Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHÚ THỌ

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Phú Thọ tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc khoảng 37km tới ngã ba, rẽ phải đi theo đường tỉnh lộ 1 khoảng 8km tới UBND phường Ninh Diêm, rẽ phải khoảng 800m tới di tích.

Chính điện đình Phú Thọ có một bức hoành phi viết chữ Hán Nôm (亭 富 壽) - Đình Phú Thọ và dòng lạc khoản: (成 泰 庚 午) - Thành Thái Canh Ngọ. Theo niên biểu Việt Nam nhận thấy Thành Thái năm Canh Ngọ không có mà ứng với đời vua Thành Thái chỉ có năm Giáp Ngọ (1894), do đó phải chăng người đời sau sơn sửa lại hoành phi ghi lại nhầm là năm Canh Ngọ. Căn cứ vào bức hoành phi ở chính điện, có thể đoán định đình được tạo dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Bức Hoành phi viết chữ Hán Nôm treo tại Đình Phú Thọ

 

Đình Phú Thọ thờ Thành Hoàng và phối thờ Tiền hiền, Sơn Lâm Chúa Tướng, Ngũ Hành Thần Nữ , Thủy Tinh Thần Nữ...

Đình có mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án phong, võ ca, đại đình, nhà đông, nhà tây, nhà Tiền hiền, nhà kho.

Từ lúc khởi dựng cho đến nay đình đã trải qua những trùng tu, tôn tạo: Năm 1942, nhân dân xây dựng lại ngôi đình bằng đá vôi, mái lợp ngói âm dương; năm 1965, do chiến tranh nên đình bị sụp đổ và năm 1967, đình được xây dựng lại; năm 1978, xây dựng võ ca, nhà đông, nhà tây.

Điểm nổi bật của ngôi đình là hệ thống kết cấu khung gỗ còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn, các trang trí sắc sảo, tinh tế, cảnh quan thiên nhiên hài hòa với kết cấu kiến trúc. Chính điện đình Phú Thọ được hình thành nên từ hai bộ vì và bốn cột cái ở gian giữa. Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo; hai kẻ dài gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh vì, rồi chạy dài xuống bức tường. Liên kết hai bộ vì là các xà dọc tạo nên một kết cấu khung gỗ vững chắc. Kiến trúc được hình thành nên từ sự liên kết của bộ khung gỗ, trong kết cấu khung gỗ, bộ vì là yếu tố cơ bản, nó vừa là kết cấu chịu lực, nâng đỡ mái lại vừa là hệ thống cấu thành không gian của ngôi nhà.

Ngoài trang trí đắp nổi trên hệ mái, đình còn được trang trí các hoa văn chạm khắc trên đầu dư hình đầu rồng. Những điêu khắc trang trí này đã làm mềm đi những nét thô cứng của kết cấu bộ khung vốn là những thanh, cột gỗ dài trơn và thẳng, khiến ngôi đình trở nên sinh động, cuốn hút hơn.

Đình được xây dựng theo kiểu chữ “Nhất” ( - ), gồm hai mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí hoa văn “Lưỡng long chầu nhật” và hình tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Mặt trước chính điện viết chữ Hán: (亭 富 壽 - Đình Phú Thọ), trên các cột viết câu đối bằng chữ Hán Nôm với chữ đầu ghép từ tên đình.

- Cặp câu đối thứ nhất:
Phiên âm:
Phú sơn tú dục vật phụ dân khương anh linh địa,
Thọ thanh hải yến ba bình lan tịnh độ chu thiên.
Dịch nghĩa:
Phú - núi non chung đúc, người thịnh vật giàu anh linh địa,
Thọ - biển trong phò trợ, sóng yên gió lặng độ muôn dân.

- Cặp câu đối thứ hai:
Phiên âm:
Phú tất cung dư vật phụ khang dân thiên cổ thạnh,
Thọ chi vi quý phong thuần tục mỹ vạn gia chiêm.
Dịch nghĩa:
Giàu tất có dư, nhân vật tốt tươi ngời thiên cổ,
Thọ quý hóa vậy, thuần phong mỹ tục khắp muôn nhà.

Bên phải chính điện là nhà Tiền hiền, có kết cấu kiến trúc giống chính điện nhưng thấp hơn, gồm bốn cột gỗ, mái lợp ngói tây; bên trong có ba ban thờ: ở giữa là ban thờ Tiền hiền, hai bên là ban thờ Sơn Lâm Chúa Tướng và ban thờ Ngũ Hành Thần Nữ cùng Thủy Tinh Thần Nữ.

Hàng năm, đình Phú Thọ được tổ chức lễ hội vào hai ngày 16/6 và 17/6 (Âm lịch).

Đình Phú Thọ được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2986/QĐ-CT.UBND, ngày 07/11/2014, thuộc loại hình Di tích kiến trúc nghệ thuật.

                                              

            Bá Trung Toản

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH PHONG THẠNH
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng ....
ĐÌNH ĐIỀM TỊNH
Đình Điềm Tịnh ra đời, tồn tại gắn liền với những lần thay đổi mảnh đất và con người làng Điềm Tịnh ngày nay. Thuở mới lập, làng có tên là Xuân An xã; đến triều vua Thiệu Trị, làng đổi tên là làng Điềm An; sau đó, làng lại tiếp tục đổi thành làng An Thạch Đông; sau một thời gian đổi thành làng Điềm Tĩnh; đến triều vua Tự Đức, làng có tên gọi là làng Điềm Tịnh.
ĐÌNH ĐẠI TẬP
Căn cứ trên đạo sắc phong sớm nhất mà đình Đại Tập được vua Tự Đức ban tặng cho đình vào năm 1852, ta có thể đoán định đình Đại Tập có niên đại vào cuối thế kỷ XVIII. Năm 1810, đình có tên là An Tập. Đến năm 1817, đình được đổi tên thành Đại Tập.
ĐÌNH PHONG ẤP
Đình Phong Ấp tọa lạc trong khu đất có tổng diện tích 4.060 m2, mặt tiền quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Phong Ấp có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, trụ cờ, án phong, ban thờ Thần Nông, miếu Khải (miếu Ông Địa), đại đình (Tiền tế - chính điện), nhà trù (nhà bếp).
ĐỊA ĐIỂM CHI TÌNH BÁO KHÁNH HÒA TẠI HÒN THỊ
Địa hình Hòn Thị là núi đá nhiều gộp liên hoàn, chiều dài từ Đông sang Tây khoảng hơn 1.200m. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, các lực lượng vũ trang và cơ quan dân chính Đảng của tỉnh Khánh Hòa đều đóng ở căn cứ Hòn Hèo; ở Hòn Thị là một bộ phận sản xuất của liên Trung đoàn 80 – 83 và một Tổ may quân trang thuộc Tỉnh đội Khánh Hòa
ĐÌNH PHÚ HÒA
Làng Phú Hòa được hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1653 – 1687, các bậc Tiền hiền theo chân chúa Nguyễn vào Nam khai hoang, lập ấp và sinh sống ở đây. Đình được khởi dựng vào năm Qúy Hợi (1803). Lúc bấy giờ đình xây dựng đơn sơ, mái lợp tranh, vách đất. Đến năm Giáp Tuất (1934), dân làng xây dựng lại như hiện nay.
PHẦN MỘ THƯỢNG THƯ NGUYỄN XUÂN THỤC
Phần mộ của Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục có diện tích 57,75m2, mặt tiền quay hướng Đông. Phía trước phần mộ là án phong. Chính giữa vòng thành là huyệt mộ của Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục. Huyệt mộ có hình dáng một con voi quỳ với những đường nét hoa văn uốn lượn theo thân rất mỹ thuật.
ĐÌNH LĂNG BÌNH TÂY
Đình – lăng Bình Tây, thuộc thôn Bình Tây 2, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách trung tâm thị xã Ninh Hòa khoảng 18km về hướng Đông Bắc. Đình - lăng tọa lạc trên một địa thế đẹp ở phía Bắc của thôn, mặt hướng ra đầm, lưng tựa vào núi.
ĐÌNH THẠCH THÀNH
Đình Thạch Thành tọa lạc tại thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình còn là địa điểm lực lượng cách mạng địa phương tổ chức mít tinh, vận động nhân dân ủng hộ thuốc men, lương thực…để phục vụ cho kháng chiến. Từ năm 1945 – 1954, đình Thạch Thành là nơi tập trung của lực lượng cách mạng địa phương.
ĐÌNH PHÚ THẠNH
Đình Phú Thạnh tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thạnh, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Ban đầu, đình được xây dựng ở giữa làng. Sau đó, không hiểu lý do gì mà ngôi đình được dời lên phía đầu làng. Đến năm Giáp Tuất (1934), ngôi đình lại được dời một lần nữa đến địa điểm hiện nay.