Đình Bình Thành thuộc xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Bình Thành” xuất phát từ việc lấy tên thôn để đặt cho đình. Ngoài ra, đình Bình Thành còn được biết đến với tên gọi là đình miếu Hương - do đình ở bên cạnh miếu Hương, là miếu thờ Bà Thiên Y A Na và người đi tìm trầm hương thường ghé thắp nhang xin Bà phù hộ trước khi đi, khi về cũng thắp hương tạ ơn nên người dân gọi là miếu Hương.
Toàn cảnh đình Bình Thành
Theo địa bạ triều Nguyễn được lập năm 1810, thôn Bình Thành có tên gọi là An Thành xã, gồm 3 xứ: xứ Trùm Thành, xứ Đồng Thành và xứ Sơn Trường. An Thành tọa lạc ở vùng đất “đắc địa”, vừa là một vùng đồng bằng trù phú, phù sa màu mỡ, lại gần phủ lỵ Tân Định; vừa có bến Gành, bến Trường Sáp và ngã ba hợp lưu 3 con sông là sông Cái, sông Đục, sông Lốt tạo thành sông Dinh đổ ra biển. Căn cứ trên các tư liệu hình thành làng, xã Ninh Bình và các công trình thờ tự như chùa Phổ Hóa, chùa Thiên Bửu được khai sơn vào khoảng đời chúa Nguyễn Phúc Khoát tương ứng với niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) và kết cấu khung gỗ ở chính điện có thể xác định một cách tương đối là đình Bình Thành được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII.
Lúc mới xây dựng, đình Bình Thành không phải ở vị trí hiện nay mà đã thay đổi địa điểm 4 lần. Mỗi lần thay đổi địa điểm như vậy vì dân làng cho rằng ở các vị trí ấy, họ thường xuyên bị bệnh tật, mùa màng thất thu, đời sống gặp nhiều khó khăn… Lần thứ 4 dời đình là vào năm 1930, ông Nguyễn Văn (thường gọi là xã Xuân) đã họp bàn nhân dân rồi quyết định dời đình về gần miếu Thiên Y A Na tạo thành một quần thể di tích theo kiểu Tam Sơn gồm: miếu ở phía Tây, đình ở giữa, nhà Tiền hiền ở phía Đông. Trong tất cả các lần di dời vị trí đó, hệ thống khung gỗ (cột, kèo, xà, kẻ) đều được tháo ra và lắp lại nguyên vẹn khi đến địa điểm mới. Theo truyền khẩu, khi buổi đầu mới đến đây làm ăn sinh sống thì vùng đất này cây cối rất rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ, điển hình nhất là ở phía sau đình vẫn còn một cây Bồ Đề hàng trăm tuổi còn hiện hữu. Từ năm 1930 tới nay, đình Bình Thành đã trải qua những lần tôn tạo, tu bổ vào các năm: 1985, 1996, 2002.
Bài trí bàn thờ bên trong chính điện
Đình Bình Thành thờ các vị sau: Thành Hoàng, Tiền Hiền, Thổ Công, Thiên Y, Tiên Sư, Sơn Lâm, Mục Đồng, Âm Hồn, Ngũ Hành… Trong Chúc văn cúng đình hiện vẫn còn ghi họ tên của 3 vị Tiền hiền của An Thành xã là: Võ Văn Bình, Phan Tất Thành và Nguyễn Đắc Ngọc. Theo lời kể của các cụ hào lão: trước kia, đình Bình Thành có 7 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng gửi ở chùa Phổ Hóa (xã Ninh Bình) nhưng bị mất và chưa rõ nguyên nhân.
Mặt tiền đình Bình Thành quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể bao gồm các thành phần kiến trúc: Án phong (tất cả là 3 án phong: Chính điện, miếu Thiên Y A Na và nhà Tiền hiền), miếu Sơn Lâm-Mục Đồng, miếu Âm Hồn-Ngũ Hành, chính điện, miếu Thiên Y, nhà Tiền hiền, nhà đông, nhà bếp.
Hàng năm, nhân dân trong thôn Bình Thành tổ chức lễ hội vào tháng 3 âm lịch. Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài trong 02 ngày.
Trong thời kỳ 1944-1945, đình Bình Thành là địa điểm hội họp của cán bộ Việt Minh do ông Ngô Đồng Lành làm chủ nhiệm. Với địa điểm ở xa khu dân cư, cây cối rậm rạp lại gần sông Cái Ninh Hòa nên đình Bình Thành là nơi để đội công tác vũ trang cách mạng hội họp, sinh hoạt và hoạt động bí mật.
Ngày 14/10/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 2628/QĐ-UBND xếp hạng Đình Bình Thành là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Trần Thị Thanh Loan
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: