Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH LĂNG BÌNH TÂY

28/05/2018 00:00        
Đọc tin

Đình – lăng Bình Tây thuộc thôn Bình Tây 2, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách trung tâm thị xã Ninh Hòa khoảng 18km về hướng Đông Bắc. Đình - lăng tọa lạc trên một địa thế đẹp ở phía Bắc của thôn, mặt hướng ra đầm, lưng tựa vào núi.

Dựa vào những tư liệu lịch sử ở đình cho thấy, di tích có niên đại xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Trước kia, đình - lăng ở thôn Tây An, thuộc Hà Bạc, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa. Ban đầu, đây chỉ là lăng Bình Tây nhưng sau khi ngôi đình Bình Tây cũ bị đổ vào năm 1990, nhân dân đã chuyển một số di vật của đình cùng với lăng trùng tu xây dựng lên đình – lăng Bình Tây. Năm 1994, dân làng trùng tu miếu Tiền hiền; năm 2001 trùng tu tiền tế và hậu điện.

Đình – lăng thờ Ông Nam Hải và Bản cảnh Thành hoàng, đó là hai vị thần được thờ chủ đạo. Ngoài ra, đình - lăng còn phối thờ Thủy Long, Thánh Nương, Công Chúa, Thần Nông, các vị Tiền hiền, Hậu hiền …

Di tích được dựng theo kiểu hình chữ “đinh” với 3 gian tiền tế phía trước và một gian hậu điện phía sau. Ngoài ra còn có nghi môn, án phong ngoại, án phong nội, võ ca, miếu Công Chúa, miếu Thần Nông, miếu Thủy Long, miếu Thánh Nương, miếu Tiền Hiền (nhà Tây), nhà đông, nhà khách 1, nhà khách 2.

Tiền tế gồm 3 gian bằng nhau, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của người Việt với chất liệu cơ bản là gạch, vữa tạo, cùng với hệ thống chịu lực chủ yếu bằng cột, vì kèo, kết hợp với hệ thống hoành, kẻ, rui, mè... nâng đỡ mái. Trong đó,  4 chiếc cột cái bằng gỗ được bọc bê tông phía ngoài là chịu lực chủ đạo. Trên thân cột có trang trí đắp nổi hình rồng cuốn, được liên kết với hai bộ vì và các thanh xiên. Phía trên có treo tấm hoành phi bằng gỗ có niên hiệu Thành Thái thứ 14 trên có ghi dòng lạc khoản: “Tuế thứ năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái thứ 14 (1902). Kiến tạo ngày lành hai tám tháng ba”.

Hậu điện được làm nối liền với tiền tế, được thiết kế một gian, là nơi thờ các vị thần Nam Hải và Bản cảnh Thành Hoàng. Hệ thống chịu lực chủ đạo bằng 4 bức tường nâng đỡ mái. Ở vị trí trung tâm là ban thờ Thần, hai bên ban thờ ghi đôi câu đối có chữ đầu ghép từ tên di tích với nội dung ca ngợi công đức của vị thần được thờ:

Phiên âm:

Bình lập phụng tiên linh Đại Càn Nam Hải,
Tây thành thường tế lễ thần chiêu linh ứng.

Dịch nghĩa:

Bình lập thờ phượng tiên linh Đại Càn Nam Hải,
Tây thành thường tế lễ thần chiếu tỏa ứng linh.

Mái được lợp bằng ngói tây, trên đỉnh bờ nóc của tiền tế ở chính giữa trang trí đắp nổi “Lưỡng long chầu bình hồ lô”. Hai bên tường hồi trang trí đắp nổi hình mặt hổ phù hung tợn với ý nghĩa trấn áp tà ma, chế ngự sát khí và hóa hung thành cát. Trên bờ nóc của Hậu điện trang trí đắp nổi hình “Cá chép vượt vũ môn”, hình ảnh đó liên quan đến tích cá chép sau khi vượt vũ môn biến thành rồng, qua đó thể hiện tinh thần hiếu học vượt khó, mong ước dân làng học hành đỗ đạt thành tài của bà con nhân dân nơi đây.

Hàng năm, để tưởng nhớ công đức của các vị thần, cứ vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch nhân dân lại tổ chức lễ hội. Ngoài phần lễ, còn có phần hội (Hát bội) để phục vụ bà con nhân dân vui chơi, thưởng thức nghệ thuật dân gian truyền thống.

Một điều đặc biệt có giá trị to lớn về mặt lịch sử - văn hóa, là đình – lăng Bình Tây còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị gồm: 9 sắc phong các thời kỳ vua triều Nguyễn ban tặng, hoành phi, chiêng, trống, thanh la…Ngoài ra, đình cũng lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể: các nghi thức, nghi lễ cúng kính, các bài văn cúng, tư liệu Hán Nôm các bản nhạc cúng…

Chín sắc phong của đình – lăng Bình Tây gồm:
- Sắc Minh Mạng thứ ba (1822) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Tự Đức thứ 3 (1850) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Đồng Khánh thứ 2 (1887) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Duy Tân thứ 3 (1909) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Khải Định thứ 2 (1917) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần;
- Sắc Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần.

Với những giá trị  tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, đình được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số: 2639/QĐ – UBND ngày 14 tháng 10 năm 2010.

                                                                      Nguyễn Chí Khải

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH HỘI ĐIỀN
Đình Hội Điền tọa lạc tại thôn Hội Điền, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tên gọi “Hội Điền” xuất phát từ việc lấy tên thôn để đặt cho đình. “Hội Điền” mang ý nghĩa là nơi tập hợp, hội tụ của những người làm ruộng vườn. Tên gọi này được giữ nguyên từ khi khởi dựng đình cho tới ngày nay.
ĐÌNH PHƯỚC ĐA
Đình Phước Đa tọa lạc trong khu đất có tổng diện tích 2.574,6m2, mặt tiền của đình quay về hướng Nam. Từ ngoài vào trong, đình Phước Đa có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án phong, miếu Ngũ hành, miếu Sơn Lâm, chính điện, nhà đông, nhà tây, miếu Tiền hiền.
ĐÌNH XUÂN MỸ
Đình Xuân Mỹ tọa lạc ở giữa thôn Xuân Mỹ, trong khuôn viên có tổng diện tích 1.712 m2, mặt tiền của di tích quay về hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình Xuân Mỹ có bố cục mặt bằng tổng thể gồm các thành phần kiến trúc: Cột cờ, án phong, chính điện, nhà kho.
ĐÌNH PHÚ HÒA
Làng Phú Hòa được hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1653 – 1687, các bậc Tiền hiền theo chân chúa Nguyễn vào Nam khai hoang, lập ấp và sinh sống ở đây. Đình được khởi dựng vào năm Qúy Hợi (1803). Lúc bấy giờ đình xây dựng đơn sơ, mái lợp tranh, vách đất. Đến năm Giáp Tuất (1934), dân làng xây dựng lại như hiện nay.
PHẦN MỘ THƯỢNG THƯ NGUYỄN XUÂN THỤC
Phần mộ của Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục có diện tích 57,75m2, mặt tiền quay hướng Đông. Phía trước phần mộ là án phong. Chính giữa vòng thành là huyệt mộ của Thượng Thư Nguyễn Xuân Thục. Huyệt mộ có hình dáng một con voi quỳ với những đường nét hoa văn uốn lượn theo thân rất mỹ thuật.
ĐÌNH THẠCH THÀNH
Đình Thạch Thành tọa lạc tại thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình còn là địa điểm lực lượng cách mạng địa phương tổ chức mít tinh, vận động nhân dân ủng hộ thuốc men, lương thực…để phục vụ cho kháng chiến. Từ năm 1945 – 1954, đình Thạch Thành là nơi tập trung của lực lượng cách mạng địa phương.
ĐÌNH PHÚ THẠNH
Đình Phú Thạnh tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thạnh, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Ban đầu, đình được xây dựng ở giữa làng. Sau đó, không hiểu lý do gì mà ngôi đình được dời lên phía đầu làng. Đến năm Giáp Tuất (1934), ngôi đình lại được dời một lần nữa đến địa điểm hiện nay.
ĐÌNH THẠNH MỸ
Đình Thạnh Mỹ quay theo hướng Đông, nằm trong khuôn viên đất với tổng diện tích: 1.240 m2. Đình được xây dựng theo kết cấu kiểu “Tam Sơn” với chính điện ở giữa cao hơn, hai bên là nhà đông và nhà tây.
ĐÌNH THUẬN MỸ
Đình Thuận Mỹ tọa lạc thôn Thuận Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đình Thuận Mỹ được xây dựng đầu thế kỷ XIX, các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc tinh xảo, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động, có giá trị thẩm mỹ trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
ĐÌNH VĨNH PHÚ
Đình Vĩnh Phú có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX, là một trong những ngôi đình hình thành sớm trên vùng Ninh Hòa. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất. Ngôi đình là một minh chứng cho sự tồn tại của làng Vĩnh Phú xưa (nay là Tổ dân phố 11, 12 và 13), trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà cha, ông ta đã sáng tạo ra và lưu truyền lại.