Đình Thạnh Danh tọa lạc tại khu đất rộng nằm về hướng đông bắc của khu dân cư, thuộc phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo truyền khẩu của nhân dân địa phương thì đình Thạnh Danh có từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu đình được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá: mái lợp tranh, tường chát đất. Hiện nay, đình còn lưu giữ 4 sắc phong của các triều Nguyễn ban: sắc phong vào đời vua Thành Thái năm thứ 2, đời vua Duy Tân năm thứ 3, đời vua Khải Định năm thứ 2 và năm thứ 9.
Đình Thạnh Danh
Trải qua thời gian và chiến tranh, đình nhiều lần bị xuống cấp và được trùng tu nhiều lần:
Năm Bính Tuất 1826 - đình bị sập do bão. Đến đời vua Thiệu Trị thứ 7 (1847) đình được trùng tu xây dựng lại gồm tường gạch, vôi vữa, mái lợp ngói âm dương, với các hạng mục như: Đại đình, nhà đông, nhà tây, nghi môn (cổng) và tường xây bao xung quanh di tích.
Do chiến tranh đình xuống cấp và có nguy cơ bị sập, đến năm Kỷ Dậu (1969) các vị hào lão trong thôn tập hợp vận động bà con quyên góp tiền của công sức xây mới lại ngôi đình, tuy không đồ sộ như xưa nhưng vẫn bề thế, trang nghiêm.
Đến năm 1989, đình được trùng tu lần nữa những chỗ bị xuống cấp và xây thêm tường bao bằng đá san hô, từ đó tồn tại cho đến tận ngày nay.
Di tích quay theo hướng đông, tọa lạc trên vùng đất cao, rộng hơn 2.000m2; nằm trên cánh đồng có không gian thoáng mát; trong khuôn viên của di tích còn có ba cây cổ thụ lớn, tán rộng tới mấy trăm mét vuông: 2 cây găng biển, mỗi cây có đường kính xấp xỉ 7m và một cây me có đường kính xấp xỉ 4m, tạo cho ngôi đình nét cổ kính, thâm u.
Từ ngoài vào có các công trình sau: Nghi môn và tường bao, cột cờ, sân, án phong, sân, miếu Thần linh, miếu Sơn lâm, Đại đình, miếu Tiền hiền, nhà hội trường.
Trước kia, lễ hội truyền thống của đình Thạnh Danh được tổ chức mỗi năm hai lần mùa xuân và mùa thu “Xuân kỳ Thu tế”, lễ cúng miếu vào ngày 16 tháng 02 âm lịch, cúng Thần Hoàng vào ngày 16 tháng 7 âm lịch. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nhân dân trong làng thống nhất lấy ngày 12 tháng 7 âm lịch hàng năm làm ngày lễ hội của đình. Cứ ba năm một lần trong lễ hội có tổ chức hát bội.
Đình Thạnh Danh vừa là một di tích kiến trúc nghệ thuật, vừa là di tích lịch sử có liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi nhóm du kích do đồng chí Trần Máy chỉ huy cùng với các đồng chí Nguyễn Nơi, Ba Tôn, Lê Đấu, Lê Làm, Nguyễn Phụ,…đã hội họp bàn bạc tuyên truyền hoạt động cách mạng ở địa phương; năm 1945, nhóm du kích đã bắt được và trừng trị tên Khóa việt gian trong làng. Đình còn là nơi bảo tồn lưu giữ văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư người Việt ở nơi đây nói riêng cũng như trên mảnh đất Khánh Hòa nói chung.
Với những giá trị về lịch sử - văn hóa, ngày 21 tháng 11 năm 2005 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2342/QĐ-UBND xếp hạng đình Thạnh Danh là Di tích cấp tỉnh.
Hoàng Quý