Phần mộ cụ Nguyễn Xuân Thục tọa lạc trong khuôn viên đất họ tộc (thuộc tổ dân phố Phước Đa 2, phường Ninh Đa, Ninh Hòa).
* Vài nét về tiểu sử cụ Nguyễn Xuân Thục
Nguyễn Xuân Thục (1762-1827) quê ở huyện Quảng Phúc, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Nguyễn Xuân Tịnh/Tĩnh[1] làm quan đến chức Tiền Khâm sai Cai đội.
Khi mới vào quân ngũ, Nguyễn Xuân Thục là thuộc hạ của Võ Tánh, được thăng làm Tham luận vệ Tiền kích vào năm 1796. Ông lập công lớn trong việc chiếm thành Quy Nhơn và đã từng tòng quân cho nhà Tây Sơn. Năm 1804, Nguyễn Xuân Thục được thăng làm Ký Lục Trấn Biên, sau đó chuyển qua làm Cai Bạ Vĩnh Thanh[2] (thuộc Gia Định Thành). Năm 1813, ông được thăng làm Hữu Tham Tri bộ Hình[3], sau đó, chuyển sang làm Hữu Tham Tri bộ Binh[4] và được phong tước “Thục Thiện hầu[5]”. Năm 1814, ông được vua giao cho làm Hiệp Trấn Thanh Hóa. Năm 1816, ông phải về quê chịu tang cha. Năm 1817, sau khi mãn tang cha, ông quay trở lại trấn Thanh Hóa làm Hiệp Trấn.
Đến năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), Nguyễn Xuân Thục đã được triệu về kinh “chuẩn cho lưu lại tại Kinh cùng với Hữu Tham Tri bộ Binh Quang Huy hầu Nguyễn Tăng Địch làm các công vụ trong Bộ…[6]”. Đồng thời, ông được giao làm Phó sứ Sơn Lăng lo việc xây cất lăng Thiên Thọ - nơi chôn cất vua Gia Long và được vua Minh Mệnh tiếp tục giao đến Thành Gia Định để lo công việc trong bộ Hộ[7] và bộ Công[8].
Đến Minh Mệnh năm thứ 2 (1821), Nguyễn Xuân Thục được giao coi thi ở thành Gia Định.
Minh Mệnh năm thứ 06 (1825), Nguyễn Xuân Thục đã được giao nhận chức Thượng thư bộ Binh[9].
Minh Mệnh năm thứ 08 (1827), sức khỏe của ông giảm sút. Ông dâng sớ xin nghỉ việc về quê chữa bệnh. Nguyễn Xuân Thục về đến quê được vài tháng thì qua đời, hưởng thọ 65 tuổi. Bản Chiếu đề ngày 02 tháng 06 Minh Mệnh năm thứ 08 ghi rằng: “Nguyễn Xuân Thục từ kinh về quê quán, đột nhiên từ trần. Tưởng nhớ công lao trước thật đau xót. Ngoài khoản tuất cấp theo thường lệ, nay gia ân thưởng tiền ba trăm quan, gấm tiễn ba cây” đồng thời cấp cho một người phu coi mộ.
* Kết cấu kiến trúc ngôi mộ
Phần mộ của Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục có diện tích 57,75m2, mặt tiền quay hướng Đông. Phía trước phần mộ là án phong. Chính giữa vòng thành là huyệt mộ của Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục. Huyệt mộ có hình dáng một con voi quỳ với những đường nét hoa văn uốn lượn theo thân rất mỹ thuật.
Kết cấu kiến trúc phần mộ Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục
Cách ngôi mộ Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục khoảng 100m về phía Đông là phần mộ của thân mẫu ông - Thục nhân Trần Thị Đường. Phần mộ có quy mô nhỏ và hiện đã bị cỏ cây che lấp phần lớn.
Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Hổ dành riêng một gian nhà Từ đường làm nơi phụng thờ cụ Thượng thư và thân mẫu ông. Hàng năm, gia đình tổ chức lễ giỗ Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục vào ngày 26/5 âm lịch. Hiện tại, gia đình ông Hổ vẫn còn lưu giữ 23 chiếu chỉ các triều vua Gia Long và Minh Mệnh ban cho (triều vua Gia Long có 05 chiếu chỉ và triều vua Minh Mệnh có 18 chiếu chỉ).
Ngày 19/3/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND xếp hạng Phần mộ - Từ đường Thượng thư Nguyễn Xuân Thục là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
[1] Tiền hiền thôn Phước Đa 2, xã Ninh Đa, huyện Khánh Ninh, tỉnh Phú Khánh;
[2] Tức là Vĩnh Long và An Giang ngày nay;
[3] Coi việc hình danh pháp luật, tra nghĩ dâng tấu, duyệt lại những tội nặng án ngờ, xét kỹ những từ giam ngục cấm…;
[4] Coi việc thuyên bổ võ chức, giảng duyệt quân lính, sai khiến quân đi thú hoặc đi đánh dẹp, kén chọn binh đinh, xét người có công người có lỗi về việc binh…;
[5] Ngũ tước của triều Nguyễn theo thứ tự từ cao xuống thấp lần lượt là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam [Xem chiếu chỉ Gia Long năm thứ 13 (1814)];
[6] Chiếu chỉ ngày 22 tháng 02 triều vua Minh Mệnh năm thứ 1;
[7] Coi việc đinh điền thuế má, tiền bạc chuyển thông, kho tàng chứa chất, hóa vật đắt rẻ…;
[8] Coi việc làm cung điện, dinh thự, xây thành, đào hào, tu tạo tàu bè, đặt làm kiểu mẫu, thuê thợ thuyền, mua vật liệu…;
[9] Tương đương với Bộ trưởng ngày nay: là một chức vụ rất quan trọng bởi vì đây là chức vụ nắm toàn bộ quân đội (gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo thủ binh);
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: