Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH VĨNH PHÚ

03/04/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Vĩnh Phú thuộc tổ dân phố 12, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (xưa Vĩnh An Thôn, tổng Trung huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa). Nằm cách thành phố Nha Trang 30 km về hướng Bắc.

Di tích được xây dựng trước năm 1852, để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng và phối thờ Tiền hiền, Hậu hiền… Trải qua thời gian, đình Vĩnh Phú bị xuống cấp, hư hại nên bà con nhân dân đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1886, đại tu bổ di tích; năm 1924, trùng tu tôn tạo một số hạng mục công trình bị xuống cấp: hệ mái, hệ thống khung gỗ chịu lực; năm 1966, đại tu bổ di tích.

Đình Vĩnh Phú tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng với tổng diện tích 1.306,2m2. Đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, sân đình, án phong, võ ca, tiền tế, chính điện, miếu Tiền hiền, nhà phục vụ.

Tiền tế, chính điện là hai hạng mục chính của di tích.

Tiền tế thiết kế ba gian bằng nhau có bốn cửa vào (ba cửa chính và một cửa nách), cánh cửa bằng gỗ. Nền xi măng. Mái lợp ngói tây, trên bờ nóc trang trí đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, các bờ dải có trang trí hình rồng vân mây cách điệu.Tiền tế là nơi nhân dân tế các lễ vật lên Thần.

Nội thất tiền tế được bài trí như sau: hai bên tường hồi có hai ban thờ thần giữ cửa, trên có vẽ hình hai vị thần. Chính giữa là ban thờ Hội đồng bằng gỗ, hai bên bài trí bộ lỗ bộ. Sau ban thờ Hội đồng là long đình dùng để đựng “sắc Thần”. Phía trên long đình treo ba bức hoành phi.

Chính điện được nối liền với tiền tế thiết kế ba gian bằng nhau, diện tích 41,3m2 để thờ các vị thần, vị thần chủ đạo ở đây là Bổn Cảnh Thành Hoàng, thờ ở vị trí trung tâm. Chính điện có ba cửa chính và hai cửa bên, cánh cửa bằng gỗ. Nền xi măng. Mái lợp ngói tây, gồm bốn mái dưới và mái cổ lầu, bờ nóc mái cổ lầu trang trí đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, bờ dải trang trí đắp nổi rồng vân mây cách điệu, diềm mái tạo hình cánh sen làm bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo. Mái dưới trang trí đắp nổi hình rồng vân mây cách điệu.

Kết cấu kiến trúc: Chính điện có kết cấu đặc trưng truyền thống của người Việt. Hệ thống chịu lực chủ đạo là bộ khung gỗ gồm: bốn chiếc cột cái liên kết với bộ vì bằng các lỗ mộng (bộ vì được thiết kế theo kiểu vì kèo truyền thống). Điểm gối của bộ vì là đấu vuông thót đáy, bốn mặt của đấu vuông được chạm khắc hình hoa văn cách điệu tinh tế. Trên phía đầu cột các điểm ghép mộng với bộ vì tạo thành đầu dư chạm khắc tinh xảo hình đầu chim phượng. Cột và bộ vì được liên kết với  hệ thống thanh xuyên, hoành, dui, mè…tạo thành bộ khung nâng đỡ mái.

Nội thất chính điện được bài trí như sau: Ở vị trí trung tâm của chính điện có ba ban thờ; chính giữa là ban thờ Thần, hai bên Tả ban, Hữu ban.

Ngoài nét đẹp độc đáo về  nghệ thuật kiến trúc, đình Vĩnh Phú còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa: tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, mõ, nghi thức, nghi lễ cúng, văn tế, nhạc lễ, trang phục…Đặc biệt sáu sắc phong do các vị vua triều Nguyễn phong tặng.

Hàng năm, lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày Mười tháng Ba âm lịch. Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Ngoài phần lễ, còn có phần hội hát bội.

Đình Vĩnh Phú có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX, là một trong những ngôi đình hình thành sớm trên vùng Ninh Hòa. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất. Ngôi đình là một minh chứng cho sự tồn tại của làng Vĩnh Phú xưa (nay là Tổ dân phố 11, 12 và 13), trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà cha, ông ta đã sáng tạo ra và lưu truyền lại. Điểm nổi bật nhất của ngôi đình là hệ thống kết cấu chịu lực bằng khung gỗ, với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của người Việt vẫn còn được bảo lưu tại đây. Chính vì những giá trị tiêu biểu trên đình Vĩnh Phú đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra Quyết định số 2369/QĐ-UBND, ngày 31/8/2011 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

 

Nguyễn Chí Khải

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH THẠCH THÀNH
Đình Thạch Thành tọa lạc tại thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi đình còn là địa điểm lực lượng cách mạng địa phương tổ chức mít tinh, vận động nhân dân ủng hộ thuốc men, lương thực…để phục vụ cho kháng chiến. Từ năm 1945 – 1954, đình Thạch Thành là nơi tập trung của lực lượng cách mạng địa phương.
ĐÌNH PHÚ THẠNH
Đình Phú Thạnh tọa lạc tại tổ dân phố Phú Thạnh, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Ban đầu, đình được xây dựng ở giữa làng. Sau đó, không hiểu lý do gì mà ngôi đình được dời lên phía đầu làng. Đến năm Giáp Tuất (1934), ngôi đình lại được dời một lần nữa đến địa điểm hiện nay.
ĐÌNH THẠNH MỸ
Đình Thạnh Mỹ quay theo hướng Đông, nằm trong khuôn viên đất với tổng diện tích: 1.240 m2. Đình được xây dựng theo kết cấu kiểu “Tam Sơn” với chính điện ở giữa cao hơn, hai bên là nhà đông và nhà tây.
ĐÌNH THUẬN MỸ
Đình Thuận Mỹ tọa lạc thôn Thuận Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đình Thuận Mỹ được xây dựng đầu thế kỷ XIX, các kiến trúc trang trí mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc tinh xảo, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian, sinh động, có giá trị thẩm mỹ trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương.
CHÙA BẢO LONG
Chùa Bảo Long tọa lạc tại thôn Thuận Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH ĐÔNG HẢI
Đình Đông Hải còn lưu giữ được khá nhiều di vật cổ. Các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 7 sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng, khám rước sắc, đôi lọng, chiêng, trống, thanh la…Ngoài ra, đình cũng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là các nghi thức, nghi lễ cúng, bài văn cúng, bản nhạc cúng…
ĐÌNH BẰNG PHƯỚC
Đình Bằng Phước tọa lạc tại thôn Bằng Phước, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH VĂN ĐỊNH
Đình Văn Định tọa lạc bên cạnh trục đường liên xã, gần phía Tây chân núi Ổ Gà, thuộc xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
ĐÌNH PHÚ NGHĨA
Đình Phú Nghĩa tọa lạc tại thôn Phú Nghĩa, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đình Phú Nghĩa được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Lúc mới tạo dựng, đình được làm bằng tranh tre, nứa lá thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Tân Định.
ĐÌNH PHONG PHÚ
Đình Phong Phú tọa lạc vị trí đầu làng, mặt tiền quay về hướng Nam, trong khuôn viên có diện tích 2.420m2. Đình Phong Phú bố cục trên mặt bằng tổng thể bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Án phong, sân đình, chính điện, nhà đông, nhà tây, miếu Âm hồn, miếu Thiên Y A Na, nhà bếp.