Đình Thạch Thành tọa lạc tại thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Làng Thạch Thành được thành lập từ lâu đời. Lúc bấy giờ đất đai còn hoang vu, dân cư sống thưa thớt, rải rác quanh Gò Quýt, trải dài đến Núi Cấm, Núi Thơm, Gò Đu. Khi đó đình Thạch Thành xây dựng bằng vật liệu đơn sơ như: Tranh, tre, lá, nứa… cách vị trí hiện nay khoảng 50m về phía Tây Bắc.
Đến năm 1797, đình bị sụp nên nhân dân xây dựng lại ngôi đình tại vị trí hiện nay. Trên xà chính điện khắc chữ Hán Nôm: tạm dịch (Đinh Tỵ quý thu kiến tạo - xây dựng tháng 9 năm Đinh Tỵ).
Đình Thạch Thành hiện còn lưu giữ được 05 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 02 (1887) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Duy Tân năm thứ 03 (1909) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng.
Ngoài ra, đình Thạch Thành còn lưu giữ 02 bản chế ngày 28 tháng 10 năm Minh Mệnh năm thứ 18 (1837). Nội dung trong đó đề cập đến các khoản thuế được miễn, các đối tượng được thưởng lương bổng…Tuy nhiên đây là một bản chế mang tính phổ biến rộng rãi trong cả nước chứ không phải riêng cho một địa phương.
Trải qua thời gian, đình đã được tu bổ vào những năm:
- Năm 1965, thay ngói âm dương bằng ngói vẩy;
- Năm 1993, thay ngói vẩy bằng ngói tây, sơn quét vôi và trang trí hoa văn;
- Năm 2012, tu bổ, sửa chữa toàn bộ ngôi đình.
Đình Thạch Thành thờ: Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thổ Công...
Đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, Án phong, Đại đình, nhà Tiền hiền, nhà Đông, nhà Bếp, miếu Thành Hoàng
Đình Thạch Thành quay theo hướng Nam, xây dựng trong khuôn viên đất với tổng diện tích là: 2.235,0m2.
Tiền tế là thềm của đại đình, mặt trước hệ mái đắp nổi dòng chữ Hán Nôm: (亭 城 石 - Đình Thạch Thành), trên bờ nóc trang trí đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nhật”, trên các cột viết cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm có hai chữ đầu ghép thành tên đình
Phiên âm:
Thạch ủng cao sơn khoa hổ cứ
Thành liên đại địa đối long bàn.
Dịch nghĩa:
Đá ôm núi lớn tựa hổ ngồi
Thành liền đất rộng như rồng cuộn.
Chính điện xây dựng trên nền móng bằng đá chẻ, tường xây bằng gạch, xi măng, vôi vữa. Chính điện có hệ cửa bằng gỗ, kiểu “Thượng song hạ bản”, mái lợp ngói tây, bờ nóc trang trí “Lưỡng long chầu nhật”. Điểm nổi bật của ngôi đình là hệ thống kết cấu khung gỗ còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, các trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc sắc xảo.
Lễ hội đình Thạch Thành là dịp để nhân dân trong thôn khơi lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng thành kính, biết ơn với những người đã có công khai phá đất đai, dựng làng lập ấp, cầu mong các vị thần linh che chở, ban phúc cho dân làng được an khang, thịnh vượng, mùa màng bội thu. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân trong thôn gặp gỡ, giao lưu góp phần thắt chặt tình đoàn kết xóm làng. Vì vậy, việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội đình làng là rất quan trọng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình còn là địa điểm lực lượng cách mạng địa phương tổ chức mít tinh, vận động nhân dân ủng hộ thuốc men, lương thực…để phục vụ cho kháng chiến. Từ năm 1945 – 1954, đình Thạch Thành là nơi tập trung của lực lượng cách mạng địa phương. Đồng thời, đây cũng là nơi cất giữ lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho lực lượng cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 2006, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng đình Thạch Thành là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số: 1887/QĐ-UBND, ngày 6/11/2006.
Bá Trung Toản