí Võ Đình Dung, Nhà nước công nhận ông là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đêm 20/7/1969, nhân kỷ niệm 15 năm ngày ký Hiệp định Genève (1954-1969), đội công tác xã Ninh Hà có 04 đồng chí (không rõ tên) đã vào làng Hậu Phước treo cờ, rải truyền đơn…rồi tiếp tục chiếm các khu chợ của xã. Sáng hôm sau, nhân dân trong xã đã thấy lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay ở đình làng Hậu Phước và truyền đơn do ta rải khắp đường làng trong đêm qua, bà con rất vui mừng và có niềm tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng.

Ghi nhận những giá trị lịch sử-văn hóa của đình Hậu Phước, ngày 13/4/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

                                                                             Trần Thị Thanh Loan

[1] Ban chấp hành đảng bộ phường Ninh Hà (2012), Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Ninh Hà (1930 – 2010), sđd, tr.8.
[2] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.159.
[3]“Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Ninh Hà (1930 – 1975)”, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, 1998, tr.62.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
MIẾU VÕ ĐẾ
Võ Đế Miếu (thường gọi là Chùa Ông) toạ lạc tại thôn Văn Định, xã Ninh Phú và Thiên Hậu miếu (thường gọi là Chùa Bà) tọa lạc tại 338 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp. Vào năm 1814, được sự hưởng ứng của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông, ông Đàm Thành An được giao quyền thành lập Bang hội.
TUỆ THÀNH HỘI QUÁN
Miếu Bà Thiên Hậu là di tích được hình thành sớm trên vùng đất Ninh Hòa, được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa với hai chức năng vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ tự, vừa là hội quán hội họp của cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Ninh Hòa.
QUỲNH PHỦ HỘI QUÁN
Quỳnh Phủ Hội Quán (tức Hội Quán Hải Nam) ở Ninh Hoà toạ lạc trên khu đất hình chữ nhật rộng trên hai mẫu ở đường Trần Quý Cáp. Đây là Hội quán có quy mô xây dựng và diện tích lớn nhất; đồng thời cũng là Hội quán mang tính tổng hợp nhất trong hệ thống Hội quán, chùa chiền của người Hoa ở Khánh Hòa.
TỰ PHỔ MINH HƯƠNG
Tự Phổ Minh Hương vừa là trụ sở vừa là nơi thờ cúng vị thần gốc Hoa mà dân gian phong là “trung can, nghĩa khí” đó là Quan Thánh Đế Quân. Thông qua việc bảo tồn và thờ cúng của cộng đồng Hoa kiều tại Tự Phổ Minh Hương thể hiện sự ngưỡng vọng của người dân đối với các bậc tướng tài đã phù hộ cho họ trong việc khai khẩn đất hoang, quy dân, lập ấp tạo dựng xóm làng và tạo sự đoàn kết của cộng đồng người Hoa; với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện qua hoạt động cầu cúng và tu bổ ở Tự Phổ Minh Hương.
ĐÌNH THẠNH DANH
Đình Thạnh Danh tọa lạc tại khu đất rộng nằm về hướng Đông Bắc của khu dân cư, thuộc phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Theo truyền khẩu của nhân dân địa phương thì đình Thạnh Danh có từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá: mái lợp tranh, tường chát đất.
ĐÌNH PHONG THẠNH
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng ....
ĐÌNH PHÚ THỌ
Đình Phú Thọ tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc ....
ĐÌNH ĐIỀM TỊNH
Đình Điềm Tịnh ra đời, tồn tại gắn liền với những lần thay đổi mảnh đất và con người làng Điềm Tịnh ngày nay. Thuở mới lập, làng có tên là Xuân An xã; đến triều vua Thiệu Trị, làng đổi tên là làng Điềm An; sau đó, làng lại tiếp tục đổi thành làng An Thạch Đông; sau một thời gian đổi thành làng Điềm Tĩnh; đến triều vua Tự Đức, làng có tên gọi là làng Điềm Tịnh.
ĐÌNH ĐẠI TẬP
Căn cứ trên đạo sắc phong sớm nhất mà đình Đại Tập được vua Tự Đức ban tặng cho đình vào năm 1852, ta có thể đoán định đình Đại Tập có niên đại vào cuối thế kỷ XVIII. Năm 1810, đình có tên là An Tập. Đến năm 1817, đình được đổi tên thành Đại Tập.
ĐÌNH PHONG ẤP
Đình Phong Ấp tọa lạc trong khu đất có tổng diện tích 4.060 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Phong Ấp có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, ban thờ Thần Nông, miếu Khải (miếu Ông Địa), đại đình (Tiền tế - chính điện), nhà trù (nhà bếp).